Thứ Tư, 04 Tháng Mười, 2017 12:24

Lớp hội họa của người khiếm thính

Có một lớp học vẽ tranh đặc biệt, đều đặn mở cửa vào ngày thứ bảy hằng tuần tại trụ sở của Câu lạc bộ Mekong Art (trực thuộc Hội Mỹ thuật TPHCM) trên đường Nguyễn Kiệm - Phú Nhuận. Học viên là những người khiếm thính đến từ nhiều nơi trong thành phố, được các họa sĩ tình nguyện dạy miễn phí.

 

Vẽ tranh tại lớp

 

Những tấm lòng

Họa sĩ Văn Y, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB), cũng là người phụ trách lớp học cho biết, xuất phát từ suy nghĩ muốn giúp những người khuyết tật có một công việc phù hợp với thể trạng và phát huy được sở trường, ông và một số người bạn trong CLB đã nảy ra ý tưởng mở lớp hội họa dành cho học viên khiếm thính. Sau thời gian ấp ủ, lớp học đã được chính thức khai trương vào tháng 5.2017.

Nói về những khó khăn bước đầu, họa sĩ Bích Ngân, một cộng tác viên đắc lực của nhóm chia sẻ: “Cái khó trước hết là ngôn ngữ. Các giáo viên phải cố gắng diễn đạt sao cho học trò hiểu. Khi thì ghi ra giấy để chỉ dẫn, lúc lại đưa tay ra dấu..., song đó vẫn chưa phải là ngôn ngữ chuẩn của người khiếm thính nên ban đầu hai bên rất lúng túng. Dần dần, thầy trò hiểu nhau hơn bằng ‘trực giác’…”. Là một họa sĩ Công giáo, chị Bích Ngân nói mình đến với lớp học này trong tinh thần phục vụ, muốn góp một phần khả năng để hỗ trợ những người kém may mắn. Với chị :  “Chúa sai mình đi khắp nơi, khi mình nhiệt tình với lớp học nhỏ này, dù chỉ là đóng góp trong khâu tổ chức hay qua nét cọ thôi, cũng là cách mang Chúa đến với mọi người”.

Tham gia trại sáng tác

Anh Đoàn Phạm Khiêm, một người khiếm thính tốt nghiệp đại học Mỹ thuật ba năm nay, cũng đến giúp các họa sĩ một tay trong việc hướng dẫn các học viên. Hiểu ngôn ngữ của người câm điếc nên tới đây, anh Khiêm vừa ôn lại “tay nghề”, vừa có thể chia sẻ kinh nghiệm tốt nhất cho anh chị em cùng cảnh ngộ.

Từ những nét vẽ đơn giản đầu tiên, chỉ mấy tháng sau, các học viên đã thể hiện được ý tưởng của mình thành một bức tranh. Tất nhiên, mức độ hoàn hảo, đẹp hay chưa đẹp còn tùy thuộc vào năng khiếu của mỗi người. Không những dạy trên lớp, các thầy cô còn tổ chức trại sáng tác cho anh chị em đi ra ngoài, gần gũi thiên nhiên, qua đó có không gian và thêm nguồn cảm hứng để cho ra đời những tác phẩm như ý.

Để duy trì lớp học

Một trăn trở lớn của những người tổ chức lớp hội họa này là làm sao duy trì được lớp học về lâu về dài, như suy tư của họa sĩ Văn Y: “Chúng tôi tập hợp, hướng dẫn các em được, nhưng để lớp học duy trì dài lâu cũng cần có sự góp phần của nhiều người. Vì các học viên đến đây hoàn toàn miễn phí, được phát cọ, màu, vải bố, khung tranh và có cả bữa ăn trưa”.

Để mời gọi sự chung tay của nhiều thành phần, vừa qua, nhóm họa sĩ Mekong Art và các cộng tác viên đã tuyển chọn phần lớn những tác phẩm được học viên vẽ trong chuyến đi trại sáng tác ở Đồng Nai, tổ chức trưng bày tại Đường Sách TPHCM nhằm gây quỹ từ thiện. “Âm thanh hội họa” là tên của cuộc triển lãm này, diễn ra từ ngày 22 - 24.9.2017, quy tụ hơn 100 bức tranh sơn dầu, acrylic của 16 tác giả khiếm thính, tuổi từ 16 đến 50. Bên cạnh đó, nhóm các thầy cô họa sĩ cũng đóng góp một số tác phẩm tâm đắc của mình, với mục đích san sẻ cho quỹ để giúp lớp học có kinh phí hoạt động.

Tự hào khoe thành quả

Khách tham quan đến xem tranh, dễ nhận ra những gương mặt hớn hở của các tác giả, những người không thể nói - nghe, nhưng biết thể hiện âm thanh bằng màu sắc theo cách của mình. Họ đã gởi gắm tình yêu thiên nhiên, con người qua từng nét cọ. Trong số các tác phẩm được trưng bày, có bức mang tên “Giáo đường màu nắng” của tác giả Hoàng Xuân Đức. Hỏi ra, chúng tôi được biết Đức là một học viên Công giáo. Em diễn tả cử điệu cho biết ý tưởng vẽ tranh bắt nguồn từ những lần đi lễ, hình ảnh ngôi nhà thờ với sắc màu tươi tắn đã đi vào trong tâm trí và trở thành cảm hứng để sáng tác.

Vũ Gia Huy, một tác giả trẻ khác thì khoe tác phẩm “Bình yên”, với ngôi nhà đơn sơ nằm hiền hòa giữa thiên nhiên xanh mát. Đó cũng là mơ ước của “cây cọ” này về một cuộc sống yên bình trong không gian “đẹp như tranh”.

Hoàng Xuân Đức bên tác phẩm "Giáo đường màu nắng"

Trong triển lãm, họa sĩ Bích Ngân đã mang đến bức tranh sơn dầu về ngôi nhà thờ Mằng Lăng, được chị vẽ trong một lần đi Phú Yên. Tác phẩm này được một người ngoài Công giáo mua với giá 18 triệu đồng. Đó cũng là cơ hội để chị có thể góp thêm phần vật chất - bên cạnh công sức vào việc duy trì và phát triển lớp hội họa cho người khiếm thính.

 

“Trong cuộc sống, chúng ta làm được điều gì tốt thì thật vui, bởi đó chính là hạnh phúc. Hướng đến những người kém may mắn, giúp họ có động lực vươn lên, cũng là niềm hạnh phúc đơn sơ chân chính mà anh em nhóm họa sĩ chúng tôi tìm thấy khi mở lớp hội họa này”

Họa sĩ Văn Y, Phó chủ nhiệm CLB Mekong Art.

 

LIÊN GIANG

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm