Thứ Tư, 01 Tháng Sáu, 2022 16:12

Làm sao lưu giữ kinh xưa?

 

Có thể tạm gọi “kinh xưa” là kinh ngày nay ít dùng trong sinh hoạt đạo đức ở các giáo xứ hoặc gia đình. Tuy vậy, những lời kinh hay, giàu ý nghĩa thiết nghĩ rất cần được lưu truyền để thế hệ trẻ được biết và thực hành.

 

GIẢNG GIẢI Ý NGHĨA LỜI KINH

Tu sĩ GB Nguyễn Minh Tân (Dòng Anh Em Hèn Mọn Viện Tu): Có nhiều cách để phổ biến kinh kệ cho con trẻ. Giáo xứ, trong giờ học giáo lý có thể cho các em đọc kinh để thuộc. Ngoài ra còn có những hình thức sinh hoạt như thi kinh, khảo kinh… Nơi các gia đình, việc đọc kinh trong các buổi tối quan trọng vì sẽ giúp hun đúc đức tin và hình thành thói quen tốt cho con cái. Cần lưu giữ các kinh xưa, nhưng trước hết cũng cần cắt nghĩa lời kinh cho lớp trẻ. Vì, có thể từ ngữ cổ, các bạn khó hiểu, khả năng ngôn ngữ đến mức tự thông hiểu, hoặc có khi cắt nghĩa để hiểu sâu hơn, tránh hiểu sai lệch. Ở nhiều giáo xứ, bà con giáo dân tổ chức đọc kinh liên gia, rước kiệu đọc kinh vào tháng Thánh Giuse hay tháng Đức Mẹ cũng là cách hay. Các cộng đoàn cần lưu giữ những lời kinh của cha ông để lại vì các câu kinh ấy có ý nghĩa không chỉ là lời cầu nguyện đơn thuần. Qua lời văn còn thấy nét văn hóa đặc sắc.

 

LỜI KINH VỚI LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA

Anh Nguyễn Mạnh Phong (Tâp sinh Dòng Chúa Cứu Thế): Kinh văn liên quan đến ký ức đức tin của một người, có những kiểu ngôn ngữ và tư duy vốn ăn sâu vào đời sống đạo, khó có thể thay đổi. Chính vì thế, chúng ta cần nên bảo quản và làm rõ các từ ngữ của những kinh truyền thống để thế hệ trẻ có thể biết và hiểu. Đôi khi những kinh truyền thống đó lại gắn liền với tuổi thơ sống đạo, một kỷ niệm, một nét văn hóa nào đó của gia đình, xóm đạo. Tôi cho rằng, những người am hiểu và có thẩm quyền ở giáo xứ cần giải thích rõ ý nghĩa của lời kinh và giáo quyền có thể thay đổi một số chỗ nếu thấy không phù hợp, chứ không nên thay thế hoặc loại bỏ hoàn toàn những kinh cổ xưa. Chí ít, lời kinh ấy gắn liền một thời kỳ lịch sử và một cộng đoàn đức tin nhất định. Hồi trước, xóm giáo của tôi tổ chức đọc kinh vào tháng 5 hoặc tháng 10, kiệu ảnh Đức Mẹ đến từng gia đình và mọi người quy tụ cùng nhau đọc kinh rất vui. Tôi còn được ông bà dạy cách đọc kinh, đặc biệt là kinh ban mai, ban trưa, ban đêm để thánh hóa giờ giấc trong ngày.

 

THI KINH

Chị Nguyễn Thị Hồng Phúc (Giáo xứ Hòn Đất, giáo phận Long Xuyên): Có nhiều cách thức để cầu nguyện. Đọc kinh là cách đơn giản, dễ nhất. Đối với người lớn, việc tìm hiểu, học kinh có phần dễ vì đã tự chủ. Còn với trẻ nhỏ, làm sao để các em thật sự yêu thích việc học kinh, học Lời Chúa chứ không phải bắt ép. Việc học sao cho thật nhẹ nhàng. Cha mẹ cần gieo thói quen đọc kinh cho con nhỏ. Từ bé, con tôi được đọc kinh chung với gia đình. Chỉ 4 - 5 tuổi nhưng nhiều cháu thuộc ro ro. Có khi va vấp là chuyện bình thường hoặc chưa hiểu lời kinh cũng chẳng sao. Lớn lên, các con sẽ được giảng giải kỹ hơn. Việc đọc kinh chung giúp con tôi thuộc một cách tự nhiên. Con lớn hơn, tôi tập cho chúng học các kinh dài hơn. Trong gia đình, cũng cần có những quyển sách kinh, tài liệu kinh để con cháu tìm hiểu. Một mặt, đó là tài liệu để có thể đọc, cầu nguyện. Một mặt, những quyển sách này giúp con đọc, khám phá. Ở quy mô giáo xứ, tôi rất thích các hoạt động thi giáo lý, kinh kệ. Trong khi tổ chức, ban tổ chức có thể khuyến khích học kinh xưa, học biết kinh theo chủ đề. Được biết, ở cấp giáo hạt và giáo phận thường có tổ chức thi giáo lý. Cũng nên khuyến khích giáo dân học kinh xưa để gia tăng sự hiểu biết cho chính người trẻ, bảo tồn những giá trị văn hóa Công giáo.

 

TRUYỀN THỐNG GIÁO XỨ VÀ GIA ĐÌNH

Chị Nguyễn Thị Kim Thủy (Giáo xứ Kim Phát, giáo phận Ban Mê Thuột): Gia đình là cái nôi đức tin. Giáo xứ là môi trường tốt để nuôi dưỡng đức tin của từng người. Vì ở giáo xứ diễn ra các hình thức lễ nghi, sinh hoạt đạo đức. Gia đình cần đồng hành với con cái trong quá trình hình thành và phát triển đức tin. Mỗi giáo xứ chắc hẳn đều có truyền thống sinh hoạt đặc thù và các gia đình cũng có truyền thống riêng. Có xứ miền nam, miền bắc, lời kinh cũng khác tùy vùng miền. Có những câu kinh phổ biến ở cộng đồng người nam và cũng có câu kinh phổ biến ở cộng đồng người bắc. Sự khác nhau đó là do tính đa dạng trong văn hóa. Nói chung, tất cả những giá trị ấy nên lưu giữ. Vì thế, truyền thống sinh hoạt tại giáo xứ và gia đình nên duy trì. Theo tôi, lớp trẻ có khi sao nhãng việc học kinh, đọc kinh đó là do chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc cầu nguyện, đọc kinh. Và chưa thấy ý nghĩa của câu kinh. Cần cho trẻ biết ý nghĩa của kinh cũng như thái độ sốt sắng, nghiêm trang khi đọc kinh. Ngày nay, mỗi gia đình đều bận rộn, việc làm sao thu xếp để có giờ kinh chung của từng nhà xem ra không hề dễ. Cũng có những gia đình bận bịu, con cái và cha mẹ tự đọc kinh riêng, nhưng khi ấy, lớp trẻ dễ bỏ lơ. Cho nên, cha mẹ, người lớn cần sắp xếp giờ sinh hoạt đạo đức chung của gia đình thật phù hợp và dõi theo đời sống đức tin con cái.

 

CHÚ Ý DẠY KINH CHO TRẺ NHỎ

Chị Huỳnh Thảo Uyên (Giáo xứ Phú Xuân, TGP TPHCM): Các em thiếu nhi dễ học, dễ thuộc. Một khi thuộc nằm lòng thì lại nhớ lâu. Tôi nghĩ có nhiều hình thức dạy kinh cho các em cần được áp dụng cách linh hoạt. Trẻ nhỏ thì học kinh, đó là điều cơ bản. Theo tôi nghĩ, từ khi các em còn nhỏ, cha mẹ nên đưa đến nhà thờ dự lễ để được nghe kinh, đọc theo và hiểu rõ ý nghĩa của việc đọc kinh, ngoài ra thì việc tham gia những lớp học giáo lý để những giáo lý viên tập cho các em đọc kinh cũng là một việc cần thiết. Trong giáo xứ, các cha nên tổ chức những trò chơi nhỏ, hỏi từng kinh nếu ai thuộc thì sẽ có thưởng. Hoặc trong lúc giảng lễ có thể dành vài phút để hỏi về cách đọc kinh, đố vui kinh… Các phần thưởng đơn sơ nhưng có khi là động lực để trẻ thi đua, cố gắng. Trước khi thánh lễ bắt đầu thì nhắc nhở các em phải đọc kinh thật to để ngợi ca Chúa… Về tài liệu, nên in nhiều sách kinh để trẻ tự cầm lấy và đọc, cũng có thể đầu tư máy chiếu để dễ nhìn trên màn hình và đọc kinh mỗi khi tham dự thánh lễ. Uốn nắn từng ngày, gieo thói quen tốt thì chắc chẳn trẻ sẽ hiểu biết nhiều.

 

Anh Nguyên (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm