Thứ Tư, 24 Tháng Năm, 2023 16:35

Hai người mẹ

 

“Mẹ” là một hình tượng đặc biệt thân thiết trong cuộc sống nhân sinh và tâm linh. Tháng 5 hằng năm là thời điểm khơi gợi tâm hồn mọi người hướng về hai người mẹ.

Trong cuộc sống nhân sinh, “Ngày của Mẹ” (Mother’s Day) tôn vinh người mẹ trần thế, khơi nguồn từ Mỹ đầu thế kỷ 20, được ấn định vào Chúa nhật thứ hai trong tháng 5, ngày càng được đón nhận tại nhiều vùng miền trên thế giới bởi nét tương đồng tiềm ẩn nơi truyền thống luân lý, đạo đức, văn hóa của nhiều dân tộc. Giáo hội Công giáo cũng luôn đồng cảm với truyền thống tốt đẹp này. Hằng năm, vị chủ chăn toàn cầu mời gọi các tín hữu gởi lời cầu nguyện, tình cảm, lời chúc tốt đẹp nhất đến người mẹ.

 Giáo xứ Vĩnh Phước, giáo phận Phú Cường, dâng hoa  kính Đức Mẹ - ảnh: GP Phú Cường

 

Trong đời sống tâm linh, Đức Maria - Mẹ Thiên Chúa được Giáo hội dành tháng 5 để tỏ lòng sùng kính. Tháng này diễn ra nghi thức dâng hoa lên Mẹ, hình thành từ thời Trung cổ và sau này lan tỏa trong toàn Giáo hội nên còn được gọi là “Tháng Hoa”. Ngoài ra, Giáo hội còn dành thêm tháng 10 để hướng trông về Mẹ - tháng Mân Côi.

Lòng sùng kính Đức Maria nơi các tín hữu Việt Nam ngày càng nảy nở sâu rộng - một trong những dấu hiệu hữu hình là sự hình thành các trung tâm hành hương kính Đức Mẹ nơi nhiều vùng miền. Ngoài La Vang (TGP Huế), Trà Kiệu (Đà Nẵng), trong khoảng 50 năm gần đây đã có thêm các trung tâm hành hương Đức Mẹ Bãi Dâu (Bà Rịa), Đức Mẹ Fatima Bình Triệu (TGP TPHCM), Đức Mẹ Tà Pao (Phan Thiết), Đức Mẹ La Mã (Vĩnh Long), Đức Mẹ Măng Đen (Kontum)… Những địa chỉ này cuốn hút từng nhóm, từng đoàn hành hương, du lịch tâm linh quanh năm; đặc biệt với La Vang, mỗi kỳ đại hội ba năm một lần thu hút hàng trăm ngàn người.

Tâm tình tôn vinh Mẹ Maria còn được thêu dệt đậm nét qua âm nhạc với nhiều nhạc phẩm đã trở nên vốn liếng tinh thần của cộng đồng tín hữu Việt như “Trên con đường về quê” (Nguyễn Khắc Xuyên), “Kìa ai” (Lm Vinh Hạnh), “Dâng Mẹ”, “Cung chúc Trinh Vương” (Lm Hoài Đức). “Ave Maria con dâng lời chào Mẹ”, “Lời Mẹ nhắn nhủ”  (Lm Huyền Linh)… Riêng tâm tình xin vâng của Mẹ là nguồn cảm hứng cho linh mục Kim Long với nhạc phẩm “Linh hồn tôi”, nhạc sĩ Hải Linh với “Ngợi khen”, linh mục Mi Trầm với “Xin vâng”…

Ngoài những thời điểm Giáo hội dành riêng, tâm tình cậy trông Mẹ được thể hiện trong nhiều khoảnh khắc đời thường như viếng đài Đức Mẹ sau thánh lễ; đọc kinh Mân Côi trong các giờ kinh nguyện, hội họp; khi thăm kẻ liệt, phúng viếng người qua đời… Nhiều tín hữu còn có thói quen về bên Mẹ hoặc thầm thĩ đọc kinh Mân Côi trong những giây phút lo âu, buồn chán hoặc trước những biến cố trong cuộc đời…

Tâm tình yêu mến, thảo hiếu người mẹ thân sinh dường như là sợi dây nối kết tự nhiên với Mẹ Giáo hội “nguồn cậy trông, chưa thấy ai xin Mẹ về không. Các tín hữu thật hạnh phúc khi có hai người mẹ!

 

HOÀNG ANH

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm