Mời đám cưới cũng có nhiều chuyện để nói. Có người mừng khi nhận thiệp, có người âu lo và cũng không thiếu những người ái ngại vì chưa đủ độ thân tình với bên mời...
Từ khoảng 10 năm lại đây, số nhà hàng tiệc cưới được mở ra rất nhiều, và để bắt kịp với xu thế thời đại, các khán phòng (sảnh) tổ chức tiệc cưới ở nhà hàng cũng lớn hơn. Nhà hàng nào có sức chứa 500-700 khách thường được đặt nhiều, những nhà hàng vài ba trăm chỗ trước đây, giờ bị xem là lỗi thời.
Còn nhớ trên 30 năm trước, gia đình tôi chỉ trong 2 năm có đến 3 đám cưới vì các anh chị đều đến tuổi lập gia đình. Lúc đó kinh tế khó khăn và mang tính tự cung tự cấp: heo, gà phục vụ đãi tiệc do nhà tự nuôi trước đó cả năm. Tiệc cưới cũng chỉ mời khoảng dưới 100 khách là bà con ruột thịt, xóm giềng gần gũi và bạn hữu thân thiết. Ðám được tổ chức tại nhà nên rất ấm cúng, trước đó, bà con hàng xóm tranh thủ ghé qua hỏi thăm công việc chuẩn bị, một số người còn nhiệt tình tới giúp đỡ nấu nướng, trang trí nhà cửa rất vui. Lúc đó, ai muốn làm đám cưới lớn cũng chẳng được vì đa số tổ chức tại nhà nên mặt bằng chật hẹp và việc tổ chức cũng phải làm đơn báo chính quyền địa phương, trong đơn còn ghi cả số lượng heo, gà để phục vụ tiệc cưới… và chính quyền, đoàn thể thường cũng vận động tổ chức sao thật gọn nhẹ.
![]() |
Ðám cưới thời nay rất khác so với trước, nhất là về độ hoành tráng. Những gia đình khá giả có nhiều mối quan hệ mời 500 - 800 khách, nhà bình thường mời vài trăm khách cũng không có gì lạ. Thậm chí, nhiều người thích mời càng nhiều để lấy độ hoành tráng, vấn đề tài chính cũng không phải lo nghĩ, chỉ cần đặt cọc cho nhà hàng một số tiền, còn lại sau tiệc mới thanh toán nên miễn khách đi dự tương đối là ổn về chi phí.
Trong nhiều tiệc cưới, tôi từng nghe một số thực khách nói chuyện với nhau rằng “Tháng này mình dính tới 5 đám…” hay “Tối nay còn dính đám nữa…!”. Nghe từ “dính” là biết họ không hứng khởi gì với việc phải nhận quá nhiều thiệp cưới mà sâu xa là gánh nặng về tài chính khi phải thắt lưng buộc bụng nhiều khoản khác để dành tiền đi dự tiệc. Tất nhiên, không phải đa số khách đi dự đám cưới đều là những người đi với tinh thần miễn cưỡng, với những người ruột thịt hay bạn bè thân thiết thì họ đến với đám tiệc trong tinh thần rất hoan hỷ, như thực sự là người được dự phần vào cuộc vui này…
Ðể những đám cưới thật ý nghĩa, thân tình, có lẽ không nên mời quá nhiều thực khách vì quá đông thì rất lộn xộn, bầu khí gặp gỡ cũng nhạt đi. Vì quá đông người nên gia chủ nhiều khi chào hỏi, cảm ơn khách cũng mang tính qua loa cho xong, không thể hiện hết sự quan tâm. Gia đình người anh của tôi có 2 cô con gái đám cưới trong hai năm liên tiếp. Con gái đi học, đi làm nên cũng có những mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp khá nhiều; bố mẹ vốn là công chức lâu năm và cũng tham gia xã hội nhiều nên khá đông mối quan hệ nhưng anh chị tôi vẫn ưu tiên khách mời của con gái là nhân vật trung tâm của đám tiệc và cũng không quên nhắc con không nên mời quá tràn lan khiến người được mời không thoải mái. Riêng khách của bố mẹ, ngoài bà con nội ngoại, hàng xóm gần gũi và những người bạn rất thân là không thể thiếu, còn những mối quan hệ xa hơn thì anh chị tôi chia ra đều cho 2 đám trong 2 năm nên số lượng khách của mỗi đám cũng chỉ trên 300 người và họ đến dự kín bàn tiệc trong bầu khí ấm cúng.
Thỉnh thoảng vẫn nghe những cuộc vận động từ chính quyền hay các đoàn thể địa phương về văn minh trong việc ma chay cưới hỏi mà chủ yếu là làm sao đơn giản, gọn nhẹ hơn nhưng trên thực tế, đám cưới lúc này càng ngày càng phình to về quy mô, thậm chí những người có địa vị cũng muốn tổ chức lớn hơn người bình thường...
QUỐC DŨNG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.