Ðiểm nhấn của thị trường đèn Trung Thu năm nay chính là một số sản phẩm bám sát với tiêu chí thân thiện môi trường và giản dị. Càng gần Rằm tháng 8, món đồ chơi rẻ bền lại không dùng nhựa như đèn lồng gáo dừa càng được ưa chuộng, “săn lùng”…
Loại lồng đèn mang vẻ ngoài mộc mạc này làm từ những chiếc sọ dừa được làm sạch vỏ và cùi, sau đó đục lỗ và chạm khắc nhiều hình thù khác nhau. Chỉ cần đốt một cây nến đặt vào bên trong là đám trẻ có thể cùng bạn bè rước đèn đêm trăng. Dạo qua một số điểm bán lồng đèn, đặc biệt là các cửa hàng chuyên đồ thủ công, đồ sinh thái hoặc trên các trang mạng mua bán, sẽ dễ dàng bắt gặp những chiếc lồng đèn gáo dừa. Với giá tầm từ 35.000 - 70.000 đồng/cái, nếu có nhu cầu lắp thêm đèn led, giá sẽ tăng thêm khoảng 15.000 đồng/cái.
![]() |
“Ðồ chơi Trung Thu thì không thiếu nhưng có lẽ là hàng Trung Quốc bằng nhựa vẫn chiếm nhiều nhất. Mẫu mã năm nào cũng na ná nhau nên nhiều người cũng không mặn mà lắm. Vài năm nay, lồng đèn theo tiêu chí ‘sống xanh’ được quan tâm hơn”, chị Bảo Khanh, một tiểu thương kể. Chị Hoàn Mỹ, một người kinh doanh đến từ Bến Tre hiện phân phối sỉ, lẻ đèn lồng gáo dừa cho biết: “Tôi nhận được đơn mua đèn khá nhiều, bắt đầu từ Trung Thu năm ngoái. Nhu cầu năm nay vẫn rất lớn, từ đầu mùa đến giờ tính cả mối sỉ, lẻ tôi bán cũng lên đến cả ngàn chiếc. Có nhiều khách hàng ở khắp nơi tìm mua”. Theo chị Mỹ, lồng đèn gáo dừa được làm từ gáo dừa khô, tròn, đủ độ cong, độ sâu để chắn gió. Với những chiếc đèn đục lỗ tạo hình đặc biệt hay khắc tên theo yêu cầu thì khách phải đặt trước nhiều ngày để xưởng làm. “Gáo dừa được thợ mài nhẵn, đục lỗ theo các họa tiết ngôi sao, hình xoắn ốc…, gắn thêm dây treo bằng xơ dừa hoặc có khi làm đế là gáo dừa cắt nhỏ để giữ đứng sản phẩm. Ðiệu đà thêm chum tua rua màu đỏ là ra dáng một chiếc lồng đèn chơi Trung Thu ngon lành”, chị Mỹ nói thêm về sản phẩm.
![]() |
Dù đã xuất hiện vài năm trước, song đến năm nay, lồng đèn gáo dừa mới thực sự trở nên phổ biến vì phù hợp xu hướng thân thiện môi trường và an toàn hơn cho trẻ nhỏ. “Chơi Trung Thu xong có thể tái sử dụng làm đèn ngủ, trang trí, trồng cây…, hoặc bảo quản sang năm chơi tiếp…, là những cái lợi khi dùng đèn gáo dừa”, chị Bảo Oanh (Q.Bình Thạnh) nói. Còn với chị Nguyễn Thị Yến (Q.Gò Vấp) thì lý do để chị mua loại đèn mộc mạc này là vì: “Lồng đèn không thải nhựa, rất tự nhiên và gợi nhớ đến ký ức ngày bé giản dị khi chỉ có thể tận dụng những vật dụng sẵn có như gáo dừa, ống lon”. Chị Yến cũng tiết lộ rằng giờ đây, nhiều chị em đã ý thức được tác hại của đồ nhựa và pin, nên không chỉ chị mà nhiều bạn bè, người quen năm nay đã tìm mua hoặc tự làm đèn gáo dừa, đèn ống lon. Ðể tiết kiệm phí vận chuyển, nhóm bạn đồng nghiệp ở cơ quan chị Yến còn gom mua chung.
![]() |
Vì nguyên vật liệu làm đèn gáo dừa không khó kiếm, điểm cốt yếu là óc sáng tạo và sự khéo léo, nên không ít người đã nhanh chóng thực hành ý tưởng này. “Thời gian để làm ra một chiếc đèn lồng gáo dừa là khoảng vài tiếng đồng hồ. Tôi cũng bắt chước học theo các bước mày mò làm ra mấy cái đèn cho con cháu trong nhà có đèn chơi Trung Thu năm nay. Mấy đứa nhỏ rất thích thú vì ít ‘đụng hàng’ lại đúng tinh thần bảo vệ thiên nhiên đã được thầy cô dạy”, anh Ðức Hậu (Ðồng Nai) nói. Sau khi chơi Trung Thu, anh còn tận dụng đèn để làm chậu trồng hoa lan vì đẹp mắt lại khá bền, để ngoài mưa nắng không bị hư hại.
Từ một món đồ tưởng chừng bỏ đi, qua bàn tay khéo léo, những chiếc đèn Trung Thu độc đáo từ gáo dừa khô mộc mạc đã thực sự được người tiêu dùng yêu chuộng, bởi không chỉ vẫn bảo đảm được độ lung linh khi thắp lên, mà còn là sản phẩm thân thiện với môi trường.
Minh Minh
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.