Thứ Tư, 16 Tháng Mười, 2019 16:06

Mài cưa bằng “trí tuệ tập thể”

 

Trong lớp em có một nhóm học sinh rất “thân” nhau, tách hẳn các bạn trong lớp, thường trợ giúp nhau tán tỉnh yêu đương bạn này bạn kia trong lớp hoặc lớp khác. Nhóm này có 6 bạn và kiểu của các em là phối hợp tối đa để tất cả thành viên trong nhóm tán đổ bạn mà mình thích. Có em bị tán đã phải gặp cô cầu cứu.

Em đã nói chuyện nhỏ to, kể cả dọa rằng làm thế là phạm vào tội bắt nạt bạn nhưng chúng vẫn không sợ, cứ ngấm ngầm tấn công tiếp. Suốt ngày đầu óc chỉ nghĩ chuyện tán tỉnh, học thì lười, buổi chiều nghỉ học thì rủ nhau đi chơi hoặc trà sữa bàn bạc đối phó. Em nung nấu lắm mà chưa có đối sách. Bác sĩ bảo em phải làm sao?!

Một số bí quyết giúp bạn học tập vui vẻ hơn

(Một cô giáo chủ nhiệm lớp 7 - Bắc Giang)

Nhiều trường phổ thông nay đã không còn “cấm” học sinh yêu đương nữa, chỉ “khuyến khích” các em không để tình cảm làm xao nhãng việc học tập. Vì vậy, một số thầy cô chủ nhiệm khá lúng túng khi “can thiệp” vào chuyện yêu đương của các cô cậu tuổi mới lớn.

Thầy cô nào cố gắng “chia loan rẽ thúy, bổng đả uyên ương” thì chỉ nhận về toàn áp lực:

Phía học sinh: lẩn tránh, chuyển từ hoạt động công khai sang hoạt động ngầm (tình yêu như tình báo), nói dối thầy cô, tỏ ra bướng bỉnh, bất cần. Có em còn hỗn láo cãi lại (cô không có quyền ngăn cấm con tim, giết chết tình yêu!)

Bị phụ huynh kém tâm lý làm vỡ trận: trao đổi với cha mẹ thì hoặc họ làm ầm lên “mới tí tuổi đầu đã yêu đương nhăng nhít”, bêu riếu, trừng phạt, làm mất mặt con cái (học sinh lại “thù” cô giáo đã mách cha mẹ) hoặc họ ậm ừ bỏ qua không làm gì khiến lũ trẻ đâm nhờn.

Sai phương pháp sư phạm: Một số thầy cô áp dụng cách làm việc riêng rẽ với từng em trong nhóm nhằm “chia để trị”, thậm chí còn dùng vài em làm ăng-ten để nắm thông tin trong lớp. Lợi dụng những góc tối trong tâm hồn học sinh để đạt được mục đích “không cấm được thì quản”!

Theo tôi, cô hãy hoàn toàn… đứng về phía các em. Khác với cách nghĩ của người lớn, tình yêu tuổi học trò không phải lúc nào cũng trẻ con, vô nghĩa mà nó có thể mang đến cho các em nhiều điều tuyệt diệu. Vì lúc này các em còn có đủ tất cả: ông bà, cha mẹ, anh chị em, thầy cô, bè bạn và cả người ấy, chưa có những mất mát đắng cay. Tình yêu đầu đời tuy ngây thơ, khờ dại nhưng rất thuần khiết, tươi mới và chẳng hề toan tính thiệt hơn, sẽ là bài học giúp người ta trưởng thành hơn trong cuộc sống, đặc biệt là trong những mối quan hệ tình cảm sau này.

Có điều, các em còn thiếu kinh nghiệm sống, dễ “mải yêu” dẫn đến xao nhãng học hành nên rất cần sự điều chỉnh. Trong giờ sinh hoạt lớp, cô lên lịch cho chuyên mục ÐỪNG ÐÙA GIỠN VỚI TÌNH YÊU theo nguyên tắc 80/20: dành 80% thời giờ kể về tình yêu học trò thời cắp sách đến trường của mình, các kiểu thả thính, mài cưa, đánh “bả”…, chỉ 20% nói về những hậu quả trước mắt, lâu dài của những người trong cuộc (“được” chứ, mà “mất” nhiều hơn). Những câu chuyện “hay như phim” về trường hợp cậu kia là học sinh cá biệt, “không sợ trời, không sợ đất, chỉ sợ… gấu”, gia đình và thầy cô trị không nổi nhưng lại rất nghe lời bạn gái. Thế nên, bố mẹ liền bí mật liên hệ với cô bạn gái nhờ khuyên bảo giúp con họ. Bạn gái thấy mình được bố mẹ người yêu tín nhiệm cũng rất nhiệt tình giúp người yêu tốt lên và nhân cơ hội “ghi điểm” với phụ huynh. Yêu như thế lại trở thành động lực mạnh mẽ giúp hai bạn phấn đấu, nỗ lực hơn để cùng nhau vào được trường Ðại học mơ ước, được thầy cô và cha mẹ công nhận. Bên cạnh đó là những vụ án tình tuổi xanh đầy đau xót…

Những “Romeo và Juliet phiên bản Việt” cứ nghĩ tình cảm yêu đương đầu đời là thật lắm, nghiêm túc lắm. Ai đó bảo đó là tình yêu ngốc xít, sớm nở tối tàn, “sống thử” thì họ không tin đâu! Cô hãy “nói có sách mách có chứng” những chuyện có thật: bạn nọ “mưu trí dũng cảm” qua mặt gia đình, lấy tiền học phí, học thêm, bán xe để có tiền cung phụng người yêu, thậm chí thuê nhà nghỉ, phòng trọ để “sống” với nhau. Nhưng hết tiền, lại phải về nhà ăn bám bố mẹ. Ðấy, yêu thì yêu thật, nhưng rốt cuộc vẫn là sống thử!

Mưa dầm thấm đất, các em sẽ tự rút ra được kinh nghiệm: ta chỉ có một tuổi thanh xuân, nếu đùa giỡn, trêu cợt, suồng sã làm cho nó nhàu nhĩ, rách nát, sứt sẹo đi thì đúng là “phạm tội trời tru đất diệt” với bản thân, với đồng bọn và với bạn bè! Từ đó, học cách “đối xử với đối thủ hôm nay như một đồng minh của ngày mai” (George Washington), duy trì tình bạn tốt, không vì trò vui nhất thời mà làm tổn thương mình cả đời.

THẠC SĨ - BÁC SĨ LAN HẢI

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm