Lễ đăng quang vua Charles III diễn ra vô cùng trang trọng, đánh dấu lần đầu tiên Vương quốc Anh chính thức đón nhận tân quân trong hơn 70 năm.
Vua Charles III đã chính thức lên ngôi sau khi tuyên thệ trên cương vị quân chủ Vương quốc Anh. Vương hậu Camilla cũng được trao vương miện trong buổi lễ ngắn hơn.
![]() |
Nước Anh tưng bừng mừng ngày lên ngôi của vua Charles III |
Giây phút đội vương miện
Lời đầu tiên của vua Charles để mở màn cho lễ đăng quang tại tu viện Westminster ở London ngày 6.5 bắt nguồn từ Thánh Kinh: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ”. Câu nói này của Chúa Giêsu nói và được các thánh sử ghi chép lại.
Vào thời khắc được đội lên vương miện tượng trưng cho quyền lực của người đứng đầu Vương quốc Anh, vua Charles III ngồi trên ghế đăng quang, hai tay cầm hai quyền trượng vàng. Chiếc vương miện có tên Vương miện của Thánh Edward đã được tạo tác vào năm 1661 nhân dịp lễ lên ngôi của vua Charles II. Đây cũng là lần đầu tiên lẫn cuối cùng Vua Charles III đội chiếc vương miện này, vốn chỉ được dùng khi các vị vua hay nữ hoàng chính thức lên ngôi. Trong lễ đăng quang năm 1953, nữ hoàng Elizabeth II, mẫu hoàng của vua Charles III, cũng đội Vương miện của thánh Edward.
![]() |
Ngay sau nghi thức đăng quang của vua Charles III, thái tử William quỳ trước mặt vua cha và thốt lên lời thề trung thành. Đây là nghi thức “tôn kính dòng máu hoàng gia” và chỉ có thái tử Wiiliam thực hiện. Con trai thứ hai của vua Charles III là hoàng tử Harry đã từ bỏ trách nhiệm của một thành viên hoàng tộc hồi năm 2020 và vì thế không có vai trò lớn trong lễ đăng quang. Con trai đầu lòng của thái tử William và công nương Catherine là hoàng tôn George, 9 tuổi, đảm nhận vai trò tùy tùng danh dự, giữ một góc áo choàng của vua Charles khi ông nội di chuyển trong tu viện Westminster.
Vương hậu Camilla cũng được trao vương miện trong một nghi thức ngắn và đơn giản hơn theo sau lễ đăng quang của chồng. Bà được trao vương miện của vương hậu Mary, đánh dấu lần đầu tiên một vương miện có sẵn được dùng cho nghi thức của vương hậu đương nhiệm, chứ không phải tạo tác hoàn toàn mới.
Những điểm mới trong lễ đăng quang
Lần đầu tiên, công dân Anh được đề nghị tham dự nghi thức “hàng triệu lời xướng”, theo đó toàn dân Anh được mời xướng lên câu nói: “Chúa chúc lành vua Charles”. Bên cạnh đó, các lãnh đạo tôn giáo khác như Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo… cũng đóng vai trò quan trọng trong lễ đăng quang bên trong tu viện Westminster. Vua Charles III tuyên thệ trở thành người bảo vệ các đức tin, phản ánh sự thay đổi trong xã hội hiện đại của Vương quốc Anh. Và các nữ tu sĩ Anh giáo cũng được trao vai trò đáng kể tại buổi lễ hơn so với lần đăng quang trước đó.
![]() |
Một sự điều chỉnh khác cũng được thực hiện trong lễ đăng quang là vua Charles và vương hậu Camilla đến tu viện Westminster trên xe ngựa được đóng vào dịp lễ kỷ niệm kim cương (60 năm trên ngai vàng) của nữ hoàng Elizabeth vào năm 2012. Tuy nhiên, khi quay về Cung điện Buckingham, vua và vương hậu Anh ngồi trên xe ngựa Gold State, được sử dụng trong mỗi lễ đăng quang kể từ thời của vua William IV năm 1831.
Sau nghi lễ tôn giáo ở tu viện, 4.000 quân nhân Anh, được 19 ban nhạc tháp tùng, tham gia lễ diễu hành lớn nhất trong 70 năm qua, với sự reo hò đầy phấn khích của hàng ngàn người tập trung về London theo dõi sự kiện lên ngôi của vua Charles. Ngày 6.5 cũng trở thành bữa tiệc lớn trên toàn Vương quốc Anh. Người dân Anh đổ xô ra đường và ăn tiệc trên những chiếc bàn dài 1,6 km, tay nâng cốc rượu sâm banh và hô to “Vạn tuế vua Charles”. Tiệc tùng cũng diễn ra ở đường Downing, trước dinh thủ tướng, và thủ tướng đương nhiệm Rishi Sunak cũng có mặt chung vui.
Các loạt đại bác chào mừng được khai hỏa từ Tháp London và trên khắp thủ đô, khắp Vương quốc Anh, cũng như Gibraltar, Bermuda và ở các con tàu trên biển.
Theo Đài BBC, hơn 20 triệu người theo dõi lễ đăng quang của vua Charles III vào ngày 6.5. Lượt xem trung bình buổi lễ kéo dài 2 giờ ở tu viện Westminster là 18,8 triệu. Số liệu của tổ chức Nghiên cứu Khán giả các đài truyền hình Anh (Barb) ghi nhận số người xem đạt đỉnh là 20,4 triệu vào thời điểm Đức Tổng Giám mục Canterbury Justin Welby (Anh giáo) đặt Vương miện Thánh Edward lên đầu vua Charles. Đài BBC chiếm phần lớn nhất trong tổng số lượt xem. Hai kênh BBC One và BBC Two nhận được khoảng 15 triệu người xem.
Tổng cộng 2.300 vị khách đến từ 203 quốc gia và vùng lãnh thổ có mặt tại tu viện Westminster. Trong số này có 100 nguyên thủ quốc gia và các quốc vương cùng hoàng hậu ở châu Á, châu Âu.
|
BẠCH LINH
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.