Thứ Ba, 14 Tháng Mười Một, 2023 10:00

Lỗi là ở thủ phạm…

 

Tư duy “đổ lỗi cho nạn nhân” (victim - blaming) vẫn thường xảy ra mỗi khi có những vụ bắt nạt, quấy rối và hiếp dâm. Đã có một bài luận năm 2017 của Steffen Bieneck, Barbara Krahé thuộc đại học Potsdam (Đức) về những quyết định pháp lý có xu hướng đổ tội cho nạn nhân và “tẩy trắng” cho tội phạm tình dục. Nghiên cứu này xem xét giả thuyết về sự ​​khoan hồng thiên vị trong các vụ hiếp dâm bằng cách so sánh với các vụ cướp. 288 người tham gia khảo sát được đọc hồ sơ về vụ hiếp dâm và vụ cướp mà nạn nhân là nữ, thủ phạm là nam. Nếu ở vụ án hiếp dâm, thông tin cho biết người nữ từng quen biết kẻ tấn công tình dục, khả năng nạn nhân bị đổ lỗi tăng lên đáng kể; trường hợp tương tự ở một vụ cướp thì không như vậy. Từ đây, nhóm nghiên cứu thấy được sự khoan hồng mang tính thiên vị của quần chúng trong các vụ tấn công tình dục.

Nhà tâm lý học William Ryan đặt ra cụm từ “đổ lỗi cho nạn nhân” trong cuốn sách cùng tên năm 1971, từ đó nó trở nên phổ biến. Trong sách, ông mô tả đổ lỗi nạn nhân là một hệ tư tưởng dùng để biện minh cho phân biệt chủng tộc và bất công xã hội đối với người da đen ở Hoa Kỳ. Năm 1947, nhà xã hội học người Đức Theodor W. Adorno coi việc đổ lỗi cho nạn nhân là một trong những đặc tính xấu xa nhất của chủ nghĩa phát xít, khi nó khinh bỉ những cá thể “yếu kém”, dị biệt hoặc bị phân biệt. Biểu hiện điển hình của việc này là thành ngữ “asking for it” (đáng bị như thế), chẳng hạn: “Cô ta đáng bị như thế” để nói về nạn nhân của bạo lực hoặc tấn công tình dục.

Nhìn chung, hiện tượng đổ lỗi cho nạn nhân bắt nguồn từ sự phân biệt đối xử, kỳ thị chủng tộc và giới tính. Nó phổ biến trên khắp thế giới, đặc biệt là các nền văn hóa khuyên người ta nên chấp nhận, nhẫn nhịn và làm ngơ trước thói hành xử tệ bạc với nhóm người yếu thế.

*

Ngoài nguyên nhân thâm căn cố đế là những thành kiến đã có từ lâu, việc đổ lỗi cho nạn nhân còn giống như một cơ chế phòng vệ. Đầu tiên là thủ phạm và tòng phạm của hắn sẽ được giảm nhẹ hoặc thoát tội, tiếp đến là những người ngoài cuộc thấy an toàn và nhẹ nhõm hơn, đồng thời củng cố niềm tin luật đời là công bằng, mọi chuyện xảy ra đều có lý do. Barbara Gilin, giáo sư ngành công tác xã hội của đại học Widener (Mỹ) giải thích: “Bất kỳ một tội ác nào cũng sẽ khiến nhiều người có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân. Điều này bắt nguồn từ cơ chế tự phòng vệ khi đối mặt với những tin xấu”. Khi người ta có xu hướng coi rủi ro và nguy hiểm là điều không thể tránh, lường trước nguy cơ mình sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo, con người cố gắng tìm ra “lỗi lầm” của “nạn nhân trước” như một cách rút kinh nghiệm và cố gắng không “mắc lỗi” để tránh điều xấu.

Vậy nhưng, cho dù vì bất cứ nguyên nhân gì, chắc chắn nạn nhân không phải chịu bất kỳ trách nhiệm gì về hành vi mà thủ phạm gây ra cho họ. Một học sinh dù nhút nhát, chậm chạp, khó hòa đồng đến đâu cũng không bao giờ là đối tượng thích hợp để bạn bè bắt nạt và thầy cô “đì”. Một người say xỉn đến nỗi ngất xỉu ở quán rượu/ trên vỉa hè không phải đối tượng để làm trò đồi bại hoặc ăn trộm. Một phụ nữ dù ăn mặc “mát mẻ”, có tình trường phức tạp và tiền sử “ăn chơi” vẫn không đáng bị quấy rối, lạm dụng dưới mọi hình thức. Một người đàn ông bị sàm sỡ, lừa dối, bạo hành không có nghĩa là họ nhu nhược, ngu ngốc… Tất cả là do thủ phạm muốn làm việc xấu với họ.

Nhắc tới hiện tượng đổ lỗi cho nạn nhân, bộ phim “Quan xẩm lốc cốc” (1994) của Châu Tinh Trì đã mô tả qua một cảnh vừa hài vừa đắt: Trên công đường xử một vụ làm nhục gái nhà lành, nạn nhân khai với quan trên là cô bị thủ phạm đánh ngất rồi ra tay. Tên kia trơ tráo nói: “Trước khi hành sự, tôi có hỏi trước mà! Cô ta im lặng tức là đồng ý rồi”. Nghe xong, “quan” Châu Tinh Trì lập tức rút đao ra, dõng dạc phán: “Bịt miệng thằng này lại! Để ta hỏi xem nó có chịu ăn chém không!”. Ông quan này hơi cục súc nhưng rất tỉnh táo và công minh! Thay vì chĩa mũi dùi vào nạn nhân, ông dùng chính luận điệu lố bịch của hung thủ để đáp trả hắn. Bởi tội lỗi vốn không nằm ở thân hình xinh đẹp của người vũ nữ mà nằm trong đôi mắt kẻ dâm tà.

 

Ths-Bs Lan Hải

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm