Họa sĩ Mai Văn Hiến sinh năm 1923 tại xã Ðiều Hòa, Mỹ Tho (có tài liệu ghi ông sinh tại Phước Ninh, Ðà Nẵng, sau gia đình vào Mỹ Tho) trong một gia đình gia giáo, năng khiếu vẽ phát huy từ nhỏ trong những năm sơ học, tiểu học và trung học.
Năm 1942, ông trúng tuyển khóa 17 (1943 - 1945) trường Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương - Hà Nội. Khóa này chưa kết thúc thì trường phải sơ tán vì chiến tranh.
![]() |
Họa sĩ Mai Văn Hiến |
Tháng 10.1945, cùng với họa sĩ Nguyễn Sáng, ông được Bộ trưởng Tài chính Phạm Văn Ðồng giao vẽ các mẫu giấy bạc phục vụ nền tài chính của Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thời ấy. Mỗi họa sĩ phác thảo một mẫu để chọn lọc, trình duyệt. Họa sĩ Mai Văn Hiến khi đó đã vẽ mẫu giấy bạc 5 đồng.
Mai Văn Hiến có khuynh hướng tả chân, dùng nhiều phấn màu, màu nước, sơn dầu. Tranh của ông như phương tiện thể hiện tính cách con người: luôn vui tươi, lạc quan; gam màu tươi, bố cục đông người, bối cảnh đậm nét núi rừng Tây Bắc, tiêu biểu là bức Gặp gỡ , bằng bột màu. Tác phẩm này từng nhận được giải nhì trong triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1954. Ông cũng phụ trách minh họa và vẽ biếm họa cho các tờ báo. Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội lưu giữ nhiều tranh của ông.
![]() |
Bức tranh của họa sĩ Mai Văn Hiến tại nhà Truyền thống TGP TPHCM. |
Ðặng Văn Lâm, một người bạn chí thân của ông từng viết: “Minh họa của Hiến, chỉ với vài đường nét đơn giản nhưng rất đẹp, ông thường ký tên ở góc tranh bằng chữ h’. Ở bên cạnh ông, ta luôn luôn trở nên lạc quan hơn dẫu cuộc sống có xảy ra chuyện gì đi nữa”.
Năm 2001, Mai Văn Hiến được giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Ông có quá nửa đời người trong quân ngũ rồi chuyển qua phụ trách Mỹ thuật.
Sau hơn 60 năm gắn bó với Hà Nội, ông mất tại tư gia ở tuổi 84, để lại nhiều tác phẩm cho đời. Hiện trong bộ sưu tập tại Nhà Truyền thống TGP TPHCM, cũng có một tác phẩm màu nước của cố họa sĩ Mai Văn Hiến.
LM Giuse Nguyễn Hữu Triết
Trưởng ban Mục vụ Văn hóa TGP.TPHCM
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.