Ðây là tựa tập sách của linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn liên kết với NXB Tôn giáo, mới ấn hành gần đây. Qua hơn 400 trang sách, tác giả muốn giới thiệu một vài giá trị văn hóa của người Công giáo khi hội nhập với nền văn hóa dân tộc, nói theo Ðức cha Gioan Ðỗ Văn Ngân, Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Ðức Tin/HÐGMVN trong lời giới thiệu thì ở quyển sách này, linh mục Antôn “đã tổng hợp tất cả những kinh nghiệm và hiểu biết trong các lĩnh vực để chia sẻ cho chúng ta những giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc và của Giáo hội Công giáo…”.
![]() |
Tập sách được chia làm 2 phần. Phần đầu với 14 bài, nói về các giá trị văn hóa Công giáo. Sau khi bàn qua về văn hóa và hội nhập văn hóa là gì, tác giả khởi đầu từ việc nhìn lại chính mình để khám phá ra con người là một thực thể vô cùng kỳ diệu, với thể xác hết sức lạ lùng và tinh thần siêu việt, mở ra tới vô biên. Và như linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ thì “Chúng ta không phải là những con người đơn độc, nhưng hòa nhập vào dòng lịch sử dân tộc Việt Nam với rất nhiều giá trị, tạo nên bản sắc văn hóa của người Việt. Là người Công giáo Việt Nam, chúng ta cũng tìm hiểu cuộc hội nhập văn hóa của tổ tiên mình trong gần 500 năm qua, để có thể xây dựng một cấu trúc vững chắc cho nền văn hóa Việt Nam trong xã hội hiện nay…”. Ở phần này, bạn đọc không chỉ cùng tác giả ngược dòng thời gian tìm hiểu khái quát cuộc hội nhập văn hóa của người Việt Nam trong dòng lịch sử dân tộc để có thể xây dựng những giá trị mới và đẩy lùi những nét tiêu cực có thể có trong cuộc hội nhập này; hay tìm hiểu bối cảnh lịch sử của Giáo hội Công giáo Việt Nam qua các thời kỳ để biết về những giá trị mà người Công giáo đã đóng góp cho quê hương cũng như nhận được từ dân tộc, để hình thành nên nền văn hóa hiện nay… mà còn tìm hiểu thái độ hiện nay của nhiều người Việt Nam đối với tôn giáo, bản chất tôn giáo… Tác giả cũng dẫn đưa bạn đọc tìm về Đức Giêsu như một nhà văn hóa lớn, đã mang đến cho nhân loại những giá trị cao cả tuyệt vời. Độc giả còn được hiểu hơn về nền nhân bản được Giáo hội Công giáo cổ vũ, là một nền nhân bản toàn diện và liên đới, lấy con người làm trung tâm; tiếp đến là các giá trị khác như sự thật, tình yêu, tự do, công bằng…
Phần tiếp theo có 12 bài, đề cập đến nếp sống văn hóa Công giáo, như mời gọi mọi người đưa các giá trị trên vào hoạt động hằng ngày để cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc trong từng giây phút sống. Trong Lời mở đầu, linh mục tác giả cho rằng “Sống là phải yêu, phải thở, phải ăn uống, nói năng, học hành, làm việc, chơi đùa, phải đi đứng, ngủ nghỉ, tắm giặt, viết lách, nhất là phải suy nghĩ, chọn lựa, cũng như tìm được cái đúng, cái tốt, cái đẹp cho mình và cho người. Khi thể hiện được những giá trị này, chúng ta sẽ tạo nên một nếp sống văn hóa mới…”, nên ở phần II này, độc giả được theo dõi các bài viết xoay quanh những vấn đề như cha đã đề cập. Khép lại là bài 27 với tựa “Về với cội nguồn”, trong đó tác giả đi tìm ý nghĩa của cái chết như cuộc trở về với cội nguồn hiện hữu vô biên, mà theo cha, “chỉ khi đó cuộc hội nhập văn hóa của ta mới thật sự hoàn thành”.
Cuối mỗi bài viết trong cả tập sách, linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn đều đưa ra lời kết, giúp người đọc đọng lại ít nhiều điều ý nghĩa của bài; sau đó có những câu hỏi như để mỗi người có thể nhớ sâu hơn nội dung chính trong bài khi trả lời cho các câu hỏi này. Tập sách có thể chưa nêu hết tất cả mọi giá trị trong nền văn hóa phong phú của Công giáo, vì thế tác giả hy vọng mỗi bạn đọc có thể khám phá thêm những giá trị mới của nền văn hóa này. Và ngài cũng gởi gắm thao thức: “Khi tìm hiểu về cuộc hội nhập văn hóa trong dòng lịch sử Việt Nam và kết quả hiện nay của nền văn hóa dân tộc, mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm phân định những giá trị nào cần tiếp tục gìn giữ và phát huy, giá trị nào nên loại bỏ hoặc điều chỉnh theo hoàn cảnh cụ thể của đất nước…”; “…Trong đại gia đình dân tộc hiện nay có nhiều nền văn hóa khác nhau nên người tín hữu cần tìm hiểu và đối thoại với anh em để cùng xây dựng một nền văn minh tình yêu và hòa bình”.
LIÊN GIANG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.