Thứ Tư, 12 Tháng Mười, 2022 19:51

Lạm thu

 

Trong khi một số tỉnh thành có chính sách miễn giảm học phí cho học sinh năm nay vì đại dịch Covid-19, thì vừa rồi lại xôn xao về việc thu quỹ của một hội phụ huynh tại TPHCM lên tới 130 triệu đồng để chi các việc phụ. Đã có nhiều bình luận, đa số bất bình trong việc lạm thu và có những dị nghị của không ít phụ huynh đang có con em đi học.

Dễ thấy một số ban phụ huynh (đại diện cho các phụ huynh của lớp) gồm những bậc cha mẹ, nhiệt huyết năng nổ, hết mình vì việc chung, cùng liên kết hỗ trợ giữa giáo viên chủ nhiệm và các cha mẹ trong việc giáo dục, dạy dỗ các em. Tính tích cực rất rõ. Nhưng hội muốn hoạt động thì phải có quỹ. Việc đóng quỹ hội để trợ giúp tích cực cho việc học hành là điều nên làm. Tuy nhiên, điều đáng suy nghĩ cho việc sử dụng nguồn quỹ như chăm cô, sinh nhật bé… đã không thuyết phục đối với nhiều người.

 

Bởi vậy có lẽ ngành giáo dục, hay ít ra là các trường, tùy theo điều kiện nên có một quy chế hoạt động của hội phụ huynh, sao cho tránh xảy ra những tình huống biến hội thành cánh tay nối dài cho việc lạm thu của một số trường, lớp. Nhiều khi những đại diện ban phụ huynh là những người có điều kiện kinh tế, đã lấy mình làm trung tâm để đưa ra những mức thu chi mà phụ huynh nghèo cảm thấy rất gánh nặng. Và cũng thật đáng nghĩ suy khi có trường lại coi ban phụ huynh là nơi gợi ý những điều “tế nhị”, “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”… Cuối cùng nhiều phụ huynh đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Tình huống trên chỉ là nhỏ vì đa số các hội, ban phụ huynh đều hoạt động tích cực trong việc gắn kết giáo dục giữa gia đình và nhà trường. Đáng tiếc là một số nơi đã biến “hội phụ huynh” thành “hội phụ thu”, những khoản phụ có khi lại nhiều hơn khoản tiền chính đi học.

Ngoài cải cách sách giáo khoa, môn học, chương trình giảng dạy, ngành giáo dục cũng nên “cải cách” hơn nữa công tác tài chính để minh bạch về những khoản thu chi đóng góp hằng năm, giảm bớt khó khăn cho nhiều người.

 

Ngô Quốc Đông

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm