Trong thời buổi người thất nghiệp nhan nhản mà chồng em cứ đòi kiếm việc có chức vụ trong công ty, bét nhất là trưởng phòng. Chỗ được giới thiệu thì anh ấy chê lương thấp không đủ tiêu. Có công ty gọi đi làm thì anh chê chỗ làm xa, rồi chỗ này chỗ kia “lương ba cọc ba đồng làm làm gì”. Sau nhiều lần xin việc không thành, anh ở nhà hẳn, đóng cửa, bật máy điều hòa chơi game và không hề nhúng tay vào việc nhà.
Cả nhà bức bối lúc nào cũng chỉ chực bùng nổ!
(M.L - Nhơn Trạch, Đồng Nai)
![]() |
Bạn mến,
Từ “thất nghiệp” được hiểu là không có thu nhập ổn định, là không được làm đúng nghề, là không làm ở cơ quan tổ chức nào, là làm công việc không ổn định, thường xuyên ở nhà, không kiếm ra tiền đủ chi tiêu cho bản thân và đóng góp cho gia đình... Nhưng có người “thất nghiệp” là do năng động, dám thử hết việc nọ đến việc kia mà không sợ thời gian “nhảy việc” sẽ bị thất thu, lỗ vốn. Người xưa bảo “1 nghề cho chín còn hơn 9 nghề” nhưng có nhiều khả năng vẫn hơn chứ.
Một số mất việc không phải do kinh tế khó khăn, bị cắt giảm nhân sự mà chán chỗ làm cũ nên bỏ; hoặc không có chí tiến thủ, làm ở đâu được một thời gian ngắn là muốn bỏ để đi tìm “việc nhàn lương cao”. Có người đang làm ổn định ở một công ty xin thôi việc về mở cửa hàng với lý luận: “Cả đời chỉ đi làm thuê, là thằng nhân viên quèn chẳng thà ra kinh doanh tự mình làm chủ mới mong làm giàu”...
Thất nghiệp đồng nghĩa với giảm thu nhập và nhiều hệ lụy khác. Đầu tiên là tài chính, tiếp theo là tâm lý. Chán nản vì mất vị thế trong gia đình, bạn bè, họ hàng, cộng đồng. Cảm thấy mình mất giá trị, vô dụng, từ đó thay đổi tính nết, rất dễ tự ái và cáu giận, có người cắt giảm hoặc bỏ luôn cả “chuyện ấy” với vợ. Trụ cột gia đình có khi trở nên vô hình hoặc bị coi là cây cột mục.
Người thất nghiệp đã bức bối, cả nhà cũng bức bối theo, chỉ cần một mồi lửa là kho thuốc súng sẽ bùng nổ. Người ta cứ nói “đen bạc đỏ tình” nhưng trên thực tế nhiều lúc đen bạc (bạc ở đây là tiền bạc chứ chưa hẳn là cờ bạc) thì đen… các loại tình luôn! Người chồng thành đạt đi chợ nấu cơm được tung hô là “soái ca” là “người chồng của năm”, người chồng thất nghiệp cũng làm thế thậm chí làm tốt hơn thì bị dè bỉu “làm trai rửa bát quét nhà”, “ông quản gia”. Có ông chồng cố gắng làm việc nhà để vợ có thời gian nghỉ ngơi mà vợ vẫn không hài lòng, nói vị trí của chồng không phải đứng bếp hay đón con mà phải đi làm kiếm tiền nuôi vợ con, lắm khi còn bị chì chiết “chỉ biết ở nhà ngửa tay xin tiền”, “sao anh không kiếm việc gì làm đi” rồi so sánh với người nọ người kia…
Nặng nhất và phổ biến nhất là coi thường người chồng đã ngã ngựa. Vũ khí sát thương mạnh nhất là lời nói. Hành động hiệu quả nhất là “cắt viện trợ”.
Khi bạn đời lâm vào cảnh thất nghiệp, người vợ đang gánh trách nhiệm chèo chống nên nghĩ đây là lúc anh ấy cần mình nhất:
lKhông trực tiếp nói về tình trạng thất nghiệp của chồng và vấn đề tiền nong mà tìm ra nhiều việc nhờ chồng làm càng tốt tránh “nhàn cư vi bất thiện” miễn đừng tỏ ra “sai vặt” là được.
lCông khai cho chồng biết chi tiêu trong gia đình bằng cách ghi ra số tiền nhà đang có và phải chi hằng tháng.
lĐộng viên và tích cực tìm việc mới cho chồng. Tham gia vào việc tìm tòi, đánh giá hướng đi mà chồng định mở.
lQuan tâm đến người bạn đời nhiều hơn, thông cảm những lúc họ cáu gắt, thỉnh thoảng rủ nhau đi chơi, làm chai bia cho giải nhiệt. Khi “chiến sự bùng nổ”, hãy bình tĩnh, giảm la hét, không chỉ trỏ vào mặt nhau, không lôi chuyện cũ ra cộng dồn, chỉ thu hẹp vào giải quyết mâu thuẫn đó thôi.
Thất nghiệp chỉ là biến cố nhưng nếu không khéo chèo chống, con thuyền gia đình sẽ vỡ. Bản thân người bị mất việc cần cố gắng làm việc gì đó chứ không thể “cành cao” mãi. Công việc trong mơ thì khó chứ để có thu nhập nuôi mình và hỗ trợ thêm cho người kia thì chỉ cần siêng năng là có. Có việc làm, dù chỉ là việc làm tạm không hợp với chuyên môn, mức lương thấp và làm theo ca như kiểu các em sinh viên đi làm thêm thôi thì cũng mừng, bạn ạ.
THS-BS LAN HẢI
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.