Khi một ai đó mất đi người thân yêu, dễ thấy họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp… thường đến viếng thăm, chia buồn hoặc gọi điện ủi an. Ðó là sự hiệp thông quý giá, giúp người đang phải chịu tang sự - vơi bớt nỗi đau buồn.
Với các Kitô hữu, sự hiệp thông chia sẻ nỗi đau mất mát cùng người thân quen có nét đặc trưng riêng, có thể nhận ra qua lời chia buồn luôn trong tâm tình cầu nguyện: “Xin hiệp ý cầu nguyện cho linh hồn…”, “Xin Chúa thương đón nhận linh hồn… về với Chúa!”. Có những người hiệp thông với tang quyến bằng việc xin lễ cho người quá cố hoặc trực tiếp đến tham dự thánh lễ đưa chân, lễ an táng; cùng với cộng đoàn đọc kinh cầu nguyện hay có những buổi đọc kinh riêng với ý chỉ cầu cho linh hồn người mới khuất…
![]() |
Ông Phạm Phương Thế (Q. Tân Bình, TPHCM) thường khuyên con cháu nên đến viếng thăm gia đình của bà con, họ hàng… có người nhà qua đời để chia buồn với họ và cũng để gắn kết thêm tình thân tộc. Đây cũng là dịp anh chị em trong đại gia đình có thể gặp nhau. Và biến cố đau buồn, mất đi người thân đôi khi lại có mặt đông các thành viên hơn là những dịp vui vẻ như họp mặt lễ tết, sinh nhật, đám hỏi, đám cưới… Bản thân ông Thế cũng luôn có mặt kịp thời để chia sẻ nỗi buồn đau mất mát với anh chị em, các cháu trong thân tộc khi gia đình họ có người về với Chúa. Có những đám tang, ông phải thu xếp thời gian, lặn lội đi rất xa, từ Sài Gòn về một tỉnh miền Tây hay miền Đông Nam bộ, nhưng với ông, “nghĩa tử là nghĩa tận” và ông cũng cảm thấy mình cần hiện diện để tình nghĩa giữa hai gia đình trong họ hàng vẫn có sự kết nối mật thiết dù không gần về khoảng cách địa lý.
Chị Lê An Gia, sống ở một huyện ngoại thành - tâm tình: “Có những mối quan hệ trong công việc thôi nhưng người quá cố từng sống nghĩa tình, có trước có sau… nên mình không thể vắng mặt trong lễ tang của họ. Năm ngoái và năm nay, tôi có hai người thân quen như thế ra đi, mình không chỉ đến nhà thắp nhang, đọc kinh mà còn có mặt trong thánh lễ an táng để tiễn đưa họ về nơi an nghỉ cuối cùng”. Theo chị An Gia, cả hai đám tang này đều gợi trong lòng mình nhiều xúc cảm vì cứ nhớ đến những hình ảnh, kỷ niệm đẹp về người đã khuất. Chị cũng cảm nhận sự xúc động của đại diện tang quyến trước những chia sẻ, ủi an từ người đến viếng.
Thường không vắng mặt trong những buổi đọc kinh cho người thân quen đã qua đời là thói quen của chị Nguyễn Thị Hồng (Tây Ninh). Chị kể, vẫn đọc kinh cầu nguyện cho các linh hồn mỗi ngày, còn với người thân quen mới mất thì ngoài những buổi đọc kinh chung với cộng đoàn, chị cũng nhớ đến linh hồn người quá cố trong lời kinh cầu nguyện riêng tại nhà. Với chị, đó cũng là cách mình sống tâm tình hiệp thông của một Kitô hữu.
Ở các xứ đạo, những gia đình có thân nhân mất, chắc cũng không mong gì hơn là được bà con lối xóm, họ hàng cùng cầu nguyện cho linh hồn người đã khuất. Trong các lễ giỗ của người Công giáo, trên tấm thiệp mời, thường có câu quen thuộc “Sự hiện diện và lời cầu nguyện của quý vị thay cho lễ vật”. Như vậy, có thể thấy sự hiện diện và lời cầu nguyện chính là sự hiệp thông đáng quý mà nhiều gia đình cần hơn mọi lễ vật.
Cách đây không lâu, chúng tôi từng đọc được bài chia sẻ của một linh mục thuộc giáo phận Bùi Chu. Ngài cho rằng đám tang là một trong những cơ hội tuyệt vời để các tín hữu diễn tả tình hiệp thông. Và cha kể trong tâm tình xúc động khi được hiệp dâng thánh lễ cầu hồn và an táng cho hai bà cố của hai linh mục với đông đảo thành phần hiện diện: “Mỗi thánh lễ có tới bốn năm chục cha đồng tế, cả trăm nữ tu hiện diện, cả dăm bảy trăm giáo dân sốt sắng tham dự. Điều này cho thấy tình liên đới, sự hiệp thông Hội Thánh thật sâu xa…”. Cũng như nhiều người, vị linh mục nhận thấy rõ rằng khi một anh chị em tín hữu ra đi, nhiều thành phần dân Chúa đã đến phúng viếng, đọc kinh, cầu nguyện, dâng thánh lễ với niềm tin để người ra đi sớm được hưởng tôn nhan Chúa, và những người thân trong tang quyến phần nào vơi đi nỗi đau mất mát… Ngài ước mong tinh thần hiệp thông này được diễn tả sâu xa và sống động hơn nữa nơi các tín hữu, nơi cộng đoàn Hội Thánh ngay tại mỗi địa phương.
Vâng, hiệp thông với anh chị em đang lâm cảnh tang tóc, đau buồn, mất mát… vốn là truyền thống của dân tộc Việt Nam, của Kitô giáo. Tinh thần này có lẽ càng được thúc đẩy hơn trong bối cảnh khi Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ra Thư Chung mời gọi cộng đoàn dân Chúa cùng hướng tới chủ đề “Củng cố sự hiệp thông” trong năm mới 2023 sắp tới, qua nhiều phương thức thực hành.
LIÊN GIANG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.