Vào năm học mới, các bậc cha mẹ tưởng chừng như phải mọc thêm ba đầu sáu tay để lo toan cho con, nhất là những bé vào lớp Một. Lo chứ, lo con chưa quen đi học, con không theo kịp các bạn, con đói, con buồn ngủ, con bị bắt nạt (hoặc ngược lại, con… đánh bạn), con bị cô la sẽ sợ học, lo đủ thứ!
Chẳng thế mà khá nhiều phụ huynh biết năm nay con bước vào học chương trình sách giáo khoa mới, đã định “cha mẹ học lớp Một” trước để dạy con (nhỡ con đi học về hỏi mẹ cái này đánh vần thế nào, mẹ khỏi phải trì hoãn để... hỏi cô) và phải đi trước một bước trong việc tìm thầy “dạy chữ trước tuổi” cho con, ngay cả khi có mẹ là giáo viên tiểu học.
Tôi cho rằng, việc cho con “đọc thông viết thạo” và học trước chương trình lớp 1 chỉ được cái lợi trước mắt là trẻ không bỡ ngỡ trong tuần đầu cho đến vài tháng đầu vào lớp, nhưng lại khiến trẻ mất hứng thú khám phá tìm hiểu, lại thêm tâm lý chủ quan (nghĩ mình đã biết rồi, nếu không hiểu về đã có mẹ dạy/ đi học thêm/ gia sư kèm) nên thiếu tập trung vào lời cô chỉ bảo, ảnh hưởng đến bạn khác. Thêm nữa, con đã biết viết rồi thì các cô để con “tự quản”, dành thời giờ chú tâm kèm cho bạn nào chưa biết gì, con lại càng xao nhãng.
Trẻ biết đọc sớm không có nghĩa là sẽ ham đọc sách. Ðường học rất dài, còn suốt cả cuộc đời, hãy để bé đặt chân vào lớp 1 bằng cảm xúc ham học hỏi, háo hức với những thử thách mới mẻ, thấy mình tiến bộ mỗi ngày so với chính mình hôm qua. Ðừng đẩy bé vào những giờ học cực hình, phải “ngồi nghiêm, khoanh tay, mắt nhìn thẳng lên bảng” nghe cô giảng những điều mình đã biết từ trước.
**
Các nhà giáo dục đã chỉ ra rằng, khó khăn của các bé vào lớp Một không phải là học chữ, học tính, học đọc, học viết mà là học cách hòa nhập với môi trường mới với hoạt động học tập là chủ đạo. Quan trọng là cha mẹ xây dựng tính tự giác cho con, nhất là cha mẹ phải nói được làm được thì con mới nể:
- Trò chuyện cùng con mỗi ngày bằng các câu chuyện kể có liên quan đến môi trường học đường: giữ trật tự trong lớp, giơ tay xin phép thầy cô khi phát biểu hoặc ra ngoài, xếp hàng khi vào lớp, đứng lên chào cô khi vào học, tan học.
- Tập cho con ăn một cách tập trung để ăn gọn gàng, ăn món gì cũng được, không “kén cá chọn canh”, giúp bé không bị đói giữa các buổi học hoặc ăn quá chậm so với bạn và bị đói sau đó.
- Yêu cầu con ngồi bên bàn học ngay ngắn đúng tư thế trong vòng 30 - 45 phút. Tập cầm bút, luyện cơ tay để khi tập viết lâu bé không thấy mỏi (vẽ tranh, tô màu, đồ chữ cái...) làm quen với bảng chữ cái, các con số, giúp gia tăng sự tập trung chú ý.
- Tạo thói quen tự lập bằng cách khuyến khích trẻ thực hiện đến nơi đến chốn vài việc nhà đơn giản, tự tạo thời gian biểu học tập, vui chơi và nghiêm túc thực hiện thời gian biểu ấy.
- Ba mẹ đặt đồng hồ báo thức giúp con, con thức dậy theo báo thức hoặc người lớn gọi thì dậy ngay. Tiến tới con tự đặt đồng hồ, tự dậy theo yêu cầu việc học tập tất cả các ngày.
- Ði vệ sinh chủ động, bật đèn, đóng cửa, dùng hợp lý các thiết bị, xả nước, rửa tay 6 bước đúng cách, tắt đèn, đóng cửa sau khi ra khỏi phòng W.C.
- Quản lý ba lô, tránh thất lạc sách vở và dụng cụ học tập, biết giữ gìn và làm sạch đồ dùng.
- Tự giác chải răng, súc miệng, tắm, gội đầu, thay quần áo, giặt sạch/phơi/ gấp đồ lót hàng ngày.
Nên nhớ trẻ lớp Một chỉ có thể tập trung chú ý trong vòng nửa giờ, nếu kéo dài thời gian học, trẻ sẽ ngọ ngoạy, lơ đãng, ngáp dài, xin đi uống nước/ đi vệ sinh, táy máy đồ chơi... Vì thế khi kèm con học ở nhà, cha mẹ nên áp dụng nguyên lý 20-10-10: Cho con học 20 phút (tập chép, viết chính tả, làm bài tập), sau đó chuyển sang hoạt động khác 10 phút (học thuộc lòng, vẽ, tô màu, coi hoạt hình), rồi quay lại bàn học trong khi người lớn làm việc cách trẻ trong vòng 10 mét để “giám sát”. Sau đó lại lặp lại vòng nữa như thế.
***
Nếu ai đó không tin rằng trẻ 6 tuổi khó lòng tự giác làm được nhiều điều đến thế, thì hãy nghe lời khuyên của bà Maria Montessori - nhà trị liệu nhi đồng và nhà giáo dục người Ý nổi tiếng thế giới: “Trẻ nhỏ, ngay từ khi cai sữa, đã bắt đầu tiến về phía sự độc lập”.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục nhi đồng thì thời nay, các bậc cha mẹ không nhất thiết phải cố trở thành “phụ huynh siêu nhân”, một “đấng toàn năng” có thể dạy con tất-tần-tật mọi thứ. Không cần phải làm thay, làm nốt, làm hộ phần việc của các thầy cô giáo/bác sĩ/cảnh sát/tòa án... mà hãy làm điều mà quý vị giỏi nhất, uy tín nhất với con: làm gương.
Ths-Bs LAN HẢI
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.