Thứ Bảy, 28 Tháng Giêng, 2023 07:18

Kể chuyện “cậu bé giúp lễ” trong tranh Nguyễn Văn Tùng

 

Bức vẽ thước phim đơn sắc 33mm lướt qua với những khung hình trình chiếu một chặng đường của họa sĩ Nguyễn Văn Tùng, từ cuộc triển lãm Bến quê với những ấn tượng hòa thanh sóng vỗ của miền duyên hải Quảng Bình, cách nhau ba tháng, ở giữa có dấu chỉ chặng đàng thập giá, giờ tới khung hình flash back kể lại chuyện Cậu bé giúp lễ. Có lẽ đây là một hoài niệm của chính họa sĩ về thuở làm cậu bé giúp lễ ở một xứ đạo miền Trung, khiến ta nhớ tới cảnh mở màn đầu tiên trong phim Cinema Paradiso: cậu bé giúp lễ Salvatore đang ngủ gật trong khi giúp cha xứ phụng vụ thánh lễ… rồi 30 năm sau Salvatore trở thành nhà làm phim nổi tiếng, anh bừng tỉnh khỏi cơn “ngủ gật”, hồi tưởng và kể lại câu chuyện tuổi thơ của mình ở một xứ đạo nhỏ miền quê…  

 

Họa sĩ Nguyễn Văn Tùng học mỹ thuật ở Huế, hiện sống ở quê nhà, huyện Quảng Trạch, thuộc tỉnh Quảng Bình, nơi đây hạt giống đức tin vốn được gieo trồng đầu tiên từ Đàng Ngoài vào những vùng dọc sông Gianh, bắt đầu từ huyện Quảng Trạch. Vì vậy, vùng đất này hiện nay có nhiều giáo xứ và giáo họ nhất tỉnh, đời sống đạo người Công giáo nơi đây cũng sầm uất và hết sức sốt sắng. Nghệ thuật bắt đầu từ nơi ta đang ở. Điều này minh chứng trong hầu hết tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Văn Tùng về vùng đất quê nhà, thậm chí có thể thấy cả những dấu ấn khổ nạn cho đức tin của người Công giáo nơi đây trong những tác phẩm của anh. 

Triển lãm chủ đề Cậu bé giúp lễ gồm 36 bức với bút pháp biểu hiện, vận dụng bảng màu chủ đạo tối giản được rút từ ba màu của bộ áo lễ theo phong cách Roma dành cho các chú giúp lễ: bộ áo đỏ và trắng hoặc đen và trắng. Tư thái của các cậu bé giúp lễ có thể ví như những tiểu thiên sứ Cherub thường thấy trong tranh cổ điển, rất dễ thương, với vẻ đẹp thanh cao, sốt sắng và trang nghiêm trong các buổi lễ phụng vụ. 

 

Ngoài một vài bức miêu tả các cậu bé giúp lễ đang phục vụ tại Cung Thánh (hoặc với cha chủ tế, như trong bức lễ cầu hồn cho một cậu bé qua đời), tất cả còn lại chủ yếu gồm những giây phút miêu tả các chú giúp lễ chung với nhau hoặc riêng, thường trong một không gian tĩnh tâm như trong Phòng Thánh với xung quanh là ảnh tượng các thánh hoặc họa phẩm, hoặc trong một không gian nội tâm của trời đất giao hòa. Các chú giúp lễ đang cầu nguyện hoặc suy niệm, có vị thiên thần bản mệnh che chở giúp sức, đang lần chuỗi hạt, hoặc trong ban hát thánh ca, đang cầm giấy học thuộc các câu kinh phụng vụ, dưới chân thánh giá hay tượng Đức Mẹ, đang xông bình hương, cầu nguyện một mình trên tháp chuông, hoặc mường tượng như vị chủ chăn trong chiếc áo phép Alba màu trắng giữa đàn chiên. 

Công việc giúp lễ và phụng vụ sốt sắng đó cũng có thể gieo mầm ơn gọi cho một số cậu bé giúp lễ nuôi ý muốn vào chủng viện sau này (như trong bức miêu tả một thiên sứ bên ngoài cửa đến truyền tin là ơn kêu gọi, và cậu bé đứng trước chọn lựa trước con đường thập giá với quả banh màu đỏ đang lăn trên sàn có lẽ biểu tượng cho sự hy sinh tuẫn đạo, sau lưng là bức ảnh cha Trương Bửu Diệp). Đôi khi miêu tả tâm trạng xao xuyến lúc đang cầu nguyện trước giờ giúp lễ, cậu bé bỗng chia trí quay lưng với thập giá, hướng ra khung cửa dõi theo một tà áo trắng thoáng qua ở bên ngoài…

 

Một biểu tượng suy niệm chính của Kitô giáo không thể thiếu gần như trong toàn bộ Cậu bé giúp lễ là thập tự giá - dấu chỉ của sự cứu chuộc, và là dấu chỉ đức tin của người Công giáo. Đây cũng là dấu chỉ về con đường kêu gọi sống đời tận hiến, con đường thánh giá trở thành con đường sống, được tìm thấy trong sự phục vụ Chúa tức là phục vụ tha nhân. Công việc phục vụ thầm lặng của các cậu bé giúp lễ đã được họa sĩ phát biểu ngắn gọn cho cuộc triển lãm. Phục vụ vì Chúa cũng là hy sinh, là quên mình, không đòi đền đáp, như lời trong Phúc Âm: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. 

Cuộc triển lãm Cậu bé giúp lễ không chỉ là một hoài niệm, mà là một suy niệm về con đường sống tận hiến. Đó cũng là thông điệp của cuộc triển lãm Cậu bé giúp lễ - những bức tranh toát lên vẻ mộ đạo, khổ hạnh và thanh cao mà đời sống mộ đạo nhiều đời nơi đây qua những thăng trầm trong lịch sử đã vun xới và tạo dưỡng chất cho người nghệ sĩ thể hiện thế giới riêng của mình.


PHỤ LỤC

Nghệ thuật Công giáo đã đóng một vai trò hàng đầu trong lịch sử và sự phát triển của nghệ thuật phương Tây với các chủ đề trong Kinh Thánh, như cuộc đời của Chúa Jesus, cùng với những người gắn liền với Ngài, như các môn đệ, các vị thánh… Tuy nhiên, chú bé giúp lễ hay lễ sinh đóng một vai trò không thể thiếu trong truyền thống của Giáo hội Công giáo, và là một nét đẹp của đời sống phụng vụ, mặc dù vai trò này đã hiện diện từ những thời kỳ đầu của Kitô giáo, lại hầu như không thấy thể hiện trong nghệ thuật thị giác cho mãi tới thế kỷ 19 và 20 mới thật sự phổ biến và trở thành đề tài yêu thích của nhiều họa sĩ, khi mà sự sinh hoạt và sùng đạo của các xứ đạo ở các địa phương (như Tây Ban Nha, Italy, Pháp…) trở nên sầm uất, đầy màu sắc và đặc thù với các hình thức lễ nghi. 

 

Đề tài chú bé giúp lễ thể hiện đặc sắc trong một số tác phẩm theo phong cách hiện thực cổ điển của họa sĩ như Charcane-Moreau (trong đó miêu tả cả cảnh tinh nghịch của các chú giúp lễ như ăn trộm bánh thánh hoặc uống trộm rượu lễ khi cha đi vắng), hoặc nhiều bức tuyệt vời của họa sĩ Biểu hiện Chaim Soutin, nhưng đặc biệt nhất có lẽ là Picasso vào thời kỳ ban đầu khi tuổi thơ ấu, Picasso đã vẽ một số bức cậu bé giúp lễ trong xứ đạo của mình (trong số khá nhiều tranh và bản vẽ đề tài tín ngưỡng trong thời kỳ này).

Một bức tranh sơn dầu Picasso vẽ năm 13 tuổi (1894) rất cảm động và bi thương, miêu tả lại cảnh trong ngôi nhà nguyện u tối, chú giúp lễ cầm bình xông hương cùng vị chủ tế đang làm lễ an táng và nghi thức tiễn biệt bên thi hài em gái của Picasso là Cochinta, qua đời lúc 8 tuổi trong một trận dịch bạch hầu. Và những bức dưới đây Picasso vẽ năm 15 tuổi (1896):
 
Một cậu bé giúp lễ đang rót dầu cho một bà cụ, dầu lấy từ ngay bàn thờ!
 
Hai bức sau kích thước khá lớn vẽ theo phong cách hiện thực, một cậu bé giúp lễ bên bàn thờ đang cầm dụng cụ dập tắt nến. Và trong bức Rước lễ lần đầu, một cậu bé giúp lễ khác đang sửa soạn bình hoa phục vụ buổi rước lễ lần đầu của cô em gái [của Picasso tên là] Lola; đây là bức tranh đầu tiên Picasso vẽ để tham dự một cuộc triển lãm mỹ thuật khi 15 tuổi.

HÀ VŨ TRỌNG

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm