Thời điểm Covid-19 hoành hành ở châu Âu và nhiều nơi trên thế giới, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã quảng diễn suy nghĩ của mình và được Austen Ivereigh, thư ký của ngài ghi lại trong quyển sách “Hãy cùng ước mơ - Hướng tới tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại”(*) (Let us dream - The path to a better future). Quyển sách khiến New York Times đưa vào danh mục bán chạy nhất.
Qua quyển sách này, Ðức Phanxicô nhấn mạnh nhân loại phải làm cho thế giới này trở nên an toàn, công bằng, lành mạnh hơn cho tất cả mọi người vì chính đại dịch đã phơi bày một cách sống động về sự bất công. Covid-19 gieo rắc nỗi đau thương. Nó đã khiến hầu như cả thế giới phải đóng cửa vì phong tỏa. Nỗi mất mát đau thương về các mặt xã hội và kinh tế đã khiến Ðức Phanxicô trăn trở và dành những suy tư trên các trang viết, như lời ngài: “Từ cuộc khủng hoảng này, chúng ta có thể trở nên tốt hơn hoặc tệ đi. Ta có thể trượt dài về sau, hoặc có thể tạo ra điều gì đó mới mẻ. Hiện tại, điều ta cần là cơ hội để thay đổi và tạo không gian cho những điều mới”. Ðiều này không chỉ với một người, một xã hội mà với toàn nhân loại.
![]() |
Mạch chính dòng suy nghĩ của Ðức Phanxicô được ngài chia sẻ với bố cục chia làm ba “thời” rõ ràng: quan sát, lựa chọn, và hành động. Ðức Phanxicô đã chỉ ra vô vàn thách thức mà nhân loại phải đối mặt không chỉ hiện tại mà còn trong tương lai. Ðối diện trước những thử thách này, con người có thể trở nên tốt đẹp hơn hoặc tụt hẳn lại phía sau. Ngài cảnh báo về những “chướng ngại” đầy rẫy hiểm nguy, song Thiên Chúa vẫn tiếp tục đồng hành và thắp lên ngọn đuốc soi sáng con đường phía trước. Ðồng thời, ngài đề xuất mỗi người nên có lối tư duy mới và xác định những hành động khác biệt mà ta có thể thực hiện, để góp phần thay đổi tương lai thế giới. Ðức Thánh Cha viết: “Đây là thời điểm để ta mơ lớn, để suy nghĩ lại các giá trị ưu tiên, những điều ta coi trọng, mong muốn và kiếm tìm, và cũng để cam kết hành động trong mỗi ngày sống vì những điều ta mơ ước”.
Những lời chia sẻ từ trái tim của Ðức Phanxicô luôn khiến người đọc lắng đọng suy tư. Lời ngài cho thấy, luôn ưu tiên bảo tồn những giá trị thánh thiêng nhân bản mà nhân loại tìm kiếm và trân trọng từ bao đời nay. “Vì đó là một điều ta có thể tin tưởng: cùng ước mơ và ra sức biến ước mơ thành hiện thực sẽ là chiếc cầu đưa chính ta và toàn nhân loại tới tương lai tốt đẹp hơn bao giờ hết”. Lời của ngài truyền nguồn cảm hứng rất lớn đến người nghe, không chỉ với Kitô hữu mà còn với mọi dân tộc, tôn giáo.
Từ quyển sách cho thấy vị “Giáo Hoàng của người nghèo” phê bình gay gắt nền kinh tế toàn cầu chăm chăm thu lợi nhuận tối đa mà không quan tâm đến đời sống của toàn nhân loại. Họ phải trả giá đắt khi môi trường sống bị tác động rất mạnh. Từ kinh nghiệm cuộc sống, Ðức Phanxicô dẫn ra quan sát khôn ngoan và đáng ngạc nhiên về giá trị của tư duy độc đáo. Ngài cho thấy, muốn xây dựng một thế giới tốt đẹp phải biết đặt người nghèo và trái đất vào vị trí trung tâm trong mọi cách nghĩ. Ðó là những gì ngài học được khi đến với những người nhặt rác trên đường phố Buenos Aires. Và, Ðức Phanxicô nhắc nhở đến mọi Kitô hữu, chọn cách phục vụ tha nhân, đặc biệt là những người nghèo, những người yếu thế theo tấm gương Chúa Giêsu Kitô.
“Hãy cùng ước mơ …” sẽ trao cho người đọc niềm cảm xúc diệu kỳ cùng lời kêu gọi và niềm vui. Quyển sách chuyển tải cách nhìn sâu sắc của Ðức Thánh Cha Phanxicô từ góc độ cá nhân. Với từng trang sách và với trái tim rộng mở, nhân loại sẽ làm thế giới thay đổi.
(*) Hãy cùng ước mơ - Hướng tới tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại - Tác giả: Ðức Giáo Hoàng Phanxicô - Dịch: YSOF. Công ty Văn hóa Phương Nam và NXB Thế Giới ấn hành.
BẢO LÂM
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.