Thứ Ba, 09 Tháng Bảy, 2019 11:37

Lặng lẽ những trang báo cũ…

 

Hơn 20 năm sưu tầm sách cổ, cũng là ngần ấy thời gian linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết nhặt nhạnh, góp gom những tờ báo cũ. Trong thư viện tại giáo xứ Tân Sa Châu (TGP TPHCM), nơi cha làm chánh xứ nhiều năm nay, không chỉ có những quyển sách “vượt thời gian” mà còn có những đầu báo từ rất xưa.

 

Trong đó, một số báo, tạp chí được cha nhắc tới gắn với hai từ “đặc biệt” vì tính cổ xưa của nó. Như Gia Ðịnh báo, tờ báo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ, ra đời tại Sài Gòn năm 1865 (ngày 16.9.1869, cụ Trương Vĩnh Ký chính thức được giao làm “Chánh tổng tài” - tương đương chức Tổng biên tập ngày nay); hay bộ Thông loại khóa trình (Miscellannées) với 18 số,  từ số báo thứ nhất (tháng 5.1888) đến số cuối cùng (tháng 10.1889). Ấn phẩm này được coi như tạp chí tư nhân bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam, trình bày như một cuốn sách khổ 16cmx23,5cm, do Trương Vĩnh Ký chủ trì, phát hành hằng tháng tại Nam kỳ. Qua thời gian và đến tay người sưu tập, nó được đóng bìa một cách cẩn thận... Một tờ báo có khổ rất lớn, in bằng tiếng Việt đầu tiên tại Trung kỳ là tờ Tiếng Dân, cũng được “chủ sở hữu” nhắc đến trong dòng đặc biệt. Cha bảo, tờ mình có trong tay ra ngày 28.11.1936, không phải là số báo đầu nhưng quý ở chỗ có con mộc và chữ ký của vị chủ nhiệm báo khi ấy là ông Huỳnh Thúc Kháng...

Báo cũ như những chứng nhân lịch sử, ghi dấu từng sự kiện qua dòng thời gian... - ảnh: LG

 

Hàng trăm tờ báo qua dòng lịch sử đã được vị linh mục “yêu đồ cổ” thu thập, lưu giữ. Trong đó, có không ít ấn phẩm của giới Công giáo như Nam Kỳ Ðịa Phận, Truyền Tin, Ðứng Dậy, Ðối Diện, Xây Dựng, Nhà Chúa, Lời Thăm, Thẳng Tiến, Luận Ðàm, Việt Tiến, Trái Tim Ðức Mẹ, Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Sacerdos Linh Mục Nguyệt San, Tông Ðồ... Ðến thăm thư viện của cha một ngày cuối tuần, chúng tôi còn được dịp cầm trên tay những số báo Công giáo và Dân tộc từ cuối thập niên 70, thập niên 80 thế kỷ trước - khi báo còn in trên khổ giấy lớn chứ chưa đóng thành quyển. Những số báo cũ có thể không đủ bộ nhưng từ năm 2000 đến nay, hầu như mỗi tuần nơi đây đều có một tờ Tuần báo Công giáo và Dân tộc, mỗi tháng lại có thêm một quyển Nguyệt san.

 

Sưu tập sách báo cũ bên cạnh đồ cổ vốn là niềm yêu thích của cha Giuse Nguyễn Hữu Triết. Trong quá trình lưu giữ sách cũ, cha cũng tìm tòi những tờ báo xưa để làm dày lên và phong phú thêm bộ sưu tập của mình, bởi theo cha, sách thường đi với báo. Nếu như sách lưu giữ những tư liệu, kiến thức, văn chương nghệ thuật thì báo chí lại phản ánh thời sự, tin tức chính trị - xã hội - văn hóa nước nhà (báo ngoài đời) hay sự kiện, thông tin Công giáo (báo đạo) qua các thời kỳ. Người sưu tập báo qua đó có thể nhìn lại một thời, cũng có thể tra cứu dữ liệu của một giai đoạn nào đó đã đi vào lịch sử. Thời gian qua đi, từ những trang báo, thế hệ sau có thể hình dung lại bộ mặt xã hội của thời kỳ họ chưa từng sống... Quả thật như cha nói, khi lần giở lại những số báo CGvDT xưa và liên hệ với nay, chúng tôi biết tờ báo đã được gầy dựng và phát triển thế nào; biết một thời, các vị tiền bối đã thực hiện những trang báo ra sao và cũng có dịp gặp lại mấy cây bút thế hệ trước mà hôm nay không còn nữa hoặc đã rẽ qua ngả đường khác...

 

Ðầu năm 2016, thành phố từng có cuộc triển lãm “Giở chồng báo cũ - Một góc nhìn lịch sử báo chí Việt Nam” (do TTXVN khu vực phía Nam phối hợp với công ty Nhã Nam tổ chức), giới thiệu hơn 300 đầu báo tiêu biểu và một số bút tích quan trọng của các nhà báo thế hệ đầu tiên, mang đến cho khách tham quan những trải nghiệm thú vị về một không gian báo chí với nhiều tư liệu quý, ghi dấu những sự kiện, thời khắc quan trọng của lịch sử qua 1,5 thế kỷ. Tại triển lãm này, cha Giuse Nguyễn Hữu Triết cũng góp một phần trong bộ sưu tập của mình. Vị mục tử mục vụ về văn hóa không chỉ có những sinh hoạt trong phạm vi “nhà đạo” mà còn hòa vào dòng chảy văn hóa của xã hội. 

PHAN NHI

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm