Trẻ con luôn vô cùng tò mò với thế giới bên ngoài, và học hỏi kinh nghiệm thông qua các trải nghiệm thực tế, nên cha mẹ có thể dễ dàng khơi gợi lòng đam mê khoa học ở trẻ.
Một người mẹ dẫn cậu bé mới 7 tuổi đi bộ trong công viên gần nhà ở Q7 vào đêm giữa tháng 11. Chợt cậu bé ngẩng mặt và trỏ ngón tay về phía bầu trời đêm trước khi thốt lên bằng giọng phấn khích: “Mẹ xem kìa, ông trăng trên kia còn to hơn lúc trăng rằm trung thu vừa rồi nữa”. Người mẹ gật đầu cười xác nhận sự quan sát của đứa con, và nhân dịp này giảng giải cho cậu bé biết rằng mặt trăng mà cậu đang chứng kiến phải mất gần 70 năm mới tượng hình, được gọi bằng mỹ danh “siêu trăng của cả đời người”. Để diễn giải cho cậu bé hiểu rõ hơn, người mẹ mô tả mô hình mặt trời - trái đất - mặt trăng trên một đường thẳng, với mặt trời và mặt trăng ở hai đầu đối nghịch nhau, đánh dấu thời điểm trăng tròn, hay dân gian gọi là trăng rằm trong tháng. Khi mặt trăng ở cận điểm, tức điểm gần nhất trên quỹ đạo quanh địa cầu, nó có tên là siêu trăng. Để dễ hiểu hơn, có thể sử dụng hình ảnh động trên các website tin tức để diễn giải toàn bộ quá trình này. Lần tới siêu trăng như vậy xuất hiện là vào ngày 25.11.2034.
![]() |
Siêu trăng đêm 14.11.2016 phải gần 69 năm mới ở khoảng cách 356.508 km so với trái đất. Tất nhiên, người mẹ không vội nói cho đứa trẻ, vì bé sẽ chẳng hiểu được khoảng cách như thế là xa hoặc gần bao nhiêu. Câu chuyện cậu bé phát hiện ông trăng lớn hơn bình thường, và sự giải thích kèm minh họa của người mẹ chính là một ví dụ về dạy khoa học cho trẻ nhỏ. Khác với quan niệm của nhiều người, thật ra khoa học chẳng có gì phức tạp và phải cần đến đầu óc cao siêu để phân tích. Nói một cách đơn giản, khoa học chính là sự quan sát thế giới. Dùng mắt nhìn, vểnh tai lắng nghe và ghi nhận, bất cứ những thắc mắc về mọi hoạt động của thế giới và cách chúng thể hiện. Do vậy, ai cũng có thể làm được nếu muốn, và nếu áp dụng vào trường hợp con trẻ, việc khơi gợi lòng yêu khoa học sẽ giúp đứa trẻ lớn lên một cách hiểu biết, luyện được óc quan sát, phán đoán theo thời gian, mở rộng tầm nhìn, và trên hết sẽ học được cách đối xử công bằng và tử tế với thế giới xung quanh.
Một báo cáo đăng trên chuyên san Science Magazine phát hiện cách học hỏi và tư duy của trẻ con có sự tương đồng một cách đặc biệt đối với tư duy khoa học. Và tạp chí Asian Scientist Magazine đã tiết lộ 5 phương pháp vui nhộn và thú vị để dẫn dắt trẻ con đến con đường yêu khoa học thông qua thực nghiệm và khám phá.
Phá tan nỗi sợ hãi
Trước khi bắt đầu các hoạt động khoa học, điều đầu tiên là phải phá bỏ những nỗi sợ hãi về khoa học. Không chỉ dừng lại ở các dữ liệu, con số đầy nhàm chán, con trẻ có thể chơi đùa với những chất hóa học đầy màu sắc, các vật thể bay và đủ loại thí nghiệm kỳ quặc nhất mà chúng có thể nghĩ ra. Các bậc phụ huynh có thể hỗ trợ bằng cách giới thiệu phim ảnh về đề tài khoa học cho trẻ mẫu giáo và bậc tiểu học, như chính phủ Úc và Hàn lâm viện khoa học Úc đã tài trợ soạn thảo. Với thế giới kỹ thuật số ngày nay, những tài liệu về khoa học thú vị dành cho trẻ em có thể được tìm thấy rất dễ dàng trên mạng internet, qua công cụ tìm kiếm Google hoặc trên website chuyên về chia sẻ phim Youtube.
![]() |
Thí nghiệm với thức ăn
Trẻ con thường thích ăn những món không mấy tốt cho sức khỏe như xúc xích, gà rán, khoai tây chiên. Có thể khơi gợi sự hứng thú về khoa học cho trẻ bằng cách làm thí nghiệm với thức ăn, chẳng hạn như dùng kẹo sắp hình vòng tròn trên đĩa trắng, với nhiều màu xen kẽ nhau, và cuối cùng đổ nước vào để tạo ra vòng tròn cầu vồng.
Thí nghiệm tại nhà
Có vô vàn cuộc thí nghiệm thực hiện được một cách an toàn trong ngôi nhà của bạn. Trẻ con sẽ cho rằng khoa học không hề quá phức tạp nếu chúng sử dụng các nguyên liệu hoặc vật dụng đơn giản trong nhà. Ví dụ, dùng kính lúp quan sát vân lá, cánh bướm, hoặc lấy xà bông/bột giặt để đẩy tàu đồ chơi... Trong mọi quá trình, cha mẹ và thầy cô cần cố vấn cho trẻ, theo giáo sư Harold Kroto, người đoạt giải Nobel Hóa học. Để khơi nguồn đam mê khoa học cho con, cha mẹ phải là người có trách nhiệm lớn nhất. Vậy nên hãy dành thời gian để “chơi mà học” với con của bạn.
![]() |
Game máy tính, chương trình truyền hình
Trẻ con tất nhiên thích chơi game và có thể ngồi hàng giờ trước màn hình theo dõi đề tài mà chúng thích. Có thể tận dụng điều này để dẫn dắt trẻ vào thế giới khoa học, hiểu được những đề tài khác nhau, các kỹ năng xử lý khoa học, cũng như bản chất của khoa học là gì thông qua các chương trình khoa học trên truyền hình, hoặc những game có tính giáo dục.
Khám phá bên ngoài
Những chuyến đi giúp mở rộng kiến thức nhiều khi còn có tác dụng hơn cả ngàn thí nghiệm ở nhà. Phụ huynh có thể sắp xếp cho con trẻ thăm vườn thực vật, sở thú hoặc thậm chí tham gia triển lãm ở trung tâm khoa học. Kết quả báo cáo của Sở giáo dục California (Mỹ) vào năm 2005 phát hiện những học sinh tham gia các chương trình khoa học ngoài trời cải thiện được điểm số đến 27%.
BẠCH LINH
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.