Quá trình hình thành và cơ cấu nhân sự giáo xứ, giáo họ của Công giáo ở Nam Bộ từ buổi đầu đến năm 1954
Hình thành giáo xứ, giáo họ
Tín hữu Công giáo Nam Bộ xưa kia quen gọi xứ đạo là họ đạo. Thói quen này đến nay vẫn thấy ở nhiều nơi. Về nguồn gốc tên gọi HỌ đạo, linh mục Ðỗ Quang Chính viết: “Ông cha ta sử dụng từ HỌ là muốn làm nổi bật sự liên kết chặt chẽ giữa các bổn đạo trong HỌ, chứ không lỏng lẻo như ở châu Âu. Vì ở đó, có thể nói những cá nhân liên hệ với nhau bằng việc duy nhất là họp nhau tham dự kinh lễ tại nhà thờ trong những ngày giờ nhất định. Trái lại, ở Việt Nam, các bổn đạo trong HỌ còn liên kết vối nhau bằng nhiều cách, trong nhiều tổ chức sinh hoạt, không phải chỉ tới nhà thờ tham dự kinh lễ mà thôi. Vì thế HỌ là một cơ sở hay nói đúng hơn là một cơ thể thực sự vững mạnh và sống động, mà chính L. Cadière cũng phải nhận xét như thế”[1]. Trong công trình nghiên cứu về làng Công giáo Lưu Phương (Ninh Bình), chúng tôi cho rằng: “Theo quan niệm của người dân địa phương, những người theo các họ tộc khác nhau, nhưng ở cùng một họ đạo, nghĩa là cùng một tộc sư. Nói cách khác, thánh quan thầy của họ đạo được xem là tổ họ... Họ đạo vì vậy trở thành một cộng đồng cư dân cận lân gắn bó đời, đạo”[2].
Có thể chia quá trình hình thành họ đạo Công giáo ở Nam Bộ từ khởi đầu đến 1954 thành hai giai đoạn chính. Giai đoạn thứ nhất từ khởi đầu đến năm 1862; Giai đoạn thứ hai từ năm 1862 đến 1954.
Giai đoạn thứ nhất: Từ khởi đầu đến năm 1862
Các họ đạo ở Nam Bộ buổi đầu được hình thành gắn liền với việc di dân mở mang vùng đất phía Nam của Tổ quốc. Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu cho lập phủ Gia Ðịnh, đặt dinh Trấn Biên (Biên Hòa) và dinh Phiên Trấn (Tân Bình), miền đất Gia Ðịnh - Ðồng Nai được đi vào lịch sử. Trong số lưu dân tới miền đất này lập nghiệp, có một bộ phận người Việt là tín hữu Công giáo. Cho đến thế kỷ XVII, giáo sử Công giáo Việt Nam chưa ghi nhận có các họ đạo ở Nam Bộ. Mặc dù theo Giám mục Labbé, trong khoảng năm 1670 - 1675, ở vùng Ðồng Nai có khoảng 20.000 di dân, trong đó có khoảng 2.000 giáo dân[3]. Công cuộc truyền giáo ở Nam Bộ tới giữa thế kỷ XVIII thuộc về dòng Tên và dòng Phanxicô (Phan Sinh). Các thừa sai dòng Tên truyền giáo ở vùng phía bắc sông Ðồng Nai, địa bàn còn lại thuộc các thừa sai dòng Phanxicô.
Như vậy, họ đạo ở Nam Bộ khởi đầu từ việc các lưu dân đến khẩn hoang ở vùng Ðồng Nai - Gia Ðịnh, về sau là những giáo dân trốn tránh sự bắt đạo của nhà Nguyễn. Qua một thời gian sinh sống, có thể là tự phát, giáo dân thấy cần thiết phải tụ họp thành một họ đạo để thực hành kinh lễ, cũng có thể do các thừa sai thấy cần thiết phải tập hợp họ lại trong một tổ chức họ đạo để quản lý, đặc biệt là để thực hành kinh lễ, cũng có khi là cả hai.
Lịch sử họ đạo Chợ Quán - một họ đạo cổ xưa nhất của Tổng Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh bây giờ ghi: “Ở vùng Sài Gòn, nhiều giáo dân xuất xứ từ khắp nơi đã tề tựu lại thành lập họ đạo”. Hạt nhân của họ đạo là “những di dân từ Phường Ðúc ở Huế vào”[4]. Họ đạo Cầu Kho được thành lập trên cơ sở quy tụ tín hữu quanh vùng mà người thực hiện là linh mục Joseph Garcia, cha sở họ đạo Chợ Quán. Ban đầu họ đạo có tên là Bến Nghé (1722) với khoảng 200 tín hữu thuộc họ Chợ Quán.
Ngoài lưu dân đến Nam Bộ khẩn hoang, trong đó có một bộ phận người Công giáo, tiếp theo là giáo dân tránh bắt đạo của nhà Nguyễn từ miền Trung chạy vào, còn một nguyên nhân nữa đó là sự kiện người Pháp đánh chiếm Nam Kỳ và sau đó triều đình Huế cắt 3 tỉnh miền Ðông cho Pháp đã là một trong những nguyên nhân quan trọng cho việc ra đời hàng loạt họ đạo ở Sài Gòn - Gia Ðịnh và một số tỉnh ở Nam Bộ.
Giai đoạn thứ hai: Từ năm 1862 đến năm 1954
Năm 1862, triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước Nhâm Tuất với thực dân Pháp, trong Hòa ước có việc nhà Nguyễn bãi bỏ lệnh cấm đạo. Từ đây, Công giáo có điều kiện mới để phát triển, trong đó có việc phát triển xứ, họ đạo.
Nếu như ở giai đoạn thứ nhất việc hình thành xứ, họ đạo Nam Bộ chủ yếu là tập hợp các lưu dân thì ở giai đoạn thứ hai việc hình thành phức tạp và đa dạng hơn nhiều. Có loại hình xứ, họ đạo vẫn hình thành trên cơ sở những tín hữu chạy trốn việc bắt đạo, tiêu biểu như xứ Tân Ðịnh. Song, loại hình xứ, họ đạo hình thành trên cơ sở phát triển tân tín hữu tại chỗ giữ vai trò chủ đạo. Con đường tập hợp tín hữu để lập họ đạo rất đa dạng: Trước hết là một bộ phận cư dân theo đạo để cầu an. Việc giáo dân theo đạo để cầu an không chỉ ở thời điểm thực dân Pháp đánh chiếm thành Sài Gòn (tháng 2.1859) mà còn thấy ở nhiều thời điểm, không chỉ ở vùng xung quanh Sài Gòn mà còn thấy ở cả nước. Lại có một bộ phận cư dân theo đạo Công giáo để nhận được sự bảo đảm về đời sống vì họ là những người nghèo đói không có đất đai vườn tược. Một số họ đạo được thành lập nhờ mộ dân khai hoang của các thừa sai... Cũng có những họ đạo được hình thành, nòng cốt là các công chức và binh lính (kể cả người Pháp) thấy cần thiết phải có cơ sở để thực hành thánh lễ.
Việc phát triển xứ, họ đạo ở Nam Bộ phần nhiều diễn ra theo dạng thức trên cơ sở của một xứ, họ đạo đã được thành lập, các linh mục phát triển tín hữu ra quanh vùng lập địa điểm truyền giáo (giáo điểm) mới. Theo thời gian, nhiều giáo điểm phát triển thành họ đạo nhánh (còn gọi là phần sở). Các họ đạo nhánh sau đó nếu có điều kiện phát triển thành xứ đạo (có xứ đạo chính và xứ đạo phụ). Một xứ đạo lớn thường có nhiều họ nhánh. Chẳng hạn xứ đạo Rạch Giá (Kiên Giang) có tất cả 16 họ nhánh như Tràm Chẹt, Gò Quao, Mông Thọ, Tân Hội, Rọc Lá, Rạch sỏi, Kiên Thành, Sóc Ven, Giồng Riềng, Thổ Sơn, Hòn Tre, Thiên San, Tân Lập...
Một số họ đạo ban đầu được thành lập, hạt nhân chỉ là một tín hữu gia nhập đạo ở một nơi khác, sau đó về quê vận động thuyết phục người thân trong gia đình gia nhập đạo, tiếp theo là bà con thân thuộc, dần dần thành lập nên họ đạo (Họ đạo Trà Ôn, thị trấn Trà Ôn - Vĩnh Long với vai trò của ông Tổng Bền).
Cùng với việc phát triển tín hữu, để một xứ, họ đạo được thiết lập, Công giáo chú trọng đến việc xây dựng cơ sở thờ tự ở những giáo điểm (nơi mở đầu của họ đạo), một ngôi nhà được dựng lên gọi là nhà dạy đạo tương tự như nhà giáo ở Bắc Bộ. Nhà dạy đạo vừa là nơi để tín hữu sinh hoạt tôn giáo vừa là nơi để dạy kinh bổn cho tân tòng hoặc những người đến tìm hiểu đạo. Sau này nhà dạy đạo được nâng cấp thành nhà nguyện của họ đạo và có thể là nhà thờ của xứ đạo.
Giai đoạn từ năm 1862 đến 1954, hàng loạt nhà thờ kiên cố được xây dựng. Có thể kể một số nhà thờ như Tân Ðịnh (1876), nhà thờ Chợ Quán (1896), nhà thờ Ðức Bà, Sài Gòn (1880), nhà thờ Rạch Giá (1918)...
Tên gọi, cơ cấu nhân sựtrong giáo xứ, giáo họ của Công giáo ở Nam Bộ từ buổi đầu đến năm 1954
Thay vì tên gọi Ban Hàng phủ, Ban Hành giáo, Ban Chức việc như ở Bắc Bộ, mỗi xứ, họ đạo ở Nam Bộ có Ban Quới (quý) chức. “Cha sở thường bàn với một số người đạo đức, có uy tín để chọn người vào hàng quới chức. Những người được chọn sẽ được cha sở đề bạt lên giám mục giáo phận để chính thức cấp bằng. Bao lâu mỗi quới chức còn có sức khỏe và uy tín để làm việc, thì vị đó có thể làm việc nhiều năm liền mà không ấn định nhiệm kỳ rõ rệt”[5]. Nhiệm vụ của Ban Quới chức ở Nam Bộ cũng giống như nhiệm vụ của Ban Hành giáo xứ, họ đạo ở Bắc Bộ. Tùy theo từng thời kỳ, từng đặc điểm của địa phận, của xứ, họ đạo họ có thể tham gia vào các công việc như thăm viếng kẻ liệt, rửa tội cho trẻ nhỏ, cho người sắp qua đời hoặc tân tín hữu chịu phép Mình Thánh, dạy giáo lý, xướng kinh trong nhà thờ, giữ trật tự trong các buổi lễ... và một số công việc của xứ, họ đạo.
Các chức vụ trong Ban Quới chức gồm:
Trùm nhất: Ðứng đầu họ chánh, nơi có cha sở.
Trùm nhì: Ðứng đầu họ nhánh (họ lẻ hay phần sở); ở họ chánh cũng có thể có trùm nhì giúp việc cho trùm nhất.
Câu: Ðứng sau trùm nhất, trùm nhì, đóng vai trò phụ tá cho trùm nhất, trùm nhì. Cũng có khi gọi là câu kê hoặc câu đương. Nếu là câu đương, nhiệm vụ chủ yếu là giữ trật tự trong nhà thờ. Nếu là câu đồng nhi, nhiệm vụ là dạy giáo lý cho trẻ em.
Biện: là người có trách nhiệm và địa vị sau chức câu, chuyên lo về việc hành chính. Nếu là biện việc, nhiệm vụ là giữ sổ sách giấy tờ trong họ đạo. Nếu là biện nhi đồng thì nhiệm vụ là phụ trách các em giúp lễ.
Giáp: người có chức thấp nhất trong quới chức, là người tập sự giúp việc chung của họ đạo.
Theo linh mục Ðỗ Quang Chính: “Ngoài thành phần Ban Chức việc trong họ, còn có ông trương chánh và ông trương phó đứng đầu các ông trùm ở địa phận Tây Ðàng Trong. Hai vị này không có quyền hành thực sự trên các Ban Chức việc họ, nhưng mỗi lần các Ban Chức việc họ trong địa phận muốn chúc mừng Ðức Giám mục hay Bề trên địa phận chẳng hạn, thì hai vị này đứng ra lo công việc ấy. Thường thường hai vị này cũng kiêm luôn chức trùm nhất và trùm nhì họ nhà thờ nào lớn nhất” [6].
(còn nữa)
PGS.TS Nguyễn Hồng Dương
1 Linh mục Ðỗ Quang Chính S.J: Sinh hoạt họ nhà thờ Việt Nam thời xưa, Bản tin Hiệp thông, số 5/1999, tr. 267-268.
2 Nguyễn Hồng Dương, Làng Công giáo Lưu Phương (Ninh Bình) từ năm 1829 đến năm 1945, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1997, tr. 197-198.
3 Lịch sử họ đạo Chợ Quán 1723 - 1996 (lưu hành nội bộ), tr. 1.
4 Lịch sử họ đạo Chợ Quán 1723 - 1996, Sđd, tr. 2.
5 Lịch sử họ đạo Chợ Quán 1723 - 1996, Sđd, tr. 20.
6 Linh mục Ðỗ Quang Chính S.J: Sinh hoạt họ nhà thờ Việt Nam thời xưa, Sđd, tr. 279.
Bình luận