Ông sinh năm 1912 tại làng Phú Lưu, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc), là con thứ nhì của Hoàng Tích Phụng, một nhà nho uyên thâm, làm Tri phủ, thành viên của phong trào Ðông Kinh Nghĩa Thục.
Năm 1929 (17 tuổi), ông theo học lớp dự bị của trường Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, tình hình đất nước chưa ổn định nên quá trình trau dồi nghệ thuật của ông bị ngắt quãng, mãi tới năm 1936, ông mới thi đậu vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương khóa 11 cùng với các bạn đồng môn Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Tiến Chung, Bùi Trang Chước…
![]() |
Chân dung cố họa sĩ Hoàng Tích Chù
|
5 năm sau, ông tốt nghiệp, mở xưởng vẽ tại phố Hàng Khoai, Hà Nội. Hoàng Tích Chù là một trong bốn họa sĩ mở xưởng sơn mài đầu tiên ở thủ đô Hà Nội.
Thời gian từ 1941-1944, ông hoạt động và tham dự triển lãm của Salon Unique và triển lãm của FARTA. Ông có những khoảng thời gian giảng dạy tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội (1945-1946 và 1956 - 1959). Khi cùng với các họa sĩ Nguyễn Ðức Nùng và Nguyễn Văn Tỵ soạn giáo trình nghệ thuật trang trí, ông phụ trách phần nghệ thuật sơn mài.
Hoàng Tích Chù là một thành viên sáng lập Hội Mỹ thuật Việt Nam (1957-1960). Ông đoạt ba giải thưởng tại các cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc cùng với bằng khen của triển lãm quốc tế tại Ðức, Ba Lan và Ấn Ðộ.
Ông giữ chức Viện trưởng Viện Mỹ nghệ Hà Nội từ năm 1970 tới khi về hưu.
![]() |
Tác phẩm “Gánh lúa” của họa sĩ Hoàng Tích Chù |
Hoàng Tích Chù được bạn bè và học trò coi là bậc thầy trong hội họa sơn mài. Bút pháp nghệ thuật của ông thay đổi từ cổ điển chuyển sang hiện thực và dừng chân ở trường phái tượng trưng. Ông chịu ảnh hưởng từ nghệ thuật dân gian qua thi ca và không gian văn hóa hơn là trực tiếp từ nghệ thuật tạo hình cổ điển. Bên cạnh đó, cũng phần nào chịu ảnh hưởng bởi lòng ngưỡng mộ phong cách hội họa giàu dân tộc tính của những họa sĩ đàn anh Nguyễn Gia Trí và Tô Ngọc Vân. Trong tác phẩm đỉnh cao Tổ đổi công (1958), ông đã phong phú hóa nghệ thuật sơn mài bằng việc thêm vào màu xanh bổ sung cho những màu truyền thống: son, then, vàng, bạc.
Tác phẩm Gánh lúa (1961) và đặc biệt bức tranh lớn Giáng Sinh (khoảng 1,4m x 2,4m, vẽ năm 1943 cùng với Nguyễn Tiến Chung, hiện treo ở cung thánh Ðại Chủng Viện Huế) đã thể hiện thiên nhiên và con người Việt Nam thật sống động.
Ngày 20.10.2003, ông qua đời tại Hà Nội vì tuổi già sức yếu, hưởng thọ 91 tuổi. Mộ phần của ông an táng tại quê nhà Phú Lưu, Bắc Ninh.
Hiện nay, nhiều tranh của ông được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Phương Ðông (Moskva, Nga) và các sưu tập tư nhân.
Năm 2000, ông được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
LM Giuse Nguyễn Hữu Triết
Trưởng ban Mục vụ Văn hóa TGP.TPHCM
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.