Thứ Bảy, 10 Tháng Mười Hai, 2016 20:00

Hang đá ghi dấu biết bao kỷ niệm

Hang đá Bêlem, một biểu trưng đặc biệt của mùa Giáng sinh, vẫn thường được tái hiện lại qua đôi bàn tay khéo léo của người giáo dân. Trong quá khứ hay ở hiện tại, không khí Noel trong các xóm đạo luôn có ánh sáng lung linh của hang đá mừng Chúa giáng trần...

XÂY HANG ĐÁ TÂM HỒN

Chị Nguyễn Thị Thu Nga (Gx Khiết Tâm - TGP.TPHCM): Ngày còn bé, gia đình không có truyền thống làm hang đá vì hằng năm vào dịp này, bố đều đi làm ăn xa. Mẹ con ở nhà nhiều khi cũng muốn  bày biện làm nhưng không làm được. Vì vậy mấy chị em tôi luôn xem hang đá nhà thờ như của nhà mình. Ngày giáo xứ làm hang đá, chúng tôi thường quanh quẩn gần đó để coi ai cần gì thì giúp. Cũng háo hức ngắm nghía từng công đoạn và chờ đợi thành quả cuối cùng. Chuyện cũ giờ có dịp ngồi nghĩ lại vẫn cảm thấy vui. Dù không có hang đá trong nhà nhưng mỗi khi Giáng Sinh gần kề, mẹ luôn dạy chúng tôi hãy xây hang đá tâm hồn thật đẹp để đón mừng Chúa đến. Giờ đây cứ mỗi mùa Noel về, tôi lại nhớ tới lời dạy đó.

NIỀM VUI MÙA GIÁNG SINH

Ông Nguyễn Trung Đức (Gx Bình Lợi - TGP.TPHCM): Mỗi mùa Noel, các thành viên trong gia đình tôi đều cùng nhau làm hang đá tại nhà. Từ mô hình máng cỏ đơn giản của ngày kinh tế khó khăn khi xưa đến hang đá được trang hoàng tỉ mỉ ngày nay, như trở thành điểm son cho sự thăng tiến của gia đình qua năm tháng. Chúng tôi xem đây là một hoạt động truyền thống của gia đình và luôn cố gắng thực hiện khi chuẩn bị mừng Chúa Giáng sinh. Các con cháu của tôi tuy bận rộn việc học, việc làm nhưng vẫn tụ họp đầy đủ khi gia đình tổ chức làm hang đá. Đây cũng là dịp để sum họp, gặp gỡ nhau trong bầu khí sôi nổi và ấm cúng của những ngày cuối năm. Qua đó, tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc khi chứng kiến sự nhộn nhịp, tiếng cười nói của những người thân yêu.

HANG ĐÁ MIỀN QUÊ

Anh Nguyễn Duy Khanh (Gx Thánh Giuse - GP Long Xuyên): Năm nào nhà tôi cũng làm hang đá để mừng đón ngày vui Chúa sinh ra đời ở Bêlem. Vì ở miền quê nên tận dụng “cây nhà lá vườn” như chuối, tre, trúc, rơm phơi khô..., mua thêm dây điện, cây thông, ngôi sao và vài dây kim tuyến nữa là có thể làm thành một máng cỏ đơn sơ nhưng ấm cúng. Cả gia đình cùng quây quần bên nhau mỗi người một tay trang hoàng cho thật đẹp. Trong khi làm cùng nhau nghe nhạc Giáng sinh để bầu khí trở nên tươi vui, thêm gắn kết tình cảm mọi người trong gia đình. Bên cạnh đó, chúng tôi cố gắng tiết giảm chi tiêu để dành một khoản nhỏ ủng hộ cho các cộng đoàn thiện nguyện đang có những hoạt động bảo vệ sự sống theo lời kêu gọi trong thư mục vụ mùa Vọng và Giáng Sinh 2016 của vị chủ chăn giáo phận.

NHỚ HANG ĐÁ QUÊ NHÀ

Chị Nguyễn Thị Kim Khoa (Gx Chí Hòa - TGP.TPHCM): Lúc trước ở quê, năm nào nhà tôi cũng làm một cái hang đá to. Hang đá đó ở đầu đường nên coi như “dùng chung” cho cả xóm. Trước Noel mấy tuần, cả nhà tôi lại cùng nhau dọn dẹp, chuẩn bị vật dụng để dựng mô hình. Người lớn thì lo giấy, cây, rơm, kéo điện, đèn đuốc; trẻ con thì giúp việc lặt vặt. Vì hang đá lớn nên cũng cần nhiều người, vậy là hàng xóm cũng đến phụ. Không khí lúc chuẩn bị ấm áp và vui như ngày Tết. Mấy năm nay, vì ba mẹ bận rộn công việc buôn bán nên không làm hang đá nữa. Tôi xa quê lên Sài Gòn làm, ở trọ cũng không tiện để dọn hang đá cho mình. Mỗi lần đi ngang qua các xóm đạo có đèn giăng mắc, hang đá rực rỡ... lại nhớ nhà, nhớ da diết cái không khí Giáng sinh đầm ấm ngày trước còn ở quê.

HANG ĐÁ CỦA MỌI NGƯỜI       

Anh Nguyễn Huy Cường (Gx Tân Đức - TGP.TPHCM): Trước ngày lễ Giáng sinh khoảng một tháng, năm nào gia đình tôi cũng sửa soạn làm hang đá, trang trí nhà cửa bằng những cây thông, bóng đèn đủ màu... Vật dụng chủ yếu là những tấm giấy bạc, tượng, tranh ảnh còn để lại từ các năm trước. Đặc biệt năm nay tôi cùng với một số bà con giáo dân trong xóm cùng chung tay thiết kế một hang đá khá lớn ở ngay trong hẻm. Người thì góp vật liệu, người góp công sức... Ai nấy cũng cảm thấy phấn khởi vì năm nay có hang đá mới hoành tráng thay vì như những năm trước mỗi gia đình làm riêng lẻ. Đây cũng là dịp mọi người gặp gỡ nhau, dọn mình và dọn đường chào đón Chúa đến. Tôi cũng thấy rằng không chỉ với người có đạo mà một số bà con lương dân trong xóm cũng hưởng ứng rất nhiệt tình. Nhờ đó không khí Noel trở nên ấm cúng và sôi động hơn.

KẾT NỐI TÌNH THÂN

Anh Võ Tuấn Anh, (Gx Bò Ót - GP Long Xuyên): Hằng năm, cứ đến giữa mùa Vọng, các thành viên trong gia đình tôi lại được dịp xúm xít bên nhau chuẩn bị làm hang đá đón Giáng sinh. Mỗi người một việc, từ thiết kế kiểu dáng, trưng bày hoa, đèn, đến trang trí cây thông... Công việc này không mất thời gian lắm, với nguyên vật liệu có sẵn, mỗi người chỉ cần chung tay thực hiện một buổi là hoàn tất trong khi niềm vui mang lại thì vô cùng lớn. Hang đá ở nhà tôi không hoành tráng nhưng luôn có điểm nhấn đặc biệt bằng các trang trí mà chúng tôi tham khảo trên mạng... Tôi thấy việc cùng làm hang đá rất ý nghĩa vì mỗi lần cả nhà chung tay thực hiện điều gì đó, tình cảm gia đình lại gắn chặt thêm. Thỉnh thoảng, tôi còn phụ một số nhà  khác trang hoàng hang đá, vừa mang lại niềm vui cho bản thân, vừa thắt chặt tình làng nghĩa xóm.

Nguồn gốc Hang đá

Ai là người đã trưng bày Hang đá đầu tiên?

Đó là một khám phá tuyệt vời của thánh Phanxicô thành Assisi. Tác giả Omer Englebert kể vào năm 1223, khi chỉ còn đúng 2 tuần lễ nữa là đến ngày mừng lễ Chúa Giáng Sinh, Phanxicô Assisi lúc đó đang trên đường từ Rôma trở về làng Assisi, quê hương của ngài. Khi đi ngang qua làng Greccio thì gặp một tu sĩ tên là Jean Velita, tu sĩ này mới tập tu, Phanxicô liền ngỏ lời rằng: “Ta mong ước cử hành lễ Giáng Sinh để suy tôn Chúa ra đời ở Bêlem, nhưng để thể hiện nỗi cơ cực và khổ đau của Chúa ngay từ lúc còn thơ để cứu chuộc nhân loại, ta xin con làm một hang đá giống như thật với cỏ khô, rồi con dẫn một con lừa và một con bò vào để cho giống với con bò con lừa đã chầu quanh Chúa Hài Đồng năm xưa nhé’’. Thế là tu sĩ vâng lời, đi làm một hang đá giống như lời Phanxicô dặn.

Kể từ máng cỏ đầu tiên tại Greccio, sau đó hằng năm, tại các giáo xứ và nhà nhà khắp nơi trên thế giới, người ta bắt đầu làm hang đá với cây thông để mừng lễ Chúa Giáng sinh.

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm