Tuy đến với hội họa khá trễ nhưng họa sĩ Nguyễn Thị Ngọc Mai đã thành danh với nhiều bức tranh sơn dầu và có những kỷ niệm đặc biệt với dòng tranh lụa.
Năm 37 tuổi, khi cuộc sống thảnh thơi đôi phần, bà mới mạnh dạn tầm sư và từ đây, con đường hội họa đã mở ra bước ngoặt mới cho bà. Những người thầy của bà khi ấy là các họa sĩ Trần Văn Phú, Nguyễn Thị Tâm. Vì yêu thích nên bà say mê chuyên tâm vào từng nét vẽ. Trong các thể loại, tranh lụa là dòng tranh mà bà bỏ công sức nhiều nhất, có khi phải mất 6 tháng mới vẽ xong một bức tranh.
Qua hội họa, Nguyễn Thị Ngọc Mai mong muốn ghi lại nét đẹp cuộc sống với cảm nhận của riêng mình, từ phong cảnh, tĩnh vật đến chân dung... Và nhân vật Thúy Kiều, một cô gái đẹp, tài năng, hiếu thảo lại gặp bao gian nan, thăng trầm từ lâu vẫn “âm thầm” trong tâm trí Ngọc Mai. Nữ họa sĩ muốn thể hiện đời sống riêng của Thúy Kiều qua nét cọ của mình dù đó là một thách thức lớn. Bà dành khoảng thời gian từ 1999 đến 2011 để vẽ 28 bức tranh lụa về nàng Thúy Kiều. Trong thời gian này, nữ họa sĩ đã cảm nhận cái đau khổ cùng những khúc quanh cay đắng của nàng Thúy Kiều và đã trải lòng về cuộc đời của nàng trên khung tranh lụa Hà Ðông.
Bộ tranh lụa Kiều của nữ họa sĩ được đánh giá cao. Như họa sĩ Trần Văn Phú từng nhận định:“Tranh vẽ về Truyện Kiều xưa nay hiếm(!)”. Họa sĩ Nguyễn Thị Tâm thì nói: “Từ chất liệu nhẹ nhàng bay bổng, từ sự lung linh huyền ảo của sắc màu, từ những cung bậc buồn vui, suy tư lãng mạn đầy nữ tính, họa sĩ đã đưa ta vào trạng thái hư hư thực thực của Truyện Kiều, của thân phận một mỹ nhân tài hoa nhưng đầy truân chuyên. Họa sĩ đó là Ngọc Mai”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng cũng viết: “Mỗi họa phẩm là “hạt ba tiêu như thánh thót mưa thu” giúp kẻ thưởng ngoạn nghệ thuật cảm nhận từng đường nét, sắc màu nhẹ nhàng và lãng mạn của tranh lụa qua những bức tranh phỏng theo Truyện Kiều và Kiều, một tuyệt thế giai nhân”.
Tháng 9.2020, một niềm vui đã đến với họa sĩ Nguyễn Thị Ngọc Mai: nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820), ngành bưu chính nước Pháp phát hành những mẫu tem kỷ niệm. Trong đó, mẫu tem có tên Histoire De Kiều theo bức tranh Cung đàn bạc mệnh trong bộ tranh lụa Kiều của họa sĩ Ngọc Mai. Mẫu tem này thuộc “Lettre verte 20g” (dùng cho thư đến 20 gr không vận chuyển bằng máy bay ảnh hưởng đến môi trường). Nữ họa sĩ chia sẻ rằng mình rất vinh dự khi góp phần tôn vinh Truyện Kiều vì qua việc phát hành tem như thế, đã đưa kiệt tác văn học Việt Nam đến công chúng nước ngoài. Bà cũng cho biết, cái duyên này nhờ vào sự góp sức của nhà nghiên cứu văn học phương Ðông - thạc sĩ Nguyễn Thị Sông Hương, Chủ tịch Hội Văn hóa và Khoa học Pháp - Việt, công tác tại Trường Nghiên cứu cao cấp về Khoa học xã hội Paris, Pháp. Chị là người con Hà Tĩnh, quê hương của đại thi hào Nguyễn Du. Mẫu tem Histoire De Kiều đã được lưu hành tại Pháp và được người dân và giới sưu tập hết sức quan tâm, trong ngày phát hành đầu tiên đã có 3.000 tem được đăng ký mua hết.
Là người con của giáo xứ Thánh Giuse Bàn Cờ (TGP TPHCM), tuy đã ở tuổi thất thập nhưng họa sĩ Nguyễn Thị Ngọc Mai vẫn có được nguồn năng lượng tích cực. Bà vẫn luôn cảm tạ Chúa về điều này. Nữ họa sĩ đang dự định cho dự án vẽ bộ tranh dựa theo truyện thơ Chinh phụ ngâm khúc của Ðặng Trần Côn được Ðoàn Thị Ðiểm diễn nôm, một trong những thi phẩm thể song thất lục bát hay nhất.
ÐOAN TRANG
Bình luận