Với người Công giáo Việt Nam, ai cũng thuộc về một làng đạo, một giáo xứ. Giáo xứ nào cũng có nhà thờ. Nhà thờ nào cũng có gác chuông, trên đó có treo một hoặc một vài quả chuông.
![]() |
Chuông nơi giáo đường, có loại chuông muốn cho phát ra âm thanh phải nện vồ (hay chày), được gọi là chuông Nam (chuông của người Việt Nam). Một loại chuông được gọi là chuông Tây, muốn cho phát ra âm thanh phải kéo (hay giật) để chuông nghiêng về hai phía, theo đó quả lắc bên trong đập vào thành chuông.
Chuông Nam có hai loại, một loại do giáo dân mua ở các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống, hoặc thừa kế khi hầu hết dân làng gia nhập Công giáo; loại còn lại do giáo xứ đúc, chẳng hạn như quả chuông treo ở Phương đình, Tòa Giám mục giáo phận Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình,) hay ở giáo xứ Dương Sơn, xã Hương Toàn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Chuông Tây trước đây thường được đúc chủ yếu từ nước Pháp (Tây) chuyển qua.
Do chuông là vật Thánh nên dù là chuông Nam hay chuông Tây, trước khi treo lên tháp (gác) chuông đều được làm phép. Quả chuông Nam treo trên gác chuông nhà thờ giáo xứ Dương Sơn cho biết điều đó. Thân chuông chia làm 4 ô, mỗi ô có khắc chìm các dòng chữ La tinh. Vì thời gian một số chữ bị mờ không đọc được. Dưới đây là phần dịch những chữ đọc được theo các ô, tạm ghi theo thứ tự I, II, III, IV.
![]() |
Ô I: Từ thành phố Roonani Klrinas, Bá vè bà vú của tôi làm phép rửa cho tôi.
Ô II: ….
Ngày 6 tháng 12 năm 1868
…
Ô III: chữ mờ không đọc được.
Ô IV: Coelestina Adam, Giám mục thành Gadarensts là người đỡ đầu của tôi.
Chuông ở nhà thờ giáo xứ An Vân (Giáo phận Huế), đúc năm 1876 cũng khắc chữ theo 4 ô, nhưng là chữ Hán Nôm với nội dung:
Ô I: Chúng tôi xin dâng cái chuông này cho Đức Mẹ.
Căn cứ vào “lời minh” khắc bằng chữ La tinh trên quả chuông Nam treo trên tầng 3 tòa Phương đình khu nhà thờ Lớn giáo phận Phát Diệm, tiết lộ chuông giáo đường có 5 chức năng sau:
Tôi ca tụng Chúa thật
Tôi kêu gọi dân chúng
Tôi tập hợp giáo sĩ
Tôi khóc người qua đời
Tôi tô điểm ngày lễ.
![]() |
Ngoài 5 chức năng lớn kể trên, qua văn bia nhà thờ Hoàng Nguyên, xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên, Hà Nội được tạo tác ngày 23 tháng 11 năm 1923 với đầu đề: Những điều phải giữ về sự kéo chuông trong nhà thờ Hoàng Nguyên, mục ghi sổ tiễn của người đến xin kéo chuông to hay chuông nhỏ hay kéo cả hai chuông, và số hồi chuông… thể hiện tiếng chuông luôn hiệp thông với vòng đời của mỗi người. Đó là các nội dung: Chịu phép xức dầu thánh; Rình sinh thì; Xin kéo chuông sầu từ lúc Thầy cả đi rước xác, cho đến khi đưa xác ra huyệt, đoạn về nhà thờ; Kéo hai chuông từ lúc xác đến đàng cuối nhà thờ xứ khi làm phép xác, đoạn kéo chuông cho đến khi xác ra khỏi đàng cổng nhà thờ; Kéo hai chuông trước khi làm phép xác; Lễ cưới hay lễ mồ, kéo hai chuông lúc sáng và trước khi làm lễ; Lễ quy lăng hay lễ mồ kéo chuông sầu suốt lễ và tối hôm trước; Lễ rửa tội trước bàn thờ trước và sau khi rửa tội.
Đặc biệt văn bia có điều quy định: Cấm nhặt người lớn, trẻ con không có việc gì mà kéo chuông dù là một tiếng. Kèm theo đó là hình phạt tiền (Bia nhà thờ Hoàng Nguyên, bản dịch của Thạc sĩ Nguyễn Thế Nam).
Ấn tượng nhất có lẽ là chuông báo giáo xứ có người qua đời, được gọi là chuông tử, chuông sầu. Tiếng chuông chậm rãi 3 tiếng một nhịp. Người tín hữu nghe tiếng chuông dù đang làm việc gì cũng đều dừng, cùng hướng về thánh đường đọc một đoạn kinh cùng với tiếng chuông, hiệp thông với thân nhân của người được Chúa gọi về.
“... Có dịp làm ăn xa, trở về chạm đến đầu làng đạo hay xứ đạo, bỗng được nghe tiếng chuông giáo đường của làng, của xứ, biết bao hoài niệm với người giáo dân lại ùa về...” |
Nếu giáo đường nào có từ hai quả chuông trở lên, có thể là một quả lớn, một quả nhỏ. Cũng có khi mỗi quả chuông được đúc theo một nốt nhạc. Nếu hai chuông, một chuông là nốt Mi, một chuông là nốt Son. Nếu ba chuông có thể là thêm nốt La. Khi có 4 chuông, thường là Mi thăng, Mi giáng, La (hay Son) thăng và giáng. Khi các chuông được kéo lên cũng có nghĩa là tấu những thanh âm theo nốt nhạc âm vang, náo nhiệt một khoảng trời với 5 chức năng cơ bản và sự hiệp thông với nghi lễ vòng đời.
Có dịp làm ăn xa, trở về chạm đến đầu làng đạo hay xứ đạo, bỗng được nghe tiếng chuông giáo đường của làng, của xứ, biết bao hoài niệm với người giáo dân lại ùa về. Không ít người bồi hồi từng bước chân đi mong sớm được trở lại giáo đường.
Rời làng đạo, giáo xứ ra chốn thị thành hay khu chế xuất lập nghiệp, nhiều người sáng sớm, giữa trưa hay chiều tối…, lại thèm nghe đến nao lòng một thanh âm, một tiếng chuông, một hồi chuông với nhịp kéo mang dấu ấn của làng đạo, giáo xứ vốn gắn bó, thân quen, hiệp thông... Bởi với họ những thanh âm chuông giáo đường không phải được kéo mà được tấu lên đồng vang lời Chúa, lời Đức Mẹ trở thành một phần cuộc sống tâm linh.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.