Bé trai lớp Một rụt rè đi đến chỗ mẹ đón lúc tan trường, người mẹ hất hàm hỏi hôm nay kiểm tra được mấy điểm. “Dạ, 7 điểm” - cậu đáp lí nhí, mẹ cậu liền tức giận vả chan chát vào đầu con, quát: “Sao không được điểm 10 ả? Dốt!”. Cùng lúc đó, bé gái cùng lớp chạy ra thưa với mẹ là bài kiểm tra của mình chỉ có 4 điểm. Vậy mà người mẹ lại ôn tồn nói: “Không sao con ạ! Điểm kém mới cần đi học”. Câu nói của người mẹ khiến mấy phụ huynh đứng gần đó thấy “cô này dạy con hổng giống ai”.
Bé gái bị điểm kém đó gặp biến cố gia đình, học hành sa sút. Thầy cô coi bé là “thành phần chậm tiến, kéo thành tích của cả lớp xuống”, bạn bè cũng xem thường. Do mất căn bản từ lớp Sáu nên em học yếu các môn Toán, Lý, Hóa, may có các môn Văn, Sử, Địa gỡ lại. Mỗi kỳ họp sơ kết, tổng kết năm học, cô bé cúi gầm mặt khi thầy chủ nhiệm đọc kiểm trung bình của mình thuộc hàng tốp 10… từ dưới lên, trong khi người mẹ vẫn điềm tĩnh. Cô không yêu cầu con học toàn diện mà chọn cách kèm con học lý thuyết và “tập trung mũi nhọn” vào làm chắc các bài tập dễ để không bị “điểm liệt”, dành thời giờ cho con đọc sách, đi bảo tàng, tham quan, viết lách, trau dồi những môn con yêu thích.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3 và “thoát” khỏi mấy môn tự nhiên, cô bé dễ dàng đậu đại học nhờ thi khối C (Văn, Sử, Địa). Em hoạt bát hẳn ra, tích cực học hành và tâm sự với mẹ: “Lên đại học thích quá mẹ ạ! Lần đầu tiên con cảm thấy mình có… phẩm giá làm người, chẳng bù cho hồi xưa bị la suốt vì điểm kém”.
Người mẹ cũng thở phào nhẹ nhõm vì ngày đó đã không đòi hỏi con gái phải đạt điểm cao ở mọi môn học.
![]() |
Trên mạng xã hội, quanh chủ đề dạy trẻ học và điểm số, có bạn viết: “Tôi từng vỗ ngực tự tin mình không ngán đại số cho tới khi giở sách toán của đứa cháu ra xem. Lúc đó đành lủi thủi rút lui vì đám trẻ ngày nay học chương trình khác xa thế hệ mình, không kèm chúng được”. Có bạn kể từng bị cha dạy học trong tiếng quát tháo, mắng chửi vì điểm lúc nào cũng chỉ “sát vạch vôi” cho đến một lần bài tập về nhà do chính “sư phụ” giải bị cô cho điểm dưới trung bình thì cha mới bớt… đánh giá. Có bạn tiết lộ: nhà có bao nhiêu giấy khen cũng chỉ để treo trên tường, “lấy le” với hàng xóm, họ hàng chứ bản thân biết phần lớn điểm có được là do ngoại giao. Có giáo viên kể trong lớp có em học sinh khóc lóc khi cô chấm bài điểm 8, vì mỗi khi không đạt điểm 9,10 thì bị cha phạt và mẹ tịch thu mọi quyền lợi kèm lời than vãn: “Điểm thấp là con không thương mẹ, làm mẹ không biết ăn nói sao với nhà nội”…
Mấy ai được như cha của Chaien - nhân vật trong truyện Doraemon (tác giả Fujiko F. Fujio). Khi cậu ta “trấn lột” được chiếc bút thần kỳ của Nobita, nhờ thế mà làm bài được điểm cao đột xuất, cha cậu đã khóc. Không phải xúc động vì con được điểm 10 mà khóc vì biết chắc rằng con gian lận. Ông đã nện con một trận vì với sức học làng nhàng như vậy, điểm 10 có được hoặc là quay cóp hoặc bắt bạn cho chép bài. Chaien “ôm đầu máu” đến trả lại bút cho bạn: “Tớ không cần điểm 10 nữa đâu”.
Khi cha mẹ thấy con mình bị điểm kém hoặc “tự dưng” thành tích học tập đi xuống thường phán xét, trách mắng. Có nhiều trường hợp học sinh bị điểm kém không phải vì các em lười học, ham chơi, bị bạn xấu lôi kéo... Đơn giản, có em bị cận thị nhưng bản thân không biết, gia đình không hay nên chép bài chậm chạp, tiến độ học hành kém hơn hẳn chúng bạn; vừa được đo mắt và sắm kính, em linh hoạt hẳn lên, từ đó bắt kịp cả lớp. Cũng có em gặp mâu thuẫn gia đình, bị bạn bè tẩy chay, gặp thầy cô quá nghiêm khắc hoặc đột ngột chuyển trường nên tinh thần bị khủng hoảng, thành tích học không tốt như xưa.
Một người bạn Việt kiều chia sẻ: Ở ta thì khen chê công khai, đọc điểm kiểm tra ngay trong lớp, khen thưởng, luận phạt, cảnh cáo hay chê bai trước toàn trường, các lời phê ghi luôn trên bài làm văn, công khai thoải mái các nhận xét của giáo viên về học lực, hạnh kiểm của học sinh... Ở nước bạn đang sống, tất cả những điều nói trên phải là “confidential” (riêng tư, giữ kín). Cái gì nói được với phụ huynh, cái gì có thể cho học sinh cùng nghe đều có quy định và cân nhắc. Ngay cả khen cũng phải kín đáo.
Điểm kém không phải là điều đáng xấu hổ, nó chỉ tượng trưng cho sự thiếu hiểu biết và sai sót. Muốn lấp đầy sự thiếu hiểu biết, con trẻ và cả người lớn phải học hỏi không ngừng. Nhà khoa học Benjamin Franklin đã nói: “Ngu dốt không đáng xấu hổ bằng không chịu học”.
Ths-Bs Lan Hải
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.