Trong cuộc sống, chúng ta thường thấy nhiều gia đình, có khi cả một dòng họ mà các thành viên rất hiểu nhau, tôn trọng và yêu thương nhau. Nhưng cũng có những gia đình nhỏ chỉ vài người, thậm chí 2 cha con, 2 mẹ con, 2 chị em…mà mỗi lần gặp nhau hoặc trao đổi vấn đề nhỏ đã gây nhau sằn sặt. Người bình dân thường dùng từ “khắc khẩu”, thực tế có đúng họ khắc khẩu không?
![]() |
Chúng tôi rất ngưỡng mộ gia đình ông Vũ Tuấn, 65 tuổi (ngụ quận 1, TPHCM). Hai vợ chồng đã già nhưng xưng hộ với nhau vô cùng ngọt ngào như những đôi vợ chồng mới cưới. Hai con ông luôn hòa thuận thương yêu nhau. Từ nhỏ chúng học cùng trường, luôn bênh vực nhau và chia sẻ nhau những vấn đề tế nhị của tuổi mới lớn. Thế hệ cháu nội và ngoại ông cũng thế. Các cháu cũng học cùng trường và như ba mẹ, chúng luôn bênh vực, nâng đỡ nhau trong học hành và luôn quan tâm yêu thương nhau không khác anh chị em ruột. Hỏi về bí quyết, ông Tuấn chia sẻ: “Tôi theo gương ba mẹ tôi thôi. Ngày xưa, ba mẹ tôi luôn lắng nghe nhau một cách kiên nhẫn. Nếu có bất đồng, người này tìm cách giải thích cho người kia đến khi đạt được sự đồng thuận từ những vấn đề nhỏ nhất như mua cái tivi hay cho con cái học hành trường nào. Với các con, ba mẹ thường hỏi han, lắng nghe chúng tôi kể chuyện trường lớp. Trong nhà, các anh chị không được quyền ‘dạy dỗ’ em út mà bất cứ chuyện gì cũng phải nói với ba mẹ, nghe sự phân xử của ba mẹ. Chúng tôi gần gũi với ba mẹ và khăng khít với nhau từ nhỏ, lớn lên thì chẳng ngần ngại kể chuyện tình yêu, học hành, nghề nghiệp…cho ba mẹ và cả cho anh chị em để lắng nghe những lời tư vấn khách quan nhất…”. Cũng theo ông Tuấn, sau khi lập gia đình, với nề nếp cũ, vợ chồng ông ít gây nhau. Các con cũng yêu thương tôn trọng nhau. Và quan trọng nhất là họ cùng lắng nghe, chia sẻ những câu chuyện riêng tư, tế nhị để rồi thêm yêu thương, cảm thông nhau hơn.
Không ít trường hợp con cái quyết định sai lầm trong việc chọn nghề và chọn cả người bạn đời để rồi dẫn đến những hụt hẫng trong cuộc sống, phải làm lại từ đầu một công việc hoặc hôn nhân. Lúc đó, ba hoặc mẹ hay anh chị sẽ trách: “Lúc trước nói nó mà nó không nghe!”. Nhưng những bậc phụ huynh hoặc anh chị này có suy nghĩ “tại sao nó không nghe mình” không? Phải chăng cũng bởi vì trong lòng của người con, người em kia không có chút lòng tin nào với ba mẹ hoặc anh chị mình cả? Như trường hợp chị Lê Thị Hà, 45 tuổi (Q.5, TPHCM) từng tâm sự, hồi chị chia tay với mối tình đầu, ba mẹ và chị gái đều can ngăn nhưng chị nhất quyết không nghe bởi từ nhỏ đã không có chút gần gũi nào với những thành viên trong gia đình. Ba mẹ chị lo kiếm tiền, hễ con cái buồn chuyện trong lớp khóc thì lập tức bị mắng ngay chứ không hề có lời hỏi han, động viên. “Dường như ba mẹ luôn xem những gì của chúng tôi là chuyện vụn vặt, gây phiền cho họ… Còn với anh chị thì những chuyện của tôi luôn bị họ mang ra chế giễu, cười cợt rồi chúng tôi gây nhau, đánh nhau… Chúng tôi không hề được dạy lắng nghe và cảm thông cho nhau. Chính vì vậy, lớn lên, những vấn đề như nghề nghiệp và hôn nhân, quả thật, tôi không hề tin vào ý kiến của ba mẹ và anh chị em. Vì họ chưa hề chia sẻ với tôi bất cứ điều gì. Trong tôi luôn ấn tượng những trêu chọc của anh chị, sự chủ quan đến hà khắc của mẹ cha. Tôi tự quyết định và trả giá cho quyết định đó. Ðôi khi tôi ao ước phải chi ba mẹ biết quan tâm, lắng nghe và tập cho chúng tôi yêu thương cảm thông nhau thì cuộc đời chúng tôi đã khác…”, chị Hà nói.
![]() |
Nhiều gia đình chưa kể đến ý kiến của ba mẹ, chỉ ý của anh chị em thôi đã giúp nhau rất nhiều. Chỉ vì họ từ nhỏ đã biết chia sẻ, biết cảm thông để cùng nhau lớn lên. Nếu lúc nhỏ chỉ biết chỉ trích nhau thì khi lớn lên khó lòng hòa hợp nhau bởi thay vì sự thương cảm lại là sự đố kỵ ghen ghét nhau. Chúng ta cũng dễ dàng nhận ra có những người “nghe lời thầy cô, bạn bè…” nhiều hơn nghe người trong gia đình. Có phải vì họ từng quen chia sẻ cùng thầy cô và bạn bè, cảm thấy đó là chỗ dựa vững chắc thay cho ba mẹ chỉ biết la mắng, anh chị chỉ biết mỉa mai? Chị Phan Thị Ngọc Hân, 25 tuổi (Q.1) nằm trong số những người hay “nghe lời” cô giáo cũ và bạn bè hơn chính người trong nhà. Ba mẹ Hân cũng nhận ra điều này nhưng họ có biết đâu cái “hố” ngăn cách giữa Hân và các thành viên gia đình bắt nguồn từ chính cách cư xử của ba mẹ và chị gái từ những ngày Hân còn nhỏ. Theo lời chị kể thì nhà có hai chị em. Chị của Hân học giỏi, được ba mẹ yêu thương. Năm đó, Hân được danh hiệu “học sinh giỏi” thay cho tiên tiến, cô bé về khoe chị, cô chị liền bĩu môi: “Học cả chục năm mới được một lần là học sinh giỏi”; nói với ba mẹ thì lại nhận tiếp câu hàm ý so sánh: “Phải học giỏi nhiều năm như chị mày kìa…”. Lúc đó, Hân nhận ra ba mẹ có chút cư xử bất công với con cái. Và từ bấy, Hân dần xa cách với chính gia đình mình, chỉ cởi mở tâm sự cùng cô chủ nhiệm và bạn bè.
Khi con cái không quen “được lắng nghe”, họ cũng chẳng có thói quen “lắng nghe” ba mẹ. Ðiều này thấy rõ qua những người con ít quan tâm chăm sóc ba mẹ, có khi gạt ngang những gì ba mẹ nói. Nhiều lần vào bệnh viện, chúng tôi dễ nhận ra điều này. Có những người cha người mẹ được con cái chăm sóc rất kỹ, thậm chí biết thói quen ăn uống của ba mẹ mình. Họ nói năng cùng ba mẹ thật dịu dàng. Trong khi có những người con nói trống không với đấng sinh thành, nuôi ba mẹ trong bệnh viện “được chăng hay chớ” như một bổn phận đầy mệt mỏi, thiếu tình yêu thương. Hỏi ra, chính lúc nhỏ họ không được sự yêu thương, lắng nghe từ ba mẹ mình.
Ðể vun bồi mái ấm, các thành viên gia đình hãy lắng nghe để thấu hiểu và có sự chia sẻ với nhau. Các bậc phụ huynh nên hình thành cái nếp này cho con cái từ nhỏ, để từ cái nếp đó, con cái cũng sẽ lắng nghe cha mẹ khi về già và cùng anh chị em lớn lên trong sự cảm thông, yêu thương nhau.
Nguyễn Ngọc Hà
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.