Những năm gần đây, xu hướng cho con tận hưởng mùa hè phát triển mạnh. Mùa hè là học kỳ 3 đang dần trở thành những khóa học phát triển năng khiếu và kỹ năng. Chuyện tận dụng những tháng hè “nhồi” con cái các môn toán, ngoại ngữ thứ 2 ngoài tiếng Anh không còn nữa. Mùa hè với các em, nhất là học sinh tiểu học đã trở nên bổ ích và đáng nhớ trong thiên đường tuổi thơ hơn hai thập kỷ trước đây…
Đầu tháng 4, những giáo viên tại các lớp dạy kèm, dạy thêm tiếng Anh tại TPHCM đã nhận được những câu thỏ thẻ của học sinh: “Hè này con nghỉ học một tháng về quê”, “Hè, mẹ con nói học thêm ít thôi để thì giờ học vẽ…”… Cô Minh Nguyệt, 60 tuổi, là giáo viên ở quận 1, dạy kèm tiếng Anh nhiều năm cho biết, trước đây khi hè đến, phụ huynh thường đề nghị cô tăng thêm các buổi học. Thay vì tuần hai buổi, mỗi buổi 1 tiếng rưỡi thì vào hè sẽ tăng lên học mỗi ngày và 2 tiếng/buổi. Cô Nguyệt rất thích vì như thế cô có thêm thu nhập, chỉ sợ không có thì giờ tăng hết cho các lớp dạy kèm mà thôi. Thế nhưng mấy năm gần đây, phụ huynh thường cho con nghỉ ít nhất hai tuần để về quê hoặc du lịch. Sau đó trở lại lớp học thêm nhưng không tăng buổi học, thời gian còn lại phụ huynh đăng ký cho con học các lớp năng khiếu hoặc hình thành các kỹ năng như chăm sóc thú nuôi, phụ bếp…
Chị Trần Thị Gái, 34 tuổi (Q.5) có hai con học tiểu học, chia sẻ rằng vào hè, trước khi cho các con học sơ chương trình mới, chị cho chúng tham gia lớp học làm bánh ở các nhà trẻ tư nhân để con quen với công việc bếp núc và nâng cao kỹ năng sắp xếp việc, làm sao cho hợp lý từ chuyện tìm bột mì, đường sữa, trứng gà… đến đánh bột, cho bột vào khuôn và nướng… “Hai năm qua, từ khi các con vào lớp 1, sau khóa học, về nhà trông chúng chững chạc ra: biết phụ mẹ lặt rau, dọn cơm, dọn chén và cả rửa chén dù chưa sạch lắm…”, chị Gái nói. Theo bà mẹ hai con này, khi đã làm quen với việc nhà, các bé sẽ dễ dàng phụ ba mẹ lau dọn nhà cửa, ít nhất là không bày bừa bãi như trước đây. Chị nghiệm lại và thấy “Thật không sai chút nào khi người ta nói giáo dục là tập người trẻ những thói quen tốt”.
Các hoạt động trong hè của trẻ như học làm bánh, hội họa hay vui chơi giải trí cần được khuyến khích |
Có những bậc cha mẹ lại thích con tìm đến thiên nhiên, hít thở không khí trong lành bằng việc tổ chức những buổi dã ngoại ở quê như anh chị Ngô Trinh (Q.1). Hè về, anh chị đưa con đi du lịch sinh thái, cho con ngắm các thác nước, bày những bữa ăn ngoài trời, tập con thu dọn rác sau bữa ăn. Và tiếp theo là chuyến đi dạo quanh “khu rừng nhỏ” để các con trải nghiệm đầy phấn khích cuộc sống giữa thiên nhiên thú vị. Sau chuyến đi, chị Trinh thấy các con mạnh dạn hơn với cuộc sống thường nhật. Không còn cảm giác sợ hãi những côn trùng như con cánh cam, con ong, con sâu…
Nhiều phụ huynh do kinh tế eo hẹp hoặc quê nhà quá xa không tiện về, họ ra công viên gần nhất thuê xe đạp hoặc xe hơi trẻ con để con có cơ hội tiếp xúc cùng bạn bè đồng tuổi. Anh Phan Văn Năm, 40 tuổi (Q.3) kể: “Gia đình chúng tôi, hai bên nội ngoại đều là dân Sài Gòn nên hè không có quê để về. Và cũng không có tiền, không có thời gian đưa các cháu du lịch xa. Vì vậy, sáng cho các con sang ngoại hoặc nội chơi, chiều cho chúng đi công viên gần nhà, thuê xe đạp hoặc xe hơi trẻ con cho chúng trải nghiệm những niềm vui đơn sơ giữa cộng đồng. Cuối tuần, vợ chồng chúng tôi đưa các con đi bơi, dạy con những kỹ năng cần thiết để khi gặp sự cố không có người lớn bên cạnh, các cháu vẫn có thể tự xoay sở được”. Ngoài các môn thể thao chung, một số phụ huynh chú ý cho con trai hoặc con gái học những môn thể thao phù hợp với giới tính của con, như chị Thanh Trúc (Q.3) đưa con gái đến lớp học múa và con trai đến lớp võ thuật trong mùa hè. Theo chị, “Con gái cần sự yểu điệu và dịu dàng, thế nên tôi cho cháu học múa để phát triển nữ tính của bé. Còn anh trai của cháu thì học võ để thể hiện nam tính và cũng thêm sự tự tin”. Được biết, lớp múa và lớp võ này không chỉ mở tháng hè, các học viên nhí có thể tham gia cả năm tại Nhà Văn hóa thiếu nhi.
Có một bộ phận các em nhỏ vào mùa hè đã tự xin đến các “nông trại mini” để trải nghiệm việc chăm sóc chim hoặc tham gia quá trình đẻ, ấp trứng và ra gà con. Anh Lê Mạnh Hùng, 40 tuổi (Q. Bình Tân) cho biết, quanh khu vực anh sống có những trại gà nhỏ. Và có hẳn một quy trình khép kín nhằm giúp các em học sinh đến học tập, theo dõi từ lúc gà còn bé, đến lúc đẻ và ấp trứng…, nhằm giúp các bé yêu thiên nhiên, loài vật hơn: “Hồi nhỏ thành phố còn có vùng ngoại ô để mỗi cuối tuần chúng tôi đạp xe đi hái ổi sẻ, bình bát hoặc tìm các ổ chim để nhìn ngắm chúng. Lúc còn nhỏ nữa lại đi phá tổ chim. Sau này lớn chút chỉ ngắm và đếm các tổ chim trên cây. Giờ mọi nơi đều đô thị hóa, tôi tìm hiểu và biết có những trại gà tổ chức những quy trình khép kín giúp học trò tìm hiểu thiên nhiên ngoài bài học trong sách, thế nên cho hai con mình tham gia. Chúng vui lắm…”. Còn anh Thành Danh, 35 tuổi (Q. Tân Phú) lại thích đưa con đến những vườn chim trong vùng để con biết phân biệt cơ bản các loài chim, chăm sóc chim như cho chim ăn, tắm chim và nghe tiếng chim hót mỗi sáng mùa hè. Không chỉ vậy, anh còn cho con tham gia các lớp năng khiếu như vẽ thực, tức nhìn vào đồ vật và vẽ. Điều này khiến anh Danh vỡ oà khi biết con trai mình có nét vẽ rất tốt mà thường ngày anh không quan tâm lắm. “Thấy con vẽ ngoằn ngoèo chẳng ra làm sao, tôi đưa con đến lớp vẽ năng khiếu và phát hiện con có mắt quan sát và vẽ rất đẹp. Dĩ nhiên tôi chẳng mong nó trở thành Picasso, chỉ là vẽ tranh để phát triển năng khiếu và tôn vinh cái đẹp mà thôi”.
Bên cạnh lớp vẽ, còn có lớp tô tượng. Tượng bây giờ chỉ nhỏ đủ bàn tay đứa bé cầm và tô theo sự hiểu biết, trí tưởng tượng và óc sáng tạo của trẻ, như chị Ngọc Hân 38 tuổi (Q.Bình Thạnh) thường đưa con đến hàng tô tượng để con tha hồ phát triển khả năng quan sát và cho ra những “sản phẩm”, có thể buổn cười nhưng qua đó chị có thể hiểu thêm tính cách của con mình… Có phụ huynh còn cho con vào những lớp “bó hoa, gói quà”. Vào lớp này, các bé biết cách chọn giấy gói, cắt giấy sao cho phù hợp với gói quà. Và cách tỉa hoa, cắt nhánh lá… làm sao để có một bó hoa đẹp…để ngày sinh nhật, ngày của Mẹ, ngày của Cha, ngày 20.11… có thể tự tin gói quà, mua hoa về tự tay làm tặng người thân yêu…
Mùa hè hôm nay, những ngày phải vùi đầu vào Toán, học thêm tiếng Pháp, tiếng Hoa…bên cạnh tiếng Anh… mệt mỏi đã qua lâu lắm và “xưa rồi Diễm”.
Mùa hè của các bé hôm nay xem ra ý nghĩa và thú vị. Những ngày tháng phải vùi đầu học thêm như một “học kỳ ba” đã qua. Các bậc phụ huynh bây giờ không còn quá chăm chăm chuyện học của con trong mùa hè, họ hướng tới kiểu “vừa học vừa chơi” để các con có một tuổi thơ đáng yêu và đầy thú vị, đúng với lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”…
NGUYỄN NGỌC HÀ
Bình luận