Trong Thông điệp Thân mẫu cao cả của Thiên Chúa, Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII khẳng định: “Nơi mọi gia đình, mọi quốc gia, nếu kinh Mân Côi của Ðức Maria vẫn còn được tôn kính, người ta không còn phải lo lắng về việc mất đức tin do thờ ơ và lầm lỗi”. Lòng sùng kính kinh Mân Côi cũng đơn giản và trang trọng như là chính đức tin vậy.1 Kinh Mân Côi dạy ta về nội dung đức tin.
Hơn nữa, ta có thể mạnh dạn quả quyết rằng, không một người Công giáo đạo đức nào lại không cảm nghiệm được sức mạnh của kinh Mân Côi. Bởi vì: “Trong khi lần chuỗi, không phải chúng ta lặp lại lời kinh chỉ vì lợi ích của chính lời kinh, mà vì lời kinh như là phương thế để đạt tới tình trạng suy gẫm về một Thiên Chúa sống động, hay một vài khía cạnh nào đó về Thiên Chúa… hoặc điều gì đó liên quan đến Thiên Chúa”2. Nhìn dưới lăng kính của một nhà truyền giáo, ta thấy rằng: việc phổ biến các mầu nhiệm kinh Mân Côi đó là việc loan báo Tin Mừng một cách dễ dàng, gần gũi và hữu hiệu.
Về việc đọc kinh Mân Côi, Ðức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã mời gọi:
Trước tiên, hãy hướng lòng tưởng tượng và tâm trí về một giai đoạn hay thời điểm đặc biệt trong cuộc đời Ðức Kitô. Việc chiêm ngắm các mầu nhiệm trong Kinh Mân Côi, phác họa nên các yếu tố cơ bản trong cuộc đời Ðức Kitô, thì nhờ các mầu nhiệm ấy, tâm trí cũng dễ dàng nắm bắt phần còn lại của Tin Mừng, nhất là khi kinh Mân Côi được cầu nguyện trong khung cảnh của một cuộc suy niệm kéo dài.
Có thể khó để nói với một người bình dân về sứ điệp nơi những trang Tin Mừng, nhưng dễ để trình bày một lời kinh bình dân kèm theo một câu chuyện ngang qua một mầu nhiệm. Khi đọc lên một mầu nhiệm, chúng ta xác tín rằng đó là Lời Thiên Chúa, được công bố trong ngày hôm nay, cho tôi và cho bạn ngay lúc này.
Khởi đầu trong mỗi mầu nhiệm, Ðức Giêsu luôn luôn dẫn dắt chúng ta đến với Chúa Cha, vì Người ở nơi cung lòng Chúa Cha,3 Người không ngừng hướng về Chúa Cha. Người mong muốn chúng ta chia sẻ đời sống thân mật của Người với Chúa Cha. Vì thế, kinh Lạy Cha trong chuỗi Mân Côi phải được giải thích và trình bày về Thiên Chúa Cha, phải nói về mạc khải của Chúa Giêsu cho mọi người về Ngôi Cha và tâm tình con thảo của chúng ta.
Tiếp đến là mười kinh Kính Mừng, nếu suy niệm để thấu hiểu kinh Kính Mừng cách đúng đắn, chúng ta sẽ thấu hiểu chiều kích thánh mẫu học của lời kinh. Phần đầu kinh Kính Mừng, được trích lại từ lời sứ thần Gabriel và thánh nữ Êlisabét nói với Ðức Maria. Ðây là phần khởi đầu cho việc loan báo Tin Mừng Cứu độ. Việc lặp đi lặp lại kinh Kính Mừng cho chúng ta chia sẻ sự hân hoan, khâm phục và tri ân vì phép lạ vĩ đại nhất của lịch sử. Con người được cưu mang Con Thiên Chúa.
Vinh tụng ca Ba Ngôi là mục tiêu của mọi chiêm ngưỡng Kitô giáo. Bởi vì Ðức Kitô là con đường dẫn chúng ta đến Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Ðó là lý do tại sao ở cuối mỗi mầu nhiệm kinh Mân Côi lại có kinh Sáng Danh. Vì thế không được kết thúc một cách chiếu lệ qua loa, mà phải kết thúc trang trọng để làm nổi bật kinhSáng Danh, cao điểm của chiêm ngưỡng, trong kinh Mân Côi. Không chỉ có thế, qua mầu nhiệm kinh Mân Côi những tâm hồn “thực tâm tìm kiếm Thiên Chúa” sẽ đạt được một khát vọng sâu xa là được kết hợp mật thiết trong tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Ðó chính là niềm vui viên mãn và là hạnh phúc vĩnh cửu mà Chúa Giêsu vẫn hằng mong muốn cho chúng ta được hưởng. Vì như lời thánh Bênađô khẳng định: “Phần thưởng dành cho những ai yêu mến Thiên Chúa là chính Thiên Chúa”. Ôi vinh dự biết là dường nào! Dù chẳng xứng đáng nhưng chúng con vẫn được phúc chúc tụng, ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa.
Nếu như lời kinh Mân Côi được coi như là bản tóm lược Tin Mừng, thì chúng ta sẽ thấy lời nhắc nhở của thánh Phaolô là quan trọng: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!”4 Ước chi, lời kinh Mân Côi không chỉ là bí quyết đem lại hạnh phúc cho mỗi gia đình mà còn là một sứ điệp mang Tin Mừng cho nhân loại.
Giờ đây chúng ta cùng vui sướng lên đường loan báo Tin Mừng qua chuỗi ngọc Mân Côi.
Nt. Maria Thérèse MINH THÙY, dòng Ðaminh Rosa Lima
_________________________________________________
1. Thông điệp “Thân Mẫu cao cả của Thiên Chúa” (Magnae Dei Matris) năm 1892 của Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII.
2. Terril D. Littrell.
3. Ga 1,18.
4. 1Cr 9,16
Bình luận