Nói trỏng, nói trống không kiểu như “Đi đâu đó? Ăn cơm chưa? Mấy giờ rồi?...”, đó cũng là kiểu trò chuyện thường ngày trong một loại ngôn ngữ sinh hoạt xã hội thường nghe, khá nhiều ở miền Tây. Người ta vẫn nghe cách nói này trong gia đình, đường phố, chợ búa, thậm chí ở công sở… Có người thấy khó chịu, lại có người xem là bình thường.
Nói trỏng với câu không đầu không cuối, không tuân theo ngữ pháp nào, tức nói chung chung không nhắm vào đối tượng cụ thể nhưng nhiều khi vẫn được hồi đáp, tương tác ngôn ngữ cũng theo lối trỏng: đi chợ về; ăn rồi; tám giờ (để trả lời cho các câu hỏi đưa ra trên đầu bài). Song gì thì gì, lối nói trỏng khó được nhìn nhận như giao tiếp lịch sự, văn minh, bởi nếp giao tiếp được mong đợi phải qua ngôn ngữ chỉn chu, rõ ràng, tôn trọng đối tác: anh (chị) đi đâu vậy? Chú ơi cho hỏi thăm mấy giờ rồi? Thưa, cô dùng cơm chưa ạ?
![]() |
Có người biện minh rằng nói trỏng thể hiện giao tiếp thân mật, không màu mè khách sáo, rặt phong cách thô mộc của dân miền Tây. Thực ra, dân miền Tây rặt ngoài lối nói trỏng, còn có cách giao tiếp ngôn ngữ mộc mạc dễ thương hơn nhiều: “Út ơi, cho chú hỏi tía con ra đồng chưa?”, “Anh Hai ơi, làm ơn cho em hỏi mấy giờ rồi?...”. Nói trỏng cùng lối nói suồng sã “Ê mậy, mấy giờ rồi?”, “Thằng kia, đi đâu?”… hợp thành một “phong cách ngôn ngữ” gây ngộ nhận về bản sắc dân miền Tây, đương nhiên, những cách ấy khiến người nghe không thiện cảm về một vùng quê. Thực ra, giao tiếp thân mật vẫn có những câu dễ nghe hơn khi người nói dùng đại từ nhân xưng: “Con lấy cho chú mượn cái hộp quẹt!”, “Chú em đi đâu thế?”… Giao tiếp ngôn ngữ đàng hoàng, chuẩn mực, có thông tin lẫn tình cảm không có gì là khách sáo, màu mè, lối giao tiếp ấy khiến đối tác cảm thấy được tôn trọng và tôn trọng người phát ngôn, hiệu quả giao tiếp tốt hơn rất nhiều nếu so với cách nói trỏng.
Hội nhập, kinh tế thị trường, cung cách làm ăn cẩu thả thiếu chuyên nghiệp dễ bị đào thải, trong đó phải xét đến tác phong, giao tiếp ngôn ngữ. Để bán được hàng, nhân viên thương mại mướt mồ hôi chào mời tư vấn, giao tiếp trên cả tuyệt vời còn không ăn thua, kể gì lối nói trỏng: “Mua gì không? Mấy gói?...”. Ở các siêu thị, tập đoàn phân phối lớn, những nơi mà nhân viên được huấn luyện hẳn hoi về ngôn ngữ với khách hàng để có sự giao tiếp chuyên nghiệp, lối nói trỏng nếu có sẽ bị loại ngay từ vòng phỏng vấn tuyển dụng.
Phong cách lịch sự trong giao tiếp không bao gồm nói trỏng. Trong gia đình và trường học, con trẻ vẫn được người lớn uốn nắn ngay khi các bé “nói trỏng”. Nhiều bậc phụ và thầy cô thừa nhận vẫn nắn chỉnh trẻ con về lối nói chuyện này, để các trẻ hình thành một thói quen lịch sự trong giao tiếp từ nhỏ.
Nguyễn Thành Công
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.