Thứ Hai, 03 Tháng Mười, 2016 14:25

Khi con nói xấu thầy cô

Phụ huynh cần có cách xử trí hợp tình hợp lý khi con cùng bạn bè tán gẫu những điều không hay về thầy cô.

Chuyện sau giờ học

Ông Phạm Minh Tâm, 63 tuổi, chủ tiệm trà sữa trên đường Lý Chính Thắng (Q3) chia sẻ: “Mỗi lần tan học, học sinh ùa vào quán tôi uống trà, ăn bánh, rồi tán dóc chuyện trường lớp. Thật hãi hùng khi nghe các em gọi thầy cô bằng những từ ngữ thiếu tôn trọng. Thời tôi đi học, cả gan lắm thì gọi thầy cô bằng môn họ dạy như cô Vạn vật, cô Địa, thầy Toán… , gọi thầy cô bằng ông, bà là đã tệ rồi. Còn bây giờ…”.

Khi tôi hỏi sao ông không khuyên ngăn những hành động đó, ông lắc đầu cho rằng đây là giáo dục từ gia đình, cha mẹ bọn trẻ nói chưa chắc đã có tác dụng, huống gì là người ngoài. Tuy nhiên, với con cháu trong nhà, ông thường nhắc nhở các cháu chớ học theo cách ăn nói của những bạn đồng trang lứa thường vào quán nhà. Các con ông Tâm hiện đã là những người trung niên cho biết từ nhỏ khi lên tiếng bình luận hay đùa cợt với bạn bè về những khuyết điểm của thầy cô là bị bố mắng ngay với lý do: “Thầy cô trước hết là người lớn tuổi hơn mình nên phải luôn cư xử đúng mực. Đó là chưa kể, một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy nên thầy cô càng phải được kính trọng. Và nói xấu sau lưng bất kỳ ai cũng là điều không tốt”.

Cũng như ông Phạm Minh Tâm, bà Nguyễn Thị Nhất, 46 tuổi (Đa Kao, Q1) kể bà chặn lại ngay khi nghe con trai học lớp 10 trường Marie Curie chế nhạo thầy cô giáo cùng bạn bè. Ngoài truyền thống tôn sư trọng đạo, bà còn góp ý: “Cũng như bất kỳ người nào, thầy cô đôi lúc có cư xử bất công hay có những sai lầm, nhưng không thể vì thế mà sau giờ học bọn trẻ nói xấu hay chế nhạo thầy cô được. Tôi không bao giờ cho các con tôi làm thế. Nếu thầy cô mà bọn trẻ còn nói xấu thì chúng có thể nói xấu bất kỳ người nào, kể cả cha mẹ”.

Có những đứa con nhờ sự giáo dục từ gia đình dù bất mãn cách cư xử vẫn giữ sự tôn trọng thầy cô như trường hợp chị Vũ Thúy, 30 tuổi (P5, Q8): “Hồi nhỏ đi học tôi không thích thầy dạy Hóa. Ông luôn tìm cách o ép học sinh về nhà dạy thêm. Tôi ra vẻ khinh thường ông. Kể điều này với ba tôi và ba tôi dạy thầy cô cũng do cuộc sống khó khăn nên mới phải hành động như vậy, hãy hiểu và cảm thông cùng thầy cô. Nói xấu, thóa mạ thầy cô sau giờ học là bất kính. Đó là một hành động vô lễ không đúng với một người có giáo dục tốt”. Chị cho biết thêm giờ đã là chủ của gia đình, cuộc sống phải lo toan nhiều việc nên mới thấu hiểu những điều người cha nói trước đây. Thầy cô cũng cần được cảm thông và thấu hiểu.

Nói xấu người vắng mặt

Nhiều bậc phụ huynh ngăn cấm con cái nói xấu thầy cô chỉ đơn thuần đó là một tính xấu: nói xấu sau lưng người khác. Ông Nguyễn Đại, 45 tuổi (P5, Q5) chia sẻ ông đã ngắt lời con ngay trên bàn ăn khi con kể về sự bất công của cô giáo. Ông cho rằng việc nói sau lưng người khác là không tốt huống chi với người dạy dỗ mình. Cô giáo có cư xử bất công đi nữa cũng là vì cô không phải là thánh để công bằng tuyệt đối. Ông hứa với con trai ngày hôm sau sẽ trao đổi cùng cô giáo. Thực hiện lời hứa, và ngày hôm sau đó cả hai cha con mới vỡ lẽ tất cả chỉ vì sự hiểu lầm. Học sinh T. mà con trai ông Đại nghĩ cô giáo thiên vị, cho điểm rộng hơn các bạn từng bị bệnh nặng vào năm trước. T phải nghỉ một học kỳ và khó khăn lắm mới qua nổi kỳ thi cuối năm để lên lớp. Trước khi nhập học, T còn phải đi điều trị ở bệnh viện. Nếu cô giáo có chấm nương tay cũng là sự công bằng với người ra vào bệnh viện thường xuyên mà thôi. Sau chuyện đó, con trai ông Đại không chỉ cảm thông với cô giáo mà còn giúp bạn T học hành dù bạn là người mới chuyển trường vào đầu năm học.

Ông Đại kết luận: “Có khi chỉ vì sự hiểu lầm mà con cái bực tức nói xấu thầy cô, thì bậc làm cha mẹ ngoài việc ngăn cấm, khuyên bảo nên có cách liên hệ với thầy cô để giải tỏa hiểu lầm. Không nên áp đặt con cái phải nghe theo mình khi sự bức xúc của chúng đang dâng cao”.

Không ít trường hợp thầy cô không hoàn hảo bề ngoài như lùn, ốm, mập…Thế là học trò thoải mái đặt các biệt danh như bà T lùn, ông B ròm, ông X còi… Khi nghe những lời trên từ con gái là học sinh lớp 11 chuyện trò cùng bạn bè đến chơi nhà, bà Phạm Thủy Ba, 45 tuổi cư ngụ trên đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp đã phải chỉnh ngay: “Tôi nói với đám trẻ rằng nói xấu người vắng mặt là một điều không nên. Và nói xấu khiếm khuyết về thể lý của người khác lại càng là điều đáng trách. Không phải ai sinh ra cũng xinh đẹp, có những người không cao ráo hay tướng không chuẩn như hoa hậu không phải là lỗi của họ, nói xấu những điều đó là vô đạo đức”.

Nhiều phụ huynh vẫn giáo dục để con giữ được truyền thống xưa nay của Việt Nam về tình nghĩa thầy trò. Ông bà Trịnh Viết Thu, 45 tuổi có hai con đang học trường Nguyễn Thị Diệu (Q3) nhận định: “Cho dù xã hội có phát triển đến đâu, đạo đức có suy đồi thế nào, tôi cũng dạy con tôi biết kính trọng thầy cô giáo trước mặt và cả sau lưng. Bởi vì thầy cô như ba mẹ. Một khi đứa trẻ hỗn láo với thầy cô, xem thường thầy cô, một ngày nào đứa trẻ đó cũng sẽ cư xử tương tự với ba mẹ chúng. Nói rộng ra hơn, sau này vào đời, chúng sẽ không có sự tôn trọng với bất kỳ ai. Mà thói thường, muốn người khác tôn trọng mình thì trước tiên, mình phải tôn trọng người khác”.

NGUYỄN NGỌC HÀ

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm