Ðối với nhiều người, tuổi thơ được gần gũi bên ông bà luôn là những ngày tuyệt đẹp để sau này lắm khi mỏi gối chồn chân vì những loanh quanh của cuộc đời, dừng lại một chút, rà trong miền hồi ức, tìm thấy niềm ủi an và động lực mà bước tiếp.
Chiều nay, ngồi bên song cửa tôi chải tóc cho mẹ. Giờ đây, tóc mẹ bạc nhiều. Tôi thảng thốt (bởi mẹ chỉ vừa sang tuổi ngũ tuần). Một năm, tôi chỉ về thăm nhà đôi ba lần. Mỗi dịp như thế, tôi dành trọn thời gian quấn quýt bên mẹ như ngày còn bé, mẹ nhặt rau, tôi cũng phụ lặt vặt, rồi làm gà, làm vịt cũng kè kè thủ thỉ. Kể, cũng hơn sáu tháng tôi chưa về quê, đoạn đường từ Sài Gòn đến nhà chỉ mấy giờ đồng hồ chứ có chi xa xôi, vậy mà…!
![]() |
Ngồi bên mẹ, tôi hay hỏi chuyện của ngày xưa, nhất là thuở tôi còn nhỏ và thời son trẻ của mẹ. Mẹ bảo, hồi mẹ bằng tôi, tuổi trẻ, mẹ cũng hay chải đầu cho ngoại, nhặt từng sợi tóc bạc, tóc sâu. Còn bây giờ, đến lượt tôi chải tóc bạc, tóc sâu cho mẹ. Như một quy luật của cuộc sống, khi thế hệ này đi qua thì thế hệ sau nối tiếp, kiếp người với vòng tuần hoàn của sinh, lão… cứ chảy trôi.
Nhắc về ngoại, tôi không còn nhớ rõ từng chi tiết, chỉ có điều mỗi khi nhớ về hình ảnh bà, trong lòng cứ thổn thức. Có một chút hạnh phúc và một chút tự trách mình. Giá như ngày ấy, tôi có thể lớn khôn, suy nghĩ chín chắn hơn, đừng làm ngoại buồn.
Những năm cuối đời, tóc ngoại tôi cắt ngắn, hoa râm. Ðôi mắt bà gợn buồn. Một mình lặng lẽ trên giường bệnh, bà hay nhìn xa xăm chừng như nhớ mong về một quãng quá khứ hoặc nghĩ suy chuyện con cháu, đứa này còn khó nhọc, đứa nọ phải lo học hành... đại loại, tôi nghĩ thế. Hơn chục năm, ngoại liệt giường. Bệnh tật, rất ít khi tôi thấy ngoại cười hoặc có vui cũng chỉ chốc lát. Có ai đó đến thăm bất chợt, nếu không có người lớn ở nhà thì tôi là người phiên dịch. Giọng bà yếu, thều thào. Bởi tôi biết ngày tháng ở bên bà là hữu hạn nên vẫn luôn cố tận dụng mọi lúc để có thể kề cạnh. Dẫu thế, lắm lúc mải chơi với đám bạn vẫn không kịp chạy về dỗ ngoại khỏi những cơn ho dài, đau đớn. Có lần, một mình đỡ ngoại dậy, tôi vô ý không kiềm được để bà bật té, trán đập vào thành giường. Bà đau. Mếu. Rồi tôi cũng đau, cảm giác như quặn thắt trong lòng. Mấy năm sau, bệnh bà trở nặng. Trong một đêm cuối đông, bà mất. Quãng thời gian ở cùng bà quá ư ngắn ngủi so với cái sự dài hơi của đời người. Tôi làm phiền bà hơn là chăm sóc. Dạo ấy, tôi quá trẻ để có thể nhớ hết. Ký ức còn vương lại theo thời gian đến bây giờ ngổn ngang, dần khuất đi bởi những mảng hiện thực xô lấp.
Mẹ kể, hồi nhỏ tôi hay níu chân bà đi khắp nơi từ cái chợ huyện đến chốn xa xôi chỗ các dì, các cậu làm ăn. Trời sấm chớp thì sà vào lòng ngoại gọi trời gọi đất bằng cái giọng nghệu ngạo. Bà dạy tôi những câu kinh đầu đời, làm dấu Thánh giá. Mỗi chiều bà nắm tay tôi đi trên con đường làng gồ ghề, băng qua cây cầu khỉ sang sông, đến nhà thờ dự lễ. Hàng xóm khen còn nhỏ mà thuộc kinh râm ran. Từ những câu chào thưa, chữ cái i, a…vỡ lòng hay bảng cửu chương đến cung cách ăn uống, nói năng, tôi đều được ngoại uốn nắn. Lâu lâu, nhất là vào ngày Tết cổ truyền, dưới cái tiết trời se se lạnh, khi cả nhà cùng nhau chuẩn bị Tết, mẹ lại bảo nhớ ngoại. Ngày ấy, năm nào, ngoại cũng gói bánh. Ðêm giao thừa, con cháu xúm quanh nồi bánh, canh lửa, ca hát vui chơi.
Trò chuyện hồi lâu, dưới sàn nhà nơi mẹ tôi ngồi, những sợi tóc bạc rơi xuống, lấm tấm, đầy cả mấy viên gạch. Buông tay một chút, tôi trộm nghĩ, thời gian âm thầm mà tàn nhẫn vô cùng. Hướng nhìn lên di ảnh ngoại trên bàn thờ, từ phía sau, tôi choàng tay ôm mẹ: “Rồi có lúc, mẹ sẽ rời bỏ con giống bà ngoại bỏ mẹ để đi sang thế giới bên kia, nhưng con luôn thương mẹ và sẽ sống tốt vì mẹ như mẹ đang sống hạnh phúc bây giờ. Biết đâu, ngoại đang nhìn mình, mẹ nhỉ?”.
HÙNG LUÂN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.