Thứ Năm, 26 Tháng Mười Hai, 2019 15:03

Lấp đầy thời gian bằng những điều hữu ích

 

Trong thánh lễ tại Ðền thờ thánh Phêrô nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập văn phòng tuyên úy Công giáo Congo tại Rome vào đầu mùa Vọng 2019, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã có lời nhắc nhở: “Người ta phí phạm thời giờ trong những trò tiêu khiển, nhưng không có giờ dành cho Chúa và cho tha nhân”. Lời  nhắc nhở này gợi cho mỗi tín hữu câu hỏi về việc đã dùng thời gian rảnh rỗi như thế nào?

 

 

SẮP XẾP HỢP LÝ

Bà Phạm Thị Loan (Gx Bùi Chu, GP Xuân Lộc): Chừng gần chục năm nay, tôi bắt đầu sắp xếp lịch làm việc, sinh hoạt gia đình, cá nhân nên dành ra được một khoảng thời giờ rỗi rảnh để có thể làm một điều gì đó có ích cho người khác. Tôi chọn tham gia đội giữ xe nhà thờ. Mỗi ngày, tôi dành ra chừng 2 tiếng để làm công việc này. Việc giữ xe rất đơn giản nhưng tôi cũng như các anh chị tham gia đều muốn góp phần giúp mọi người yên tâm tham gia thánh lễ mà không bị chia trí, lo ra vì sự an toàn tài sản của mình. Trong khả năng của bản thân, tôi làm tất cả theo gương Mẹ Têrêsa Calcutta, hoạt động vì Chúa, phục vụ tha nhân từ những điều nhỏ nhặt nhất. Nếu khéo léo sắp xếp, hầu hết chúng ta đều có được thời gian rảnh trong ngày, và nếu muốn, có thể dùng những lúc thư thả ấy để làm những việc hữu ích.

 

ÍCH MÌNH LỢI NGƯỜI

Anh Hồ Công Nhâm (Q.Tân Bình, TPHCM): Tôi vẫn thấy nhiều người tỏ ra buồn chán và hay thốt ra những câu cảm thán kiểu “giờ rảnh quá biết làm gì?” hay “chơi để giết thời gian!”. Tôi nghĩ đó là lời biện hộ cho những việc họ không muốn, hoặc không thích làm mà thôi. Có rất nhiều việc mọi người đều có thể làm để ích mình hoặc lợi cho người. Tôi nhớ khi mình còn làm công việc cũ, quả thực rất bận rộn, đi làm thì không thể ngơi tay nên lúc đó hễ tới giờ nghỉ là nghe nhạc, xem phim. Cuối tuần chỉ để ngủ và dành nhiều thời gian cho ăn uống, đi chơi... Một thời gian dài như vậy nên sức khỏe rất kém và tôi không cảm thấy tinh thần vui vẻ. Về sau thay vì xem phim tôi tập thể dục, thay vì dán mắt vào điện thoại tôi chơi với cháu, nói chuyện nhiều hơn với hàng xóm... Cuối tuần tôi chọn đi đây đó để khám phá cảnh vật, con người, văn hóa... Ðọc những quyển sách hay cũng là cách tôi hay làm mỗi khi ngồi không đợi xe, tàu, máy bay thay vì cứ lăm lăm điện thoại suốt hàng giờ. Tôi nghĩ hiện nay mình bớt nóng giận, bớt mệt mỏi hơn nhờ những thay đổi này.

 

ÐIỀU CHỈNH THÓI QUEN CŨ

Chị Phan Vương Tiên Trúc (Gx Hạnh Thông Tây, TGP TPHCM): Tôi là một người bận rộn và không có nhiều thời gian rảnh rỗi. Phải nói rằng để có thể đến nhà thờ học giáo lý và sinh hoạt là một sự cố gắng của bản thân. Vì là một người tân tòng và mong muốn tìm hiểu Chúa, nên tôi lại càng có thêm động lực để dành thời giờ cho Chúa. Năm 2012, gia đình tôi gia nhập đạo nhưng có lẽ khi đó còn nhỏ nên chưa cảm nhận được thế nào là sống đạo. Ðến năm 2016, tôi gặp một người bạn và chính người bạn này đã truyền cảm hứng và động lực để tôi quyết tâm đi học giáo lý lại từ đầu. Bạn tôi cũng bận rộn như tôi hay thậm chí còn hơn tôi, nhưng chính bạn với hành động của mình đã làm tôi suy nghĩ lại : Tại sao trước đây mình lại chỉ nghĩ đến việc vui chơi cho cá nhân và loanh quanh với cà phê, điện thoại...? Tôi đã nhìn những tấm gương hy sinh phục vụ người khác và bắt đầu điều chỉnh cách tiêu phí thời giờ rỗi rảnh của mình hơn, nghiêm khắc với bản thân hơn. Tôi tìm thấy được niềm vui khi mỗi Chúa nhật đến nhà thờ cùng các em nhỏ học giáo lý, sinh hoạt các buổi ngoại khóa của lớp. Tôi ước mong sau này mình sẽ trở thành một giáo lý viên để có thể thông truyền đức tin cho các em nhỏ qua những gì đã trải nghiệm.

 

DÀNH CHO GIA ÐÌNH

Anh Hà Hải Triều (Q12, TPHCM): Thời gian dành cho công việc của tôi khá dày nên mỗi khi thảnh thơi, tôi đều dành hết cho gia đình, đặc biệt cho con gái nhỏ. Chơi với con, dạy con những điều nho nhỏ, phụ việc nhà giúp vợ để cả hai đều không thấy việc nhà cửa, con cái là gánh nặng. Nhờ đó, chúng tôi lại có thêm thời gian nghỉ ngơi cũng như còn những khoảng trống để thăm hỏi, chuyện trò với bố mẹ, ông bà, họ hàng ở xa. Tôi thông cảm với các em của mình khi dành sự quan tâm cho các ca sĩ, ban nhạc mà chúng yêu thích như một cách giải trí. Tuy nhiên, nếu niềm yêu thích trở nên hơi quá khi say sưa tốn thời giờ thì có khi tôi phải nhắc nhở. Ðừng nên sa đà để phí thời gian một cách vô ích. Tại sao lúc rảnh không gọi điện thăm hỏi ba mẹ, không quan tâm đến mọi người là điều tôi vẫn hay nhắc nhở, đặt vấn đề cho các em mình.

 

ÐỪNG CHỈ LÀ TIÊU KHIỂN

Chị Phạm Thị Hoa Huệ (Q.Gò Vấp, TPHCM): Ðôi lần đọc báo, tôi không khỏi giật mình vì có những bàn luận về thực trạng phạm tội của thanh niên. Nhiều chuyên gia đã đúc kết, nếu thanh niên quá dư thừa thời gian, thay vì học hành, làm việc hay chí ít là giải trí lành mạnh thì dễ sa đà vào nhậu nhẹt, chơi bời trác táng. Ðiều này gợi cho tôi suy nghĩ về cách người lớn nên quan tâm hướng dẫn và tạo sân chơi cũng như tạo điều kiện cho giới trẻ làm, học những điều có ích. Hãy giúp các em được “bận rộn” hơn với nhiều hoạt động về thể thao, kỹ năng, cũng như được “rảnh” một cách hữu ích. Tôi nghĩ cũng cần thêm nhiều cách khuyến khích văn hóa đọc mạnh mẽ hơn để các em bớt đi những kiểu giải trí mang tính tạm thời như dùng trang mạng xã hội...

Thánh vịnh nói về thời gian của con người ngắn hạn, nên con người phải biết cách sống:

“Lạy Chúa, xin dạy cho con biết đời sống con chung cuộc thế nào,/ ngày tháng con đếm được mấy mươi, / để hiểu rằng kiếp phù du là thế. / Ấy tuổi đời con, Chúa đo cho từng gang tấc, / kiếp sống này Chúa kể bằng không, / đứng ở đời thật con người chỉ như hơi thở, / thấp thoáng trên đường tựa bóng câu” (Tv 39, 5-7).

 

Minh Hải

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm