Từ cú tát bằng đuôi của một con cá hồi vào mặt một con gấu đến hành động phớt lờ điệu đà của một con chim cánh cụt, Giải thưởng Sự Hài hước của Ðời sống Hoang dã đã lựa chọn ra những bức ảnh đắt giá nhất năm 2022.
Mỗi năm, Giải thưởng Sự Hài hước của Đời sống Hoang dã có truyền thống vinh danh những nhiếp ảnh gia ghi nhận các hình ảnh độc nhất và “cười ra nước mắt” của những cư dân nơi hoang dã. Mục tiêu của giải thưởng là lan truyền nụ cười, tôn vinh động vật hoang dã trong khi thúc đẩy nỗ lực bảo tồn trên toàn thế giới. Và năm 2022 cũng không ngoại lệ. Bên cạnh những người thắng giải, ban tổ chức cũng đặc biệt hoan nghênh không ít các tác phẩm ghi lại những khoảnh khắc “khó đỡ” của tự nhiên.
![]() |
Phản xạ chẳng quá giống họ mèo |
Cú sảy chân không thể tin được của họ mèo
Ban tổ chức cho hay đã nhận được khoảng 5.000 bức ảnh dự thi đến từ hơn 85 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số này, đoạt giải nhất là tác phẩm tựa đề “Phản xạ chẳng quá giống họ mèo”, do nhiếp ảnh gia người Mỹ Jennifer Hadley thực hiện. Bức ảnh chụp thời điểm một sư tử con có cú va chạm đến choáng váng với một thân cây. Tuy nhiên, đừng vội lo lắng, con thú nhỏ chẳng hề hấn gì.
Bà Hadley giải thích: “Chú sư tử con mới 3 tháng và anh em của nó đang ở trên cây (thuộc khu sinh thái Serengeti của Tanzania). Những con sư tử cái đang ở một thân cây khác và trên mặt đất. Chú sư tử muốn đi xuống đất và rảo khắp mọi thân cây để tìm đúng vị trí trước khi đặt chân xuống. Có lẽ đây là lần đầu tiên con vật leo cây, thế nên cú tiếp đất của nó không được hoàn hảo, hay nói đúng hơn là trong tư thế té lộn cổ xuống đất. Dù vậy chú sư tử vẫn ổn sau cú ngã trời giáng. Nó bật dậy vào thời điểm rơi xuống đất và chạy đi với những sư tử con khác”.
Với giải thưởng chung cuộc, nữ nhiếp ảnh gia nhận một chiếc cúp được làm thủ công, một túi đựng máy ảnh và chuyến tham quan khu bảo tồn Alex Walker’s Serian ở Masai Mara (Kenya). Bà Hadley cũng được trao giải do số đông bình chọn với bức ảnh “Talk To The Fin!” (tạm dịch: “Cứ nói với cái vây của tôi này”). Trong ảnh, một con chim cánh cụt dường như có động tác vung cánh phớt lờ bạn tình trên bãi biển thuộc quần đảo Falkland ở Nam Mỹ.
![]() |
Giải sinh vật biết bay |
Những hạng mục khác
Ban tổ chức cũng trao giải cho những hạng mục khác. Đầu tiên là giải sinh vật biết bay thuộc về nhiếp ảnh gia Jean Jacques Alcalay (người Pháp), chụp thời khắc một con diệc chễm chệ đậu trên lưng một con hà mã ở công viên quốc gia Kruger của Nam Phi. Một con hà mã thứ hai ở gần con diệc và há to miệng như thể nó đang ngáp.
Nhiếp ảnh gia Arturo Telle Thiemann của Tây Ban Nha đoạt giải sinh vật dưới nước khi chụp cận cảnh hai con cá ở vùng biển Đại Tây Dương xung quanh đảo Faial của Bồ Đào Nha. “Dù trông có vẻ hài hước, loài cá này khá dữ tợn”, ông Thiemann viết khi nộp ảnh. “Trong trường hợp này chúng không cố gắng tấn công tôi, nhưng vỏ ngoài máy ảnh của tôi bị trầy xước”, ông cho biết. Về phần mình, nhiếp ảnh gia Jia Chen (Canada) thắng giải thưởng trên mạng internet với bức ảnh chụp một con diều hâu trong tư thế tung hứng quả thông như một cầu thủ bóng đá thực thụ.
![]() |
Giải sinh vật dưới nước |
Cậu bé Arshdeep Singh (Ấn Độ) đoạt giải dành cho lứa tuổi dưới 16 với bức ảnh chụp cảnh một con cú đốm “đá lông nheo” bên trong một cái ống ở Bikaner thuộc quốc gia Nam Á. Chia sẻ với ban tổ chức, Singh chia sẻ đã chụp được bức ảnh trên trong ngày cuối cùng đến Bikaner. “Quả thật vô cùng hài hước khi con cú chui ra khỏi ống và nhìn thẳng về hướng tôi, trước khi nhắm lại một mắt như thể nháy mắt”, Singh mô tả khi nộp tác phẩm.
Bên cạnh các giải chính, 10 nhiếp ảnh gia khác được trao giải khuyến khích, bao gồm Michael Eastwell, Miroslave Srb, Federica Vinci, Jagdeep Rajput, Emmanuel Do Linh San, Ryan Sims, Alex Pansier, Mark Schoken, John Chaney và Martin Grace.
![]() |
Giải thưởng trên mạng internet |
![]() |
Giải dành cho lứa tuổi dưới 16 |
![]() |
Cứ nói với cái vây của tôi này |
BẠCH LINH
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.