Đọc xong bản tin ngắn đăng trên báo Thanh Niên ngày 1.10.2016, cứ ngỡ mới nghe được một câu chuyện tiếu lâm. Thật khóc dở cười dở.
Bản tin nói về trường hợp một học sinh lớp 6 ở Sóc Trăng, sau một tháng nhập học, đã bị nhà trường gởi trả về trường Tiểu học cũ để học lớp…1. Lý do : em chưa biết viết, biết đọc.
Giải thích về điều tréo ngoe này, cô Hiệu trưởng trường Tiểu học - nơi em vẫn được lên lớp đều đều từ lớp 1 đến lớp 5 - thật thà : Do là trường chuẩn Quốc gia, chỉ tiêu mỗi năm một lớp không được có hơn một em ở lại lớp, vậy là giáo viên… cứ cho lên.
Cho lên lớp, mặc kệ trình độ đúng của học trò, là thái độ vô trách nhiệm, đẩy cái khó cho người phụ trách lớp trên.
Cho lên lớp khi biết khả năng thật của trò chưa đạt, là hại trò mình trong tương lai gần và quãng đời xa về sau.
Cho lên lớp, vì bởi chạy theo thành tích “giữ chuẩn”, là dùng học trò để che đậy hành vi lươn lẹo.
Đây là những thái độ và kiểu suy nghĩ rất không đáng có trong trường học.
Từ hiện tượng (chắc là không phải duy nhất) này, có lẽ nên xem lại cách tổ chức và các quan niệm về trường - lớp của ngành giáo dục.
Cách làm của Phần Lan, một quốc gia được chương trình khảo sát kiến thức học sinh phổ thông (PISA) do Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tiến hành công bố là có nền giáo dục thành công nhất trên thế giới, rất đáng để chúng ta quan tâm :
- Tất cả các trường học đều được cấp ngân sách và được trang bị như nhau (không chuẩn này chuẩn kia). Học sinh không bị chia lớp dựa trên thành tích học tập hay sở thích nghề nghiệp trong tương lai. Không có học sinh “giỏi” hay “kém”: hết thảy đều có năng lực, đều được đưa ra những thách thức như nhau về mặt thể chất và tinh thần.
- Người Phần Lan cho học sinh mình học để chuẩn bị bước vào cuộc sống, không phải để trải qua các kỳ thi. Vì vậy, chỉ có một bài thi chuẩn hóa bắt buộc duy nhất là bài thi viết cuối cùng trước khi tốt nghiệp phổ thông.
- Các mối quan hệ trong trường học Phần Lan đều dựa trên sự tin tưởng nên không có những buổi kiểm tra đột xuất giáo viên, không có dự giờ để cô trò “diễn kịch”, cũng không có ai áp đặt bất cứ chỉ tiêu nào lên giáo viên. Hệ thống giáo dục này chỉ đưa ra những đề xuất chung, cho phép giáo viên tự do chọn một phương pháp thích hợp.
Giáo dục và những cách làm, đó là một câu chuyện dài mà chúng ta bàn gần như hằng ngày, nhưng có vẻ cứ loay hoay mãi không lối ra.
Công giáo và Dân tộc
Bình luận