Dòng thông tin về việc dự kiến tăng mức đóng học phí từ năm học 2022 - 2023 đã được nhiều phụ huynh quan tâm, thảo luận.
GÁNH LO NĂM HỌC MỚI
![]() |
Chị Nguyễn Ngọc Nữ (Bắc Từ Liêm, Hà Nội): Bên cạnh học phí, các chi phí khác như ăn uống, sách vở, học thêm, bán trú… của 2 con mỗi tháng đã chiếm gần nửa thu nhập của gia đình tôi. Chúng tôi vẫn cố gắng lo cho con dù học phí có tăng nhưng với tiền lương chưa tăng thì buộc phải chi tiêu tiết kiệm hơn. Đầu năm học luôn là khoảng thời gian khó khăn về tài chính, đặc biệt năm nay giá cả thi nhau tăng. Mỗi thứ tăng một chút nhưng lại tạo gánh nặng không nhỏ với người thu nhập trung bình như chúng tôi. Theo dự thảo mà Hà Nội sẽ áp dụng theo nghị định 81/2021, học phí các cấp hầu như sẽ tăng gấp đôi và sẽ tăng thêm khoảng 20% đến 40% mỗi năm sau đó. Trong giai đoạn còn khó khăn sau dịch, tôi rất mong học phí sẽ tăng từ từ để còn kịp đáp ứng.
HỖ TRỢ HỌC SINH KHÓ KHĂN
![]() |
Chị Nguyễn Thùy Hương (Q. Tân Bình, TPHCM): Lâu rồi thành phố không tăng học phí và mức học phí hiện không cao nên tăng thì hợp lý, tuy nhiên với các gia đình khó khăn thì có lẽ sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. So với các khoản khác mà phụ huynh phải đóng cho con thì học phí cũng chỉ là khoản nhỏ. Nhưng dù vậy, tôi mong thành phố song song với việc tăng học phí sẽ có giải pháp hỗ trợ học sinh khó khăn mà không hoặc chưa thuộc diện miễn học phí. Tôi biết có nhiều học sinh gia cảnh khốn khó nhưng không có mã hộ nghèo. Rất mong nhà trường và địa phương ghi nhận những trường hợp này để có biện pháp “tiếp sức” phù hợp. Ngoài ra, các khoản phí phải đóng thêm ở trường như bán trú, tiếng Anh tăng cường, máy lạnh… cũng cần được rà soát, tránh tình trạng lạm thu.
CHIA SẺ CHO NHAU
![]() |
Anh Nguyễn Tấn Vinh (Q.12, TP.HCM): Khi chi phí cho tất cả các hoạt động quản lý cũng như sinh hoạt tăng, phải có nguồn bù đắp, nên người quản lý buộc phải tăng thuế, phí, nhưng những người phải đóng thuế, phí cũng bị tác động thì lấy nguồn nào để bù vào. Do vậy, tôi mong có sự chia sẻ mà cụ thể ở đây là chủ trương tăng học phí trên nhiều địa phương trong năm học mới đây. Nhiều người nói đến lộ trình tăng và tôi hoàn toàn đồng tình nếu có thể chậm lại một chút. Nghe tăng gấp đôi hay tăng gấp 4, gấp 5 lần, lại ngay thời điểm còn lao đao chưa phục hồi kinh tế, chưa “hoàn hồn” thì căng thẳng lắm. Sau một năm phải chi nhiều cho các khoản như khẩu trang, khử khuẩn, xét nghiệm Covid-19, rồi thuốc men bồi dưỡng sức khỏe, khám hậu Covid-19…, bây giờ lại gồng gánh nhiều khoản tăng cùng lúc thì sẽ là mối trăn trở với nhiều người.
NHIỀU KHOẢN TĂNG CÙNG LÚC
![]() |
Chị Lê Hoàng Thanh (TP. Thủ Đức, TPHCM): Một đứa trẻ đi học không phải chỉ có học phí mà còn rất nhiều thứ. Tôi từng biết nhiều phụ huynh không mua nổi bộ sách giáo khoa cho con. Hơn nữa có gia đình nhiều con lại càng khó khăn. Mỗi con đi học tăng thêm vài trăm ngàn cộng lại là mất cả một khoản đáng kể mỗi tháng. Quan trọng hơn hết có lẽ là thời điểm này cùng lúc mọi người chịu nhiều tác động ảnh hưởng nặng nề của khó khăn kinh tế sau đại dịch, rồi giá xăng tăng kỷ lục, nhiều mặt hàng tăng giá…, giờ học phí cũng tăng nữa thì người thu nhập thấp sẽ chật vật.
MONG CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC CŨNG TĂNG
![]() |
Chị Hà Thị Hiền (TP Thủ Đức, TPHCM): Mức tăng học phí mà thành phố dự kiến vẫn trong khả năng của gia đình tôi, tuy nhiên điều tôi quan tâm hơn là hiệu quả của việc tăng học phí. Tôi không cho rằng mức tăng mới là quá cao mà mong muốn của tôi cũng như phần nhiều phụ huynh là tăng học phí sẽ đi đôi với nâng cao chất lượng giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất... Phụ huynh chúng tôi cũng mong đời sống giáo viên được chăm lo tốt hơn và nguồn thu học phí mới sẽ mang lại hiệu quả đáng khích lệ cho chất lượng dạy và học.
MINH HẢI (THỰC HIỆN)
Theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo của Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ ngày 15.10.2021, khung học phí năm học 2022 - 2023 (mức sàn - mức trần) đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên như sau: Ở thành thị, mầm non và tiểu học từ 300.000 - 540.000 đồng/học sinh/tháng, THCS và THPT từ 300.000 - 650.000 đồng/học sinh/tháng; Ở nông thôn, mầm non và tiểu học từ 100.000 - 220.000 đồng/học sinh/tháng, THCS từ 100.000 270.000 đồng/học sinh/tháng, THPT từ 200.000 - 330.000 đồng/học sinh/tháng; Ở vùng dân tộc thiểu số thì mầm non và tiểu học từ 50.000 - 110.000 đồng/học sinh/tháng, THCS từ 50.000 - 170.000 đồng/học sinh/tháng, THPT từ 100.000 - 220.000 đồng/học sinh/tháng. |
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.