Chủ Nhật, 23 Tháng Tư, 2023 23:46

Khi các thế hệ cùng học hỏi nhau…

 

Nhiều người cứ nghĩ chỉ có người lớn tuổi, người già mới có thể dạy, hoặc truyền những kinh nghiệm cho thế hệ trẻ. Thực tế thì các thế hệ lớn tuổi ngày nay cũng học hỏi người trẻ nhiều thứ, nhất là trong thời đại kỹ thuật số, khi ngày càng có những thiết bị công nghệ, điện tử… mà 50 năm về trước không ai tưởng tượng ra được.

Thế hệ đi trước chỉ bảo người trẻ các kinh nghiệm ứng xử

Nhiều bậc phụ huynh hay ông bà cứ cảm nhận sự xa cách của con cháu, chẳng qua vì họ đã không tạo điều kiện cho đám trẻ tâm sự để đóng vai trò “tham vấn tâm lý”. Chị Hoàng Phúc, 25 tuổi, nhân viên văn phòng một công ty tại TPHCM kể, trong gia đình, chị thân với bà ngoại. Bà dạy chị rất nhiều về cách ứng xử trong đời sống: “Có lần xe hư, tôi mượn xe hàng xóm đi nhờ. Ngoại nhắc tôi khi trả xe nhớ đổ xăng đầy bình, đó là phép lịch sự của người mượn xe. Cũng có những lúc tôi “quá giang” bạn bè đi đâu đó, ngoại cũng dặn khi người ta tấp xe vào trạm xăng, mình hãy nhanh tay trả tiền vì đó là phép lịch sự khi đi nhờ…”. Cũng theo chị Phúc, nhờ bà ngoại mà chị biết cách đối nhân xử thế và được nhiều người mến hơn.

Anh Trần Văn Hùng, 35 tuổi (Q.1, TPHCM) cho biết, ba của anh luôn nhắc các con sau khi đi học về nên ghé phòng cô Út, kể chuyện cho cô nghe vì cô sống một mình cùng nhà với gia đình. Nhờ vậy, anh Hùng vẫn nhận được những lời khuyên quý giá từ cô Út, tỷ như lúc mới đi làm, anh muốn lấy lòng sếp nên thường đi rất sớm. Việc này được sự cổ vũ của trưởng phòng hành chánh và cô đã giao cho anh chìa khóa công ty. Nghe chuyện, cô Út khuyên cháu hãy như mọi người, đến đúng giờ hoặc sớm vài phút, không nên nhận chìa khóa không thuộc trách nhiệm của mình. Như vậy, nếu có mất mát gì mình gánh không nổi… Anh Hùng làm theo lời khuyên của người cô và đã tránh được những câu hỏi phiền phức khi phòng hành chánh một hôm bị mất hai chiếc máy tính xách tay mà những người đến sớm bị khoanh vào vùng “nghi vấn”.

Không chỉ với công việc, trong đời sống tình cảm cũng cần lắm sự chia sẻ của các bậc cao niên tiền bối. Chị Nguyễn Thu Mai, sống ở New York (Hoa Kỳ) cho hay, bà ngoại chị từng phân tích thiệt hơn cho chị nghe để chấm dứt mối liên hệ thường xuyên qua tin nhắn với người yêu cũ vì cả hai đã có gia đình riêng. Ban đầu, qua sự nói khích của vài người bạn, chị ngỡ mình được “ngưỡng mộ” vì đã có chồng vẫn có người theo. Song bằng sự trải nghiệm, người bà đã nhìn ra được vấn đề và khuyên nhủ cháu… Nghe lời bà, chị Mai đã né được cái “bẫy” đang giăng ra, có nguy cơ phá hoại hạnh phúc gia đình mình.

Người trẻ giúp người già… thích ứng với thời đại

Nếu thế hệ ông bà cha mẹ có thể truyền dạy cho con cháu về cách đối nhân xử thế, kinh nghiệm sống… thì thế hệ con cháu lại giúp ông bà, cha mẹ cách đặt thức ăn qua mạng, gọi xe công nghệ… hoặc chí ít cũng là cách dùng điện thoại thông minh, cách kiểm tra thư điện tử, cách gởi e-mail, gọi điện qua zalo hoặc lập trang cá nhân (facebook) để có thể trò chuyện, nhắn tin qua “messenger”…

Thực vậy, không chỉ là người được chỉ dạy, chị Hoàng Phúc trong câu chuyện kể trên từng kiên nhẫn ngồi hàng giờ hướng dẫn bà ngoại cách gọi điện thoại zalo, cách vào facebook để gọi điện qua messenger, cách điều khiển máy tính bảng để nghe những bài giảng của các linh mục, giám mục hay tham dự thánh lễ trực tuyến hoặc cùng lần hạt theo cộng đoàn trên mạng. Nhờ vậy, cuộc sống của ngoại văn minh và ít buồn tẻ hơn những người thế hệ U70 không bắt kịp thời đại.

Người trẻ tìm đến người già như tìm một pho sách sống với những lời khuyên từ trải nghiệm vô cùng quý báu của thế hệ đi trước đã trải qua hàng chục năm cùng bao thăng trầm trong cuộc sống. Tuy nhiên, người già cũng cần lắm những chia sẻ của con cháu do sự biến thiên của xã hội và những đổi thay trong ngôn ngữ theo thời gian. Ông Minh Hiếu, 79 tuổi (Q.8, TPHCM) vẫn học cháu nội những kỹ năng thao tác trên điện thoại di động và máy tính bảng để dễ dàng biết tin tức và liên hệ với bạn bè khắp nơi, kể cả ở nước ngoài qua các công cụ từ mạng xã hội. Ông còn biết mở và sử dụng tài khoản ngân hàng trên mạng để có thể ngồi một chỗ nhận tiền hay chuyển khoản mà không cần đến giao dịch trực tiếp tại quầy ở ngân hàng. Cháu ông cũng chỉ cho ông cách mua hàng trực tuyến. Xem ra ông văn minh và tiến bộ hơn phần nhiều người cùng tuổi.

Hố sâu giữa các thế hệ sẽ được san bằng, lấp đi nếu các thế hệ sống chung biết bỏ đi “cái Tôi” của mình, biết khiêm tốn lắng nghe và sẻ chia những trải nghiệm hoặc kiến thức khoa học công nghệ cùng nhau. Người trẻ sẽ xem người già như “cây đa cây đề” trong gia đình, một nơi uy tín để tâm sự và tư vấn. Người già cũng xem người trẻ là “pho sách sống” đời mới qua đó mở được cánh cửa công nghệ và hơn thế là ngôn ngữ mạng, ngôn ngữ hiện đại để họ cùng hội nhập như lời ông Phạm Tấn Phát, 78 tuổi (Q.5, TPHCM): “Nhờ các cháu, tôi mới biết các từ như ‘thảo mai’, ‘thả thính’, ‘đu trend’…để ra đường gặp người trẻ sẽ hiểu họ nói gì. Như vậy trẻ và già sẽ gần gũi hơn và mình không thành ông ngáo giữa đời”. Vừa rồi trong chuyến du lịch Dubai, mọi người rất ngưỡng mộ khi thấy ông Phát, một người đã qua tuổi “xưa nay hiếm” sử dụng điện thoại thông minh gọi xe trong thành phố xa lạ qua app hay mã QR một cách thành thạo. Ông nắm bắt tỷ suất hối đoái, chênh lệnh giá giữa các ngoại tệ… trong ngày rất nhanh nhờ cập nhật thông tin qua hệ thống tiền tệ thế giới. Và ông hãnh diện: “Các cháu tôi chỉ tôi đó”.

Như vậy, trong thế giới phẳng và thời đại kỹ thuật số hiện nay, việc học hỏi là không ngừng và các thế hệ đã bổ sung cho nhau để cùng tiến bộ và hòa đồng trong môi trường chung.

 

NGUYỄN NGỌC HÀ

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm