Thứ Tư, 04 Tháng Giêng, 2023 18:04

Không lãng phí những khoảng xanh đô thị

 

Hà Nội vừa quyết định phá hàng rào công viên Thống Nhất phía cổng nhìn ra hồ Thiền Quang để kết nối với phố đi bộ Trần Nhân Tông thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng. Tiếp đó, từ ngày 1.1.2023, công viên Thống Nhất cũng ngừng bán vé cho khách. Mọi người có thể tham gia vào không gian xanh hiếm hoi giữa lòng đô thị này một cách thoải mái.

Đô thị xanh: Làm gì để đạt mục tiêu “xanh”? - Tạp chí Kiến Trúc

 

Quyết định trên của chính quyền Thủ đô là một chuyển đổi tư duy trong cách nhìn về chức năng và vai trò của công viên trong lòng đô thị. Phải thừa nhận rằng, với những khoảng xanh quý hiếm ở nơi đất chật người đông đó, nhiều năm qua, việc khai thác vẫn chưa hiệu quả. Công viên thì rộng nhưng dường như chỉ là nơi cho cư dân lân cận tập thể dục. Các du khách hay người nơi khác cũng ít khi vào công viên. Do đó mà nhiều công viên rộng, mát mẻ nhưng trống trải, vắng người. Một số công viên đã hình thành và đưa vào sử dụng nhưng không có sự chăm chút đầu tư dẫn đến bỏ hoang. Có những khu đất trước đây đã quy hoạch thành công viên nhưng không được đầu tư xây dựng nay đã mọc kín những khu nhà tạm lụp xụp. Có nơi bị lợi dụng làm kinh doanh dịch vụ tạm thời hoặc làm bãi đậu xe. Có thể nói, không ít khu “đất vàng”, với không gian xanh mát ở đô thị bị lãng phí vô cùng. Bởi vậy, việc Hà Nội quyết định kết nối công viên Thống Nhất với không gian mở của phố đi bộ có thể hướng tới một tương lai tốt hơn cho việc khai thác công viên. Tới đây, mọi người đều dễ dàng thụ hưởng những khoảng xanh quý hiếm trong lòng đô thị.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần phải quản lý và khai thác công viên sao cho có hiệu quả và đúng với nhu cầu thực sự của người dân. Trong một đô thị đông người, mật độ dân cao, việc mở ra không gian xanh cho mọi người cũng đòi hỏi một cách thức quản lý vừa đáp ứng nhu cầu người dân vừa đảm bảo nguyên trạng các khoảng xanh đô thị. Chẳng hạn khi không gian công cộng mở ra, những vấn đề phải tính đến như: Bãi đỗ xe, cảnh quan, những dịch vụ được phép khai thác, vấn đề rác thải, hệ thống nhà vệ sinh… Nói chung, rất nhiều vấn đề về mặt quản lý phải được đồng bộ hóa để vừa đem lại sự tươi mát của cây xanh và không khí cho mọi người nhưng vẫn có thể giữ cảnh quan và gia tăng các giá trị kinh tế từ việc khai thác.

Nhìn rộng ra, câu chuyện công viên không chỉ có ở Hà Nội, mà còn là vấn đề của nhiều đô thị lớn khác. Khi những mảng xanh đang ngày càng mất dần và thay thế bằng bê tông, cao ốc và hiệu ứng nhà kính, con người lại càng khát khao sự thanh khiết của tự nhiên. Câu chuyện công viên không chỉ là vấn đề quản lý và khai thác tài nguyên, những gợi mở điều lớn hơn mà cư dân đô thị quan tâm, đó là không gian sống của chúng ta đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự ô nhiễm và quá trình đô thị hóa quá nhanh, và thiếu tầm nhìn quy hoạch.

 

Ngô Quốc Ðông

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm