Thứ Tư, 21 Tháng Mười, 2020 15:30

Họa sĩ việt đầu tiên đem tranh sang châu Âu

 

Có lẽ Mai Trung Thứ là người đầu tiên của làng họa Việt Nam, đem tranh sang Âu châu trưng bày và được nhiều người ngưỡng mộ. Những năm đầu thập niên 1930, ông đã có những cuộc trưng bày tại Rôma, Milan, Naples (Ý). Ðến năm 1936 thì có cuộc trưng bày tại thủ đô của nước Bỉ. Cũng trong năm này, ông tham dự đấu xảo tại Paris - Pháp. Năm 1937, những bức tranh của họa sĩ có mặt tại San Francisco (Mỹ)...

Mai Trung Thứ sinh ngày 10.11.1906 tại làng Do Nha (Ro Nha), huyện An Dương, tỉnh Kiến An (Hải Phòng) trong một gia đình quan lại khoa bảng thời phong kiến. Ông được chăm sóc giáo dục rất tốt từ sơ đẳng tới hết trung cấp.

Trẻ em và phụ nữ là hai đề tài rất phổ biến trong tranh của Mai Trung Thứ

 

Năm 1925 (19 tuổi), ông thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương khóa I (từ 1925-1930) cùng với những tên tuổi lớn sau này của làng hội họa Việt Nam như Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Ðệ, Lê Phổ, Nguyễn Cao Luyện.

Sự nghiệp của ông bắt đầu với sơn dầu nhưng sau ông chuyển sang lụa vì nó mềm mại tinh tế, phù hợp với những nét cọ của ông hơn và họa sĩ đã thành công với lụa. Những bức tranh lụa đã tạo nên tên tuổi của ông với những đề tài dân gian thường ngày như Thiếu nữ, Nông thôn… với gam màu tươi sáng, huyền ảo.

Năm 1930, ông được mời dạy vẽ tại trường Quốc Học - Huế. Ở đây, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm đậm dấu ấn Cố đô, có thể kể đến như Cô gái Huế bên dòng sông Hương; Bên cầu Tràng Tiền thơ mộng; Cảnh Huế với đền đài, chùa tháp, lăng tẩm, cung điện….

Sau khi tham dự đấu xảo tại Paris năm 1936, ông ở lại và hoạt động tại Pháp luôn. Ðộng cơ ông ở lại Paris có lẽ vì đây là trung tâm ánh sáng nghệ thuật, ông muốn tiếp cận với những họa sĩ bậc thầy từ Ý, Tây Ban Nha và Pháp, đồng thời cũng muốn là cầu nối cho thế giới biết đến hội họa Việt Nam, cùng với một số họa sĩ Ðông Dương lớp đàn em hoạt động tại Pháp trong bộ tứ (Âu châu): Phổ - Thứ - Lựu - Ðàm.

Thời gian sống tại Pháp, ông vẽ về trẻ em, phụ nữ, cảnh đồng quê, đền đài Việt Nam, chỉ qua ký ức mà thôi.

Có lẽ vì lụa của ông mềm mại, óng ả, màu sắc tươi tắn, cảnh dân gian thơ mộng, lại chỉ vẽ bằng ký ức, ước vọng… cho nên bạn bè tặng ông danh hiệu “Họa sĩ của mộng mơ”.

Năm 1974, ông về thăm cố hương cùng một người học trò cũng nổi danh tại Pháp là Ðiềm Phùng Thị. Ðây là lầu đầu và cũng là lần cuối ông về thăm quê.

Sáu năm sau, ngày 10.10.1980, ông qua đời vì bệnh tim tại Pháp, hưởng thọ 74 tuổi. Tài sản vô giá của ông để lại là những bức tranh đẹp, với dấu ấn riêng.

 

LM Giuse Nguyễn Hữu Triết

Trưởng ban Mục vụ Văn hóa TGP.TPHCM

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm