Khi lướt facebook, tôi vô tình thấy một trạng thái khá hay và chí lý của Hội người thực dụng Việt Nam. Trong đó đại ý bảo ai cũng có chỗ chưa hoàn hảo, đây là lý do chúng ta cần một người bên cạnh để hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau. Khi gặp được người phù hợp với nhu cầu, mong muốn của mình, ta mới trân trọng và muốn giữ chặt người đó. Nếu ai cũng xinh đẹp, độc lập tự cường, toàn thiện toàn mỹ thì yêu đương làm gì cho nhức đầu?
Trạng thái hài hước và thực tế này làm tôi liên tưởng đến loài chim một cánh (tỷ dực điểu) trong truyền thuyết Trung Hoa cổ. Tương truyền chúng sống ở phương Nam, lông màu xanh, bẩm sinh chỉ có một mắt, một bên cánh. Ðể có thể bay và kiếm ăn, chim trống và chim mái phải kết thành một cặp, hỗ trợ nhau ăn ý. Về sau, loài chim này được chuyển thành điển tích về tình vợ chồng keo sơn, nương tựa và bổ sung cho nhau. Trong văn học trung đại Việt Nam, đôi chim liền cánh đã xuất hiện trong “Truyện Kiều” và “Chinh phụ ngâm”: “Thiếp xin về kiếp sau này/ Như chim liền cánh, như cây liền cành” (trích “Chinh phụ ngâm” của Ðoàn Thị Ðiểm)
![]() |
Ngày nay, ta thỉnh thoảng thấy trên mạng những mẩu chuyện vợ chồng bất hòa, thậm chí chia tay chỉ vì một trong hai quá… giỏi giang. Nhiều phụ nữ xinh đẹp, thành đạt vẫn bị chồng “cắm sừng” chỉ vì một người thua xa mình mọi mặt. Câu trả lời của đa số ông chồng là vì vợ giỏi quá nên họ phải tìm cảm giác tự tin qua những cô gái kém hoàn hảo hơn.
Ðôi khi, ta gặp trường hợp người chồng “điểm 10” trong mắt bao người mà vợ anh ấy vẫn không hạnh phúc. Người chồng ấy đẹp trai, khá giả, hào phóng, tôn trọng vợ. Tại sao cô vẫn thấy “thiêu thiếu”? Là “sướng quá hóa rồ” chăng? Hay cuộc hôn nhân thiếu chỗ cho cô vợ “ghép” lại với chồng, tạo nên đôi chim liền cánh?
Khi yêu thương chân thành, con người luôn muốn trở nên hữu ích và quan trọng với đối phương. Nụ cười, lời cảm ơn, sự ngưỡng mộ và công nhận của đối phương đều là nguồn động viên lớn lao, là ngọn gió giữ lửa tình yêu hiệu quả. Với nam giới, việc che chở và làm cô gái mình yêu hạnh phúc giúp họ thêm tự tin, kiêu hãnh và mạnh mẽ. Với phái nữ, ngoài nhu cầu được cưng chiều, các cô còn muốn là nguồn sức mạnh hỗ trợ người yêu. Cống hiến cho tình yêu làm hai bên đều mãn nguyện.
Nếu có bạn đời quá “hoàn hảo”, dần dần ta sẽ thấy người kia chẳng cần mình. Không có mình, người ấy vẫn sống tốt. Có lẽ họ vốn đã đủ hai cánh rồi, hoặc một bên cánh của ta chẳng khớp với họ. Thế là rạn nứt trong tình yêu xuất hiện.
Ở khía cạnh khác, vài người lại muốn “nửa kia” không có gánh nặng hay khuyết điểm nào. Bạn đời của họ không được có hoàn cảnh khó khăn hoặc đông anh em, không được làm ra ít tiền và “ăn bám”, thậm chí không được ốm nặng hay gặp tai nạn khiến họ phải chăm sóc. Những người đó không muốn chung lưng đấu cật với vợ/ chồng mình, không muốn cho đi và chỉ muốn nhận. Họ không chọn con chim một cánh để bay chung, mà chọn con chim đủ hai cánh rồi bắt nó cõng mình.
Hệ quả dễ thấy là những mối tình, cuộc hôn nhân này đều không bền. Bởi chỉ có một bên cần bên kia chứ không phải hai bên là một nửa của nhau, kết hợp lại mới bay cao được.
**
Cách đây vài năm, tôi từng đọc những bài viết khoa học rất lý thú của giáo sư Phạm Việt Hưng. Trong đó, Ðịnh luật Pasteur (Pasteur’s Law) về “Tính bất đối xứng của sự sống” làm tôi nhớ nhất. Ðịnh luật này do Louis Pasteur phát hiện năm 1848, khẳng định vật chất vô sinh luôn có hai dạng phân tử chiral đối xứng gương với nhau, trong khi vật chất sống chỉ có một dạng phân tử chiral mà không có phân tử đối xứng gương với nó.
Louis Pasteur còn nói: “Vũ trụ không đối xứng và tôi tin rằng sự sống, như chúng ta đã biết, là kết quả trực tiếp từ tính bất đối xứng của vũ trụ hoặc hệ quả gián tiếp của nó. Vũ trụ là bất đối xứng”.
Các vật chất sống “bất đối xứng” và bất toàn cốt để ghép vào nhau, làm nên một chỉnh thể. Giống như tinh trùng và trứng mỗi bên giữ nửa mã gene, kết hợp lại mới tạo ra mầm sống. Ðịnh luật của Pasteur cũng đúng với quan hệ vợ chồng, tình yêu nam nữ. Tính bất đối xứng của sự sống chẳng khác gì loài chim một cánh, chỉ bay được khi có một nửa của mình.
Thay vì tìm một bạn đời hoàn hảo, hãy chọn ai đó có ưu điểm làm mình yêu mến và khuyết điểm mà mình chấp nhận, bù trừ được. Bởi vì “tất cả chúng ta đều là những thiên thần một cánh, và chúng ta chỉ có thể bay nhờ ôm lấy nhau”. (Luciano De Crescenzo, 1928 - 2019).
Ths-Bs LAN HẢI
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.