Nhiều phụ huynh VN rất hoang mang khi chọn lựa truyện tranh Nhật Bản (manga) cho con cái, nguyên nhân chính là do quan điểm sai lầm khi cho rằng manga chỉ dành cho thiếu nhi.
Có một dạo báo chí VN ùn ùn đăng bài chỉ trích bộ truyện tranh Shin - Cậu bé bút chì (Crayon Shin-chan) vì có quá nhiều cảnh nhạy cảm đối với trẻ con, đó là chưa kể cảnh “nóng” giữa các nhân vật người lớn. Trước phản ứng dữ dội của bạn đọc là các phụ huynh, bộ truyện tranh nổi tiếng của tác giả Yoshito Usui, được dịch và xuất bản tại nhiều nước trên thế giới đã bị đình bản tại thị trường VN vào năm 2006 chỉ sau 6 tập phát hành. Sau đó vài năm, bộ truyện lại được tái bản cùng với phim hoạt hình cùng tên, nhưng lại tiếp tục dính kiểm duyệt và bị cắt bỏ những cảnh người lớn, khiến nhiều phụ huynh tiếp tục cảnh giác khi mua truyện cho con cái.
Sở dĩ có tình trạng này vì vào lần in đầu tiên, nhà xuất bản “quên” in độ tuổi giới hạn trên bìa truyện, gây nhầm lẫn đối tượng độc giả. Trên thực tế, bất chấp nét vẽ dễ thương và nhân vật chính Shin chỉ là một cậu bé 5 tuổi, tại Nhật, bộ truyện không những được xếp vào dạng tuổi teen mà sau đó còn thăng cấp lên mục dành cho người trưởng thành (18+) bởi những cảnh trần trụi, chọc cười liên quan đến giới tính và dùng từ ngữ... tục tĩu. Do vậy, đó không phải là lỗi của tác giả mà chính nhà xuất bản VN không xem kỹ nội dung truyện dành cho độ tuổi nào mà đã vội phổ biến ra thị trường, gây nhầm lẫn không đáng có. Mặt khác, phụ huynh ở VN cũng tự “mặc định” rằng truyện tranh là dành cho trẻ con nên khi lướt qua Shin, một truyện dành cho người lớn, chắc chắn sẽ bị... sốc.
Chọn đọc manga theo độ tuổi
Ở Nhật Bản, cái nôi của manga, truyện tranh không chỉ dành cho trẻ con mà phục vụ đủ mọi lứa tuổi. Người Nhật quan niệm rằng truyện đi kèm hình ảnh không phải là đặc quyền riêng cho thiếu nhi, mà người lớn cũng có nhu cầu xem những dạng truyện này. Điều đó có nghĩa là không có giới hạn về nội dung cũng như thể loại khi đề cập đến manga, từ chuyện ngôn tình, hành động, viễn thám, khoa học viễn tưởng... Thế là trào lưu manga được khởi xướng và truyền đi khắp thế giới. Không ngạc nhiên khi các nhà xuất bản nước ngoài rất cẩn thận khi dán nhãn cho từng bộ truyện khi chuyển ngữ và phân phối trên thị trường. Sau đây là cách xếp hạng độ tuổi độc giả trong trường hợp cần tham khảo khi bắt đầu xem một bộ manga:
Đầu tiên là E (Everyone - tức tất cả mọi người) hoặc A (All ages - dành cho mọi lứa tuổi). Cũng giống như xếp hạng “G” ở phim ảnh, nhãn E hoặc A có nghĩa là bộ truyện phù hợp cho lứa tuổi từ 6 trở lên. Nhóm truyện này có thể kể đến Chis Sweet home (Tựa tiếng Việt: Mái ấm của Chi), Happy Happy Clover, Fairy Idol Kanon, Yotsuba&!, Dinosaur Hour, Leave IT to Pet, Pokemon Adventures...
Kế đến là Y (Youth, trẻ đã lớn), hoặc Age 10+ (từ 10 tuổi trở lên). Tương tự như xếp hạng “PG” của phim ảnh, “Y – Youth, Age 10+” có nghĩa là bộ truyện có thể xuất hiện những cảnh bạo lực nhẹ hoặc chửi bới, cần có sự hướng dẫn của phụ huynh khi đọc. Bạn có thể tham khảo các bộ truyện Card Captor Sakura, Oh My Goddess!, Yu-Gi-Oh!, Ninja Baseball Kyuma!, Fullmetal Alchemist...
Những bộ truyện kén người đọc nữa là T (Teens, chỉ độ tuổi teen) hoặc Age 13+ (13 tuổi trở lên). Ở mức độ này, nội dung truyện giống như “PG-13” hoặc “T – Teen”, có nghĩa là bao gồm một số lời nói ám chỉ/bóng gió về tình dục hoặc có cả các cảnh bạo lực. Đây là mức ấn định cho các bộ truyện One Piece, Azumanga Daioh, Tegami Bachi, Maximum Ride, Otomen và bộ Naruto nổi tiếng tại VN.
Cao cấp hơn nữa là OT (Older Teens – thanh thiếu niên gần tuổi trưởng thành) hoặc Age 16+. Nội dung tất nhiên sẽ được thăng cấp ở những tình huống quan hệ tính dục và cảnh bạo lực, bao gồm cả máu me và cảnh thương tích. Các truyện thuộc nhóm này gồm Death Note, Higurashi: When They Cry, Vampire Knight, Mushishi, Pluto...
Cuối cùng, mức xếp hạng độ tuổi cao nhất chính là M (Mature, trưởng thành) hoặc rõ ràng hơn là Age 18+. Mọi tình huống và nội dung hoàn toàn dành cho người lớn và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ngôn từ cũng bạo dạn hơn, hình ảnh giới tính “nặng đô” hơn và cảnh bạo lực thoải mái xuất hiện, như Black Lagoon, Tenjo Tenghe, Gantz, High School of the Dead, Tokyo Zombie, Seduce Me After the Show...
Lẽ tất nhiên cũng chẳng có rào cản về giới tính đối với manga, thậm chí còn có dòng truyện tranh dành riêng cho nữ giới gọi là shojo manga, với đối tượng độc giả vô cùng đa dạng, phù hợp cho những bé gái bắt đầu học chữ và trải qua thời niên thiếu cho đến khi trưởng thành làm vợ và làm mẹ. Hơn phân nửa số phụ nữ Nhật Bản dưới 40 tuổi có thói quen đọc manga thường xuyên, và con số này lập tức tăng lên 75% nếu chỉ tính người đọc ở độ tuổi teen. Những tựa truyện dành cho phái yếu có thể kể đến Sailor Moon (tựa Việt: Thủy thủ mặt trăng), Kitchen Princess, Fruits Basket, Skip Beat, Fushigi Yugi: The Mysterious Play, Nana, Emma...
Nói tóm lại, manga là một sự tồn tại độc nhất vô nhị trong thế giới truyện đọc. Có vô vàn tựa truyện dành cho từng độ tuổi, và cần phải thận trọng khi chọn đầu sách cho trẻ con.
BẠCH LINH
Phân loại tuổi cho manga tại VN Tại VN, nhiều nhà xuất bản uy tín từ nhiều năm nay cũng bắt đầu quan tâm đến việc phân độ tuổi cho các manga. Do vậy, phụ huynh nên lưu ý để lựa truyện phù hợp cho con. Chẳng hạn, Nhà xuất bản Trẻ phân loại khá chi tiết: T1: Thiếu nhi (sách phù hợp cho trẻ em dưới 12 tuổi); T2: Tuổi Teen (phù hợp cho thiếu niên từ 12 tuổi trở lên); T3: Tuổi trưởng thành (dành cho bạn đọc từ 18 tuổi trở lên); HOW: Truyện tranh truyền tải kiến thức. Các ký hiệu T1, T2, T3 hay HOW được in rõ trên bìa truyện, phần giải thích cụ thể thì nằm ở trang trong. L.C |
Bình luận