Thứ Bảy, 29 Tháng Tư, 2023 16:01

Hòa giải để tránh bạo lực nơi học đường

 

Có những chuyện xung đột xảy ra ở lứa tuổi học trò, nếu được người lớn quan tâm và hòa giải sớm, vấn đề có thể sẽ không bị đẩy đi xa hơn và tránh được những nguy cơ bạo lực…

Cô Nguyễn Thị M, giáo viên ở một trường ngoại thành Sài Gòn chia sẻ với chúng tôi: “Học ở đâu, trường nào cũng có đánh nhau. Là giáo viên chủ nhiệm khối 11, có năm chủ nhiệm 12, nếu được học sinh cho biết mình bị ai bắt nạt trong lớp, tôi sẽ gọi cả hai lên và giải quyết mâu thuẫn dưới sự trung gian của tôi. Hoặc nếu trầm trọng quá có thể mời ba mẹ cả hai hoặc báo ban giám hiệu nhà trường…”. Cũng theo cô, sự hòa giải mâu thuẫn chỉ dễ dàng nếu học sinh tin tưởng và chia sẻ với thầy cô giáo, có khi không cần giáo viên chủ nhiệm. Chỉ sợ các em không nói ai, kể cả cha mẹ. Đến khi người lớn biết đã là hậu quả đáng tiếc thôi…

Các bậc phụ huynh luôn bên con với sự cởi mở sẽ giúp trẻ dễ tâm sự những khúc mắc trong đời sống

Chị Lê Thị Mến, một phụ huynh học sinh ngụ ở quận 3 - TPHCM kể, từ lúc con học lớp mầm, chị đã có thói quen hỏi con chuyện trường lớp: hôm nay con học gì, cô giáo vui không, con có bị cô giáo la hay có bị bạn nào bắt nạt không… Và người ta nói đúng “đi hỏi già, về hỏi trẻ”, nhờ vậy chị biết một ngày con mình học gì, cô giáo nói gì và làm gì, con chơi với đám bạn ra sao... Chị cũng được biết tên những trẻ nghịch ngợm trong lớp, thường bị cô giáo mắng. Cứ như thế đến cấp 2, một lần con gái chị không ngần ngại thổ lộ bé bị một bạn cùng lớp ăn hiếp. Hỏi kỹ ra thì chị biết đó là bé Lan, con của chị Tư hẻm trên. Hóa ra không ai xa lạ gì. Chị đến nhà nói chuyện với bé Lan và cố ý nói lớn cho mẹ bé nghe: “Nè con ơi, sao con gây gổ gì với bé Thảo nhà dì vậy, con biết dì phải không? Dì là hàng xóm và quen biết mẹ con nè. Con thương bé Thảo, đừng gây gì với nó nữa nha con!”. Chị Tư nghe chuyện, thấy chị Mến nói năng nhỏ nhẹ, “xuống nước” nên đã la rầy con mình một trận, bảo con bé hứa không được gây gổ với bạn nữa. Người mẹ này cũng nhẹ nhàng phân tích việc ỷ mạnh hiếp yếu hoàn toàn không tốt cho một học sinh có giáo dục như con bé. Qua ngày hôm sau, chính chị vào lớp kể cho giáo viên chủ nhiêm lớp nghe việc học trò chia nhóm ăn hiếp nhau, con chị là một và con chị Mến là một nạn nhân. Đó là năm con chị học lớp 8. Chuyện dùng nắm đấm chấm dứt ngay trong trứng nước. Sang năm lớp 9, cả bé Thảo và bé Lan đều đậu vào lớp 10 công lập. Dù không là bạn thân thiết trong lớp, các bé vẫn chào nhau như những hàng xóm bình thường.

Cô Nguyễn Thị M và đa số các thầy cô giáo chúng tôi quen biết, đều nhận xét: chuyện mâu thuẫn, bất hòa dẫn đến đánh nhau hầu như trường nào cũng có. Quan trọng là trẻ có về nhà chia sẻ cùng ba mẹ hoặc thầy cô giáo để xin giúp đỡ hay không. Thường khi chuyện đánh nhau vỡ lở ra, ba mẹ cứ một mực bênh con: “Cháu ở nhà ngoan lắm”, hoặc không nghe con nói, hay gạt ngang: “Mày làm sao người ta mới đánh mày”…

Khi học trò đánh nhau, người ta luôn đổ lỗi cho nhà trường, cho giáo viên chủ nhiệm. Không ai nghĩ gia đình mà trong đó, sự xa cách của cha mẹ khiến con cái cô độc, mất phương hướng và sinh ra đánh nhau để tự “chứng tỏ bản thân”. Có khi trẻ bị ăn hiếp không biết chia sẻ cùng ai, đành trốn học rồi bị đuổi học. Trong hẻm nhà tôi một ngày phát hiện bé Tâm, học sinh lớp 8 rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa khờ. Khi hỏi ra mới biết em bị “đại bàng con” dọa nạt thời gian dài. Em không biết chia sẻ cùng ai khi ba mẹ chỉ lo cái ăn, còn thầy cô lo chạy theo thành tích lớp… để một ngày người ta thấy em ngơ ngác cầm cặp sách lang thang trên đường, mặt mày sợ sệt, khủng hoảng.

Thầy cô giáo gần gũi học sinh, sẽ hiểu và có thể sớm hóa giải khi các em có những xung đột

Có những bậc phụ huynh khi nghe con về nói bị ăn hiếp, lập tức vào trường quậy ầm lên, yêu cầu nhà trường “xử” ngay kẻ dám hiếp đáp con họ, gọi điện đến ba mẹ kẻ “chủ mưu, thủ phạm” mà chửi bới. Họ không hiểu làm như thế là phản tác dụng. Nếu đứa tạm gọi là “đại bàng con” bị đuổi học, bị ba mẹ và nhà trường đánh mắng, nhất định nó sẽ “báo thù”, sẽ rủ thêm “đồng bọn” vào cuộc. Như vậy sự mâu thuẫn và bạo lực sẽ lan nhanh, rộng ra và trầm trọng hơn. Vì vậy trước hết phải có sự phối hợp khôn ngoan và tâm lý từ các bậc phụ huynh học sinh.

Ông Phạm Minh Tuấn, 60 tuổi, một kỹ sư ngụ tại quận 1 - TPHCM cho biết, năm con trai ông học lớp 10 trường bán công, thằng bé bị Bình, một cậu bạn cùng lớp buộc phải đưa tiền mỗi ngày. Ông vào lớp không “manh động” mà mời người hiếp đáp con mình ra quán cà phê. Ông mời nước, mời kem và cả ăn bánh. Ông nhẹ nhàng nói Bình đừng bắt nạt con ông hay bất cứ ai cả. Ông biết chắc chắn gia đình Bình khá giả nên mới có tiền cho em học bán công. Ông biết gia đình Bình đàng hoàng vì em ăn mặc tươm tất, mặt mày sáng sủa. Ông biết Bình rất khỏe và có tí võ. Và ông cho Bình thấy điều cấm kỵ nhất của người có võ là không đánh người không có võ. Đó mới là kiểu “anh hùng hảo hán”. Ông nói cho Bình hiểu, đừng hiếp bạn cùng lớp, mà hãy dùng năng lượng cùng nhiệt huyết đó bênh vực người yếu thế. Làm như vậy, bảo đảm Bình sẽ cảm thấy cuộc đời mình thật ý nghĩa!... Nói rồi ông đưa Bình vào lớp, thầy quản nhiệm nghi ngờ hỏi ông chuyện gì xảy ra, ông nhẹ nhàng bảo: “Bình rất tốt với con trai tôi nên tôi đến cám ơn và mời cháu ly nước…”. Thầy tươi cười. Mặt Bình đỏ rần và từ đó Bình và một số bạn chơi khá thân trong đó có con ông Tuấn. Sau này cả nhóm đều vào được đại học và Bình vẫn lui tới nhà thăm ông Tuấn.

Những giáo viên hiểu chuyện khi nói về các xung đột của học trò, đều ao ước có được sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Khi cha mẹ lắng nghe con cái, phát hiện ra những gút mắc, mâu thuẫn của con cùng bạn bè hoặc sinh hoạt của con sau giờ học thì thật đỡ cho cả học đường và xã hội…

Khi phát hiện điều bất thường, phụ huynh nên bình tĩnh và tâm lý chứ không thể vào “hỏi cho ra lẽ” rồi đấm vào mặt kẻ đánh con mình. Như thế sẽ làm tình hình tồi tệ hơn nếu gặp phải một đối tượng bất cần lẫn bất trị từ trong gia đình. Họ sẽ thách thức cả phụ huynh lẫn giáo viên. Nếu bị đuổi học chắc chắn “đại bàng con” đó sẽ thành “đại bàng thiệt”, cũng sẽ là sự bất hạnh cho học sinh và cả giáo viên của trường.

Học sinh là những em có trái tim của người chưa trưởng thành, chưa va chạm nhiều trong đời. Dù bướng bỉnh, nhưng nếu được phân tích, giảng giải một cách nhẹ nhàng, cho biết thiệt hơn… thì các em cũng sẽ “mềm” lại. Không thể quy kết họ sai hoặc cần “trả giá” cho những hành vi trẻ con. Người ta thường nói “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Con người sinh ra là thiện. Cái hay của thầy cô giáo, nhất là phụ huynh là biết khơi dậy chữ thiện trong tâm đối tượng mình trao đổi. Lạt mềm thường buộc chặt. Những lời nhỏ nhẹ, có lý trí với phân tích đúng sai, thiệt hơn… sẽ giúp rất nhiều cho những người thích hiếp đáp người khác thành những người bảo vệ người yếu thế như Bình trong câu chuyện trên.

 

NGUYỄN NGỌC HÀ

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm