Thứ Tư, 20 Tháng Tư, 2022 19:03

Hấp lực mua sắm và chứng nghiện tiêu xài ở người trẻ

Chuyện này không mới, vốn đã có các công trình xã hội học, tâm lý học nghiên cứu từ lâu và mô tả kỹ, nhất là ở các xã hội Âu - Mỹ với hàng hóa dịch vụ dồi dào, có nhiều công ty tập đoàn có năng lực khai thác tâm lý khách hàng cao độ để tăng lợi nhuận.

Thương mại, dịch vụ, tiêu dùng là hoạt động bình thường của xã hội và càng nhộn nhịp ở xã hội hiện đại do cả cung và cầu đều tăng cao từng giờ. Tuy nhiên, hội chứng nghiện mua sắm lại mang tính tiêu cực, thậm chí bệnh lý tinh thần ở một số người, nhất là trong giới trẻ - đó chính là khía cạnh bất thường trong sự bình thường đã nói đến, cần nắn chỉnh.

Kinh tế thị trường hàng hóa dịch vụ ăm ắp và luôn luôn có cái mới xuất hiện. Ví như điện thoại, nhà sản xuất và phân phối luôn nghiên cứu kỹ càng tinh vi để khai thác thị trường, đánh vào tâm lý người dùng: một phiên bản X được chăm chút sản xuất dần để sao cho có thể tung từng đợt các phiên bản X khác được nâng cấp hay đơn giản “nâng cấp” màu sắc vỏ máy! Cánh trẻ vừa mua xong một “con dế” X mới tinh, khi chịu tác động tiếp thị, quảng cáo trên các phương tiện truyền thông... về một phiên bản X mới quá hấp dẫn, nên có khi xuất hiện ý thích muốn tậu cái mới kia cho “hot” và cứ thế tiếp diễn… Không phải chỉ điện thoại, giày vớ, ba lô, túi xách, quần áo, tất tần tật hàng hóa đều khai thác tâm lý thích cái mới, đánh vào người trẻ, hút họ vào guồng mua sắm. Xuất hiện vết hằn trên não bộ một dấu hiệu gì đấy như với chứng nghiện cờ bạc, mỗi khi có tin về hàng hóa dịch vụ mới có nhu cầu ngắm, chạm, mua, dùng, khi ôm “em” hàng mới về, có sự thỏa mãn không thì bức bối khó chịu không thôi. Tác nghiệp kích thích tiêu dùng của bên sản xuất và phân phối không phạm luật, bên mua cũng thế, nhưng…cái vòng lẩn quẩn ấy tiêu tốn bao nhiêu tiền bạc ở độ tuổi chưa kiếm được nhiều tiền, hay chỉ dùng tiền bố mẹ cho hạn chế. Sức hút hàng hóa dịch vụ mới triền miên ảnh hưởng nhu cầu học hành, đời sống yên bình của tuổi mới lớn hoặc một bộ phận người trẻ chưa chín chắn, thành một vấn đề không nhỏ đáng lo lắng.

Xứ sở có phát triển song chưa cao, nguồn lực vật chất chưa dồi dào như các nước phát triển Âu - Mỹ, nhu cầu của người trẻ cần tiết chế “liệu cơm gắp mắm”, thực tai hại nếu rơi vào vòng xoáy hấp lực tiêu dùng thành nghiện.

Không khó chứng kiến các bạn trẻ thay ba lô, điện thoại, trang phục như chong chóng, cái chưa kịp cũ đã không thấy, thay vào cái mới tinh. Có bạn dùng đồ hơi cũ đã mất tự tin và yêu sách với bố mẹ hay tìm mọi cách thỏa mãn tâm lý có cái mới, kể cả việc phải vay mượn tiền để mua món đồ mới mình yêu thích và chuyện bi hài cũng đã xảy ra không ít. Sự hoang phí trong bối cảnh xứ ở còn nghèo, gia cảnh người trẻ không phải ai cũng “con cháu đại gia”, thực sự thành chuyện búc xúc.

Tư vấn đả thông, thậm chí trị liệu tâm lý, giáo dục về cần kiệm cho những bạn trẻ nghiện mua sắm rất cần, bằng những cách thích hợp - chuyện này có lẽ gia đình, nhà trường, xã hội đều có trách nhiệm.

 

NGUYỄN THÀNH CÔNG

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm