Thứ Bảy, 27 Tháng Năm, 2023 10:06

Lòng nhân trong thành phố

 

Nhớ có thời, nhiều lần đi một mình dưới nắng Sài Gòn, cổ họng khô rát hoặc có lúc đi cùng người mẹ nghèo lang thang trên đường, tôi thèm làm sao một ngụm nước mà hoàn cảnh khó khăn không tiện vào quán. Quanh chúng tôi cũng có những người cơ nhỡ, lâm cảnh nghèo, thèm một bữa cơm trưa khi trong túi không còn tiền… Tất cả những hoàn cảnh tương tự, đến một lúc… đã tìm được chỗ trong thành phố để “giải tỏa” cơn đói khát từ tấm lòng nhân ái của nhiều người Sài Gòn.

 

Từ cuối thập niên 90 thế kỷ trước đến những năm sau này, những thùng nước miễn phí, có nơi là trà đá thơm ngon, có nơi còn là nước cam vắt… được đặt trong những thùng nhựa hoặc inox xuất hiện trên nhiều đoạn đường của thành phố, gần bệnh viện, trường học… Đầu tiên là thùng trà đá của một cư dân lâu năm của thành phố đặt trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Báo chí đến phỏng vấn, người phụ nữ trung niên chỉ khiêm tốn nói muốn đóng góp một chút gì cho cộng đồng. Hơn nữa, bà kể chuyện nhiều năm trước mình từng đi dưới cái nắng gay gắt và cũng cảm ơn người đã cho bà ngụm nước. Không ai nhớ tên người phụ nữ đó. Bà xuất hiện với bình trà đá lúc chưa có internet. Thế nhưng việc làm của bà lan tỏa khắp thành phố để nơi đâu cũng dễ dàng tìm thấy bình trà đá miễn phí.

Quán cơm 2000 tại nhà thờ Vườn Xoài, một trong những điểm phục vụ thực khách nghèo giữa Sài thành

 

Không chỉ trà đá miễn phí. Có những quán ăn một bữa đầy đủ canh, rau, thịt chỉ 2000 đồng, ban đầu xuất hiện trên đường Ngô Thời Nhiệm, và được nhân rộng ra ở những nơi khác trong thành phố; có nơi có quán ăn “0 đồng”, rồi những ổ bánh mì không, bánh mì thịt 0 đồng cho người khó khăn lót dạ… Năm 2021, do giãn cách phòng dịch, người ta thấy trên đường Cao Thắng xuất hiện những bao khoai 0 đồng bên cạnh những ATM gạo… rồi mô hình này đã được lan tỏa ở các nơi khác, như “ATM lướt ống” ở nhà thờ Tân Sa Châu, giúp cho bao người nghèo có được phần cơm, phần quà trong cơn nguy khó.

Sài Gòn là nơi tập trung nhiều người ở các vùng miền. Ở thành phố này, có thể nghe được đủ giọng Nam, Trung, Bắc… Không ít người từ các nơi khác tìm về đây như “miền đất hứa” để hoàn thành ước mơ đổi đời. Có những người học hành lên cao, thành đạt, song cũng có những người chỉ làm những việc bình dân như thợ hồ, bán vé số, hàng rong, bưng bê tại các quán ăn. Họ bỏ sức lao động kiếm chút tiền gởi về cho gia đình… Và với bao người dân nhập cư tự phát, việc mưu sinh khó khăn, nhiều khi không dễ dàng để họ có những bữa ăn đầy đủ, không phải lúc nào họ cũng có tiền trong túi để vá xe, để uống ly nước giải khát giữa cái nóng hầm hập của Sài Gòn. Hình như thấu hiểu hoàn cảnh đó, người đi trước rước kẻ đi sau… Những quán ăn 2000 đồng hay 0 đồng ra đời kéo theo những “dịch vụ” bơm vá xe, thay dây nón bảo hiểm, cắt tóc, tủ thuốc cấp cứu, bánh mì ăn sáng… 0 đồng. Gần chỗ chúng tôi ở, ngay đầu đường Trần Văn Đang, cổng Ga Sài Gòn cứ ngày mùng Một và Rằm âm lịch hằng tháng, có phát bánh mì thịt miễn phí. Chị chủ những ổ bánh mì nghĩa tình vui vẻ: “Mình ăn chay nhưng vào ngày này vẫn phát bánh mì thịt vì nghĩ những người lao động cần chút thịt để có sức kiếm tiền”. Cũng có nơi trong thành phố, người ta nấu những bữa cơm chay miễn phí cho người cần đến…

Nước giải khát và các dịch vụ miễn phí ở Sài Gòn đã giúp bao người lỡ đường giải tỏa cơn khát và những khó khăn nhất thời

 

Tuy nhiên, không phải ai cũng muốn hưởng những “dịch vụ” miễn phí đó. Tôi chứng kiến chú bán bưởi quen mua một ca trà đá mang theo uống. Khi hỏi sao không uống những thùng trà đá miễn phí, chú tỉnh bơ: “Cái đó cho người không tiền, mình có tiền thì cứ mua uống thôi”. Và chú cũng ăn những phần ăn trong tiệm với giá 25 - 30 ngàn đồng, hỏi sao không đến những quán ăn không đồng, hay quán cơm 2000, chú nói “những nơi đó dành cho người già, không kiếm ra tiền hoặc khuyết tật, mình còn đủ tay chân và vẫn lao động mưu sinh hằng ngày mà…”.

Vì thế, không phải ai nhập cư cũng muốn giành phần từ những người cơ nhỡ. Những dịch vụ không đồng như chiếc phao cho những ai lần đầu đến Sài Gòn chưa tìm được việc làm, hoặc làm không đủ ăn hay đỡ đần chút ít cho những người muốn tiết kiệm để gởi tiền về quê nghèo cho cha mẹ, con cái... Người Sài Gòn và những cư dân khác có điều kiện ở thành phố này đã dang tay bảo bọc họ. Và khi đã đủ nuôi bản thân, họ nhường phần đó cho người khác bằng chính đồng tiền của mình trong những quán ăn, những dịch vụ một cách sòng phẳng.

 

Nhờ sự hào sảng của Sài Gòn, bao nhiêu người đã có tiền gởi về giúp gia đình sau thời gian đầu chật vật. Bao nhiêu cuộc sống đã từ những dịch vụ không đồng đó mà vượt qua khó khăn để có thể đứng vững nơi thành phố này. Những người bán vé số, chạy xe ôm, bán hàng rong… một trưa chưa đủ “sở hụi” đã ghé bình nước miễn phí uống một ly giải nhiêt, đã ghé quán cơm ăn đỡ lòng bữa cơm miễn phí hay lỡ đi đường bể bánh xe có ngay dịch vụ vá xe không đồng. Con cái hay bản thân họ lỡ cảm sốt trong lúc chưa kiếm ra tiền, có ngay tủ thuốc không đồng…

Lòng nhân ái và đồng cảm của người Sài Gòn cũng như bao người sống trên mảnh “đất lành” này đã làm nên nét đẹp cho thành phố!

 

HOÀNG HẠC

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm