Phạm Công Luận là tác giả của những trang viết về Sài Gòn tạo được sự quan tâm với khá nhiều độc giả. “Sài Gòn đẹp xưa” là cuốn sách mới nhất của ông trong mảng sách về Sài Gòn, do NXB Lao động và Phanbook ấn hành.
![]() |
Sài Gòn vốn là mảnh đất mà gia đình tác giả sống nhiều thế hệ nên cảnh vật, con người, lối sinh hoạt rộn ràng mà chân chất, mang nét thanh lịch riêng có đã hằn in trong tâm tưởng. Với một tình yêu da diết cho mảnh đất này, Phạm Công Luận đã gởi gắm tâm hồn mình vào từng trang viết. Những khoảnh khắc thời gian xưa như dồn nén vào trong tâm trí để “con người Sài Gòn” trong ông hồi nhớ, như lời tự sự: “Tôi luôn luôn có cảm giác kỳ lạ, là rất muốn phóng xe ngay ra đường phố để ngắm nhìn thành phố này khi đọc những bài viết hay về Sài Gòn. Và một số bài viết của tôi viết về nơi chốn nào đó ở Sài Gòn cũng tạo cảm giác tương tự với một số độc giả, như vài người thừa nhận. Vì sao? Phải chăng Sài Gòn là một thành phố sinh động và quá đa dạng, khiến ta cứ ngỡ hiểu được nhiều, nhưng thật sự cũng không hiểu được mấy; chỉ nhìn được vẻ đẹp hay sự quyến rũ của nó như nhìn trong ống kính vạn hoa, khi người khác cầm lên xem lại thấy được những khối hoa khác rất đẹp mà mắt ta không nhìn ra. Hoặc Sài Gòn như một cô gái quyến rũ và thay đổi vẻ ngoài liên tục, ai cũng ngỡ là của mình nhưng không ai chinh phục và chiếm hữu được vẻ đẹp đó, nên cứ khát khao và mong hiểu được nàng, thậm chí muốn tìm ra vài tật xấu của nàng để rồi tiếp tục lên đường, tìm kiếm và lý giải cho câu hỏi về sự cuốn hút mạnh mẽ từ thành phố phương Nam này”.
Ở cuốn sách này, độc giả có thể tìm thấy những thú giải trí của Sài Gòn từ cả trăm năm trước, như ở thập niên 1920 - 1930, thú giải trí thịnh hành nơi đây là đi coi cải lương; kế đến là thể thao, bóng đá hay quần vợt; và còn là sở thích đi dạo phố phường bằng xe song mã của giới nhà giàu, rồi đến khi có xe hơi thì chuyển qua phương tiện này, uống rượu, ngắm trăng, ăn tối… Tác giả đưa người đọc tìm về nét sinh hoạt trên đất Sài Gòn cách nay 100 năm. Những ngôi chợ như chợ Bến Thành một thời, hay những con đường xưa mang dấu ấn đặc biệt cũng được tác giả biên chép lại từ chính dòng hồi ức của mình hay được nghe kể lại. Tỷ như, ngược dòng thời gian, thập niên 1940, đường Bạch Đằng mang tên Avenue de l’Inspection, khi ấy “hai bên đường có hàng cây sanh tỏa bóng mát trên nền cỏ lề đường. Sau hai hàng cây là đồng ruộng, xa xa có chùa Sư Muôn nay là Long Vân Tự…”. Kỷ niệm với khu vực này còn in dấu nơi tác giả “Từ ngã ba Hàng Sanh về Phú Nhuận, tôi đi ngang đoạn gần chợ Bà Chiểu, dãy nhà bán đồ đồng, đồ thờ tự mà thấy nhớ nhiều những cái Tết khi cha mẹ còn sống, tôi thường lên đây mua dầu đánh đồ đồng và đèn trang trí bàn thờ. Những cái Tết nay đã rất xa”…
Bằng những câu chuyện nhỏ ghép lại, tập sách của Phạm Công Luận đã tái hiện những sinh hoạt đời sống của Sài Gòn thuở trước, giúp bạn đọc hình dung rõ nét hơn bức tranh về thành phố này những năm tháng xa xưa.
CẨM NHUNG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.