Thứ Sáu, 01 Tháng Tư, 2022 13:26

Luyện chữ cho con

 

Nhiều gia đình, con mới đang học lớp chồi, lớp lá nhưng đã được bố mẹ sắp xếp lịch luyện chữ kín mít. Với họ, đó là chuyện tự hào khoe với bạn bè, họ hàng là con biết nhiều, khôn trước tuổi, chưa đi học đã biết viết. Trong khi đó cũng có nhà, bố mẹ theo chủ nghĩa tự nhiên, không gò hay thúc ép con phải luyện chữ trước khi vào lớp Một, với suy nghĩ “cho con hồn nhiên với tuổi thơ của mình”, “cứ để đến lớp Một rồi cô giáo sẽ dạy” hoặc “ngày xưa mình cần gì học trước vẫn vở sạch chữ đẹp đấy thôi…”. Thực tế, việc luyện chữ cho con trẻ hiện nay thế nào và có thực sự cần thiết?

Một lớp luyện chữ cho trẻ


Ðồng hành cùng con

Chị Trần Thị Hiếu (ngụ quận 7, TPHCM) chia sẻ lại khoảng thời gian khó khăn khi chị chuẩn bị cho cô con gái thứ nhất vào lớp Một: “Nhắc lại tôi vẫn thấy lo lắng, bé lớn nhà mình lúc mới vào lớp Một, đã từng có khoảng thời gian sợ đến lớp vì suốt ngày bị cô chê chữ xấu. Và bé cũng xấu hổ với bạn bè vì bạn nào chữ cũng đều tăm tắp rồi mà mình chữ vẫn siêu vẹo. Tôi hốt hoảng quá mới hỏi ngay các phụ huynh khác thì được biết lý do là trước khi bước vào tiểu học, cháu không tham gia các lớp học luyện chữ như hầu hết các bạn đồng trang lứa”.

Vì mục đích “mặt bằng chung”, cho nên nhiều phụ huynh đã luyện chữ cho con ngay từ tiền lớp Một. Nếu bé nào không đi học trước sẽ không theo kịp bạn bè trên lớp. Nhiều trường hợp, từ không theo kịp bạn, các bé tự ti, xấu hổ, từ đó sợ học, không muốn đến lớp, bố mẹ xoay xở đủ mọi cách mà không tài nào khiến con “thích học”.

Tuy nhiên, muốn cho con luyện chữ là một chuyện nhưng việc luyện thế nào, luyện ở đâu vẫn khiến cho phụ huynh than trời, nhất là vào thời điểm dịch Covid-19 như hiện nay. Chị Nguyễn Kiều Trinh (TP Thủ Ðức) nói rằng thật khó khăn vì từ khi Sài Gòn đóng cửa tất cả trường học, trung tâm giáo dục là con chị không được đi học chữ. “Năm vừa rồi, có nhiều phụ huynh than là dù đã cho con đi học trước 2-3 tháng để nhận mặt chữ nhưng khi vào lớp Một, con và cả gia đình vẫn khủng hoảng vì chương trình nặng, bé không theo kịp các bạn. Rút kinh nghiệm từ đó, từ 6 tháng trước khi vào lớp Một, mình đã cho con đi học. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, con đã nhận được mặt chữ, viết được cơ bản, nhưng từ khi thành phố có chỉ thị giãn cách, lớp học đóng cửa, mình phải tự dạy con ở nhà, ngày nào hai mẹ con cũng đánh vật với nhau đến 10 giờ đêm nhưng không hiệu quả, chữ nghĩa cứ bay đi hết”, chị Trinh kể.

Không riêng gì chị Trinh, đây là nỗi lo chung của hầu hết các bậc phụ huynh. Nhiều phụ huynh lựa chọn phương án cho trẻ học chữ trước để không bỡ ngỡ khi vào lớp Một, và do tình hình dịch phức tạp nên các bố mẹ phải tự “chiến đấu” cùng con. Bởi phần luyện viết, nếu giờ học trực tuyến, giáo viên chỉ giảng lý thuyết, còn thực hành thì các bé chỉ được xem những đoạn quay (video) về từng nét, không có các cô dìu dắt, uốn nắn trực tiếp mà chỉ bắt chước theo màn hình nên rất khó khăn.

Không phải ai cũng dạy con tự học một cách đơn giản, mà thực ra nhiều phụ huynh cũng căng não và hết sức kiên nhẫn để dạy con luyện chữ. Không ít người kêu khó vì luyện mãi mà chữ của con vẫn như “gà bới”, chữ đi đằng chữ, nét đi đằng nét...

Chính vì lẽ đó mà nhiều hội nhóm trên facebook đã không tiếc những chiêu thức quảng cáo mời gọi nhiều sản phẩm liên quan đến những bộ sách luyện chữ, các lớp tiền tiểu học cho bé. Lại có những bộ sách Luyện chữ đẹp, Luyện viết nhanh… với giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Nhưng phụ huynh cũng không thể hoàn toàn dựa vào đó, mà để có hiệu quả hơn, họ phải cố gắng bám sát, đồng hành cùng con.

Chị Lê Nhi (Thủ Ðức) có con rơi vào trường hợp chậm nói nên việc dạy chữ và luyện đọc cho bé giai đoạn tiền tiểu học cũng là một chuyện rất khó khăn. Có thời kỳ, chỉ một chữ Ð mà bé học một tháng trời mới thuộc. Chị cho hay: “Ban đầu thì hơi khó khăn, nhưng sau đó ba cháu tự tìm hiểu các tài liệu, tự tải mẫu chữ chuẩn với cách viết, tự tay thiết kế những bản luyện chữ cho con, bám sát chương trình học, vừa dạy chữ vừa luyện chữ. Dần dần bé cũng viết được khá”.

Hãy để con trẻ luyện chữ như một niềm yêu thích, hứng thú...


Luyện chữ đẹp có thực sự cần thiết?

Luyện chữ là bài học cơ bản đầu tiên mà ai cũng phải trải qua. Thế nhưng, ngày nay, khi máy móc hiện đại đang dần thay thế con người, bắt đầu có những ý kiến băn khoăn rằng “Học sinh có cần rèn chữ đẹp khi chủ yếu gõ chữ bằng máy tính, điện thoại?” hay “Thời đại 4.0: luyện chữ đẹp có thật sự cần thiết?”.

Nhiều phụ huynh nghĩ việc luyện chữ đẹp không có giá trị, không tiên quyết sự thành công của đứa trẻ trong tương lai. Bên cạnh đó nó còn gây hệ lụy cho sự phát triển của trẻ vì tạo sức ép, lo lắng và khiến trẻ chán nản, sợ học. Họ cho rằng viết chữ đẹp là không cần thiết, nó sẽ trở thành một môn nghệ thuật, ai thích thì luyện, khuyến khích chứ không phải yêu cầu bắt buộc của môn học.

Có ý kiến cũng cho rằng, việc luyện chữ đẹp cho con rất khó khăn, nhất là trong đại dịch Covid-19, như lời anh Tuấn Anh, một phụ huynh ở quận 5 - TPHCM: “Giáo viên không thể theo sát, tự tay rèn cho học sinh từng nét chữ thì rõ ràng việc viết chữ đẹp đối với học sinh tiểu học, nhất là các em lớp Một là điều không thể. Yêu cầu viết chữ đẹp là một yêu cầu không thực tế, chỉ riêng việc học các môn khác đã khiến các con áp lực rồi, giờ còn phải “vở sạch chữ đẹp” là rất khó”.

Tuy nhiên, cũng có người không đồng tình với quan điểm trên, họ khẳng định luyện chữ đẹp là vô cùng cần thiết. Mặc dù xã hội đang ngày càng phát triển hiện đại, con người không cần phải viết tay nhiều như thời xưa. Song, chữ viết vẫn luôn cần thiết trong đời sống hàng ngày. Ai cũng cần phải ghi chép, lưu giữ, trao đổi thông tin bằng tay. Không phải công việc gì cũng cần đến internet, cũng cần gõ tài liệu trên máy tính…

Cô Hà Mẫn (giáo viên trường Mầm non Hạnh Phúc, Thủ Ðức) chia sẻ trải nghiệm của mình: “Mình đã được thầy cô, bố mẹ dạy luyện viết chữ đẹp, rõ ràng, mạch lạc ngay từ khi còn nhỏ. Ðối với mình, tập viết không chỉ đơn giản là một môn học kiến thức, mà nó còn dạy làm người. Nó rèn cho người viết đức tính kiên trì, nhẫn nại. Vì để viết chữ đẹp không hề dễ. Hơn nữa, còn giúp người viết xây dựng thói quen tỉ mỉ, cẩn thận trong từng nét chữ”. Cũng theo cô Mẫn, dù thời gian này việc luyện chữ sẽ khó khăn nhưng nếu bố mẹ sẵn sàng bỏ thời gian đồng hành cùng con thì không gì là không thể.

Từ kết quả việc luyện chữ cho con, chị Lê Nhi đúc kết: “Theo chúng tôi thì chuyện dạy chữ khá hay, sẽ dạy con tính tự tập và tự giác rất tốt”.

Lấy dẫn chứng từ bản thân, anh Trương Văn Tuấn (Quận Bình Thạnh, TPHCM) thừa nhận: “Trẻ cần được luyện viết chữ đẹp từ lớp Một, đến khi lên cấp hai, cấp ba viết nhanh còn đọc được. Chứ giờ không luyện, lớn xíu nữa viết còn ghê nữa. Tôi là một người viết chữ xấu, nên hiểu được việc viết chữ xấu làm bản thân thiệt thòi, xấu hổ với mọi người đến mức nào. Lên cấp ba, tôi mới bắt đầu luyện viết chữ lại, nhưng thật sự rất khó khăn vì đã quen viết nhanh, viết ẩu, rất mất thời gian”.

Nếu ngày xưa lấy chuẩn mực chữ đẹp làm thước đo con người, nét chữ tạo nên nết người, thì có lẽ ở thời đại 4.0, quan điểm này không hoàn toàn phù hợp nữa. Song, không hẳn vì sự phát triển của công nghệ mà chúng ta bỏ bê hẳn việc luyện chữ cho trẻ. Không cần chữ quá đẹp nhưng tổng thể chữ viết dễ nhìn, rõ ràng, mạch lạc vẫn là điều cần thiết, cả trong học tập và cuộc sống. Và điều quan trọng là bố mẹ hãy để trẻ luyện viết chữ đẹp xuất phát từ niềm yêu thích, hứng thú của con chứ không phải vì thành tích. Phụ huynh cần có phương pháp học tập và rèn luyện đúng cách cho con chứ cũng không nên ép buộc hay tạo áp lực lên trẻ.

 

Võ Hồng Tuấn

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm