Trong buổi khánh thành máng cỏ và cây thông Noel ở Vatican năm nay, Đức Phanxicô đã khuyến khích mỗi người hãy tái khám phá các giá trị tượng trưng, cụ thể trong mùa Giáng sinh này là những máng cỏ, hình ảnh mang sứ điệp của tình huynh đệ, chia sẻ, đón tiếp và liên đới…
Cũng theo ngài, máng cỏ là một lời mời gọi dành chỗ trong cuộc sống từng cá nhân và trong xã hội cho Thiên Chúa, Đấng ẩn mình nơi khuôn mặt của biết bao người đang sống trong những hoàn cảnh khó khăn, nghèo đói và gian nan...
![]() |
Thật vậy, máng cỏ Belem, ngoài những khung cảnh yêu thương, cảm giác an bình…, còn bừng toát chất thánh thiện, qua việc dù bị ruồng bỏ nhưng gia đình Thánh Gia đã đón nhận một cách bình thản ở giữa lạnh lẽo trên cánh đồng hoang vu. Chúng ta cũng học được trong sự đơn sơ nghèo nàn bài học của sự tha thứ, của tinh thần phó thác tất cả theo thánh ý Chúa. Học, để rồi ra đi sẻ chia sự ấm áp, đem ánh sáng tình thương phá tan màn đêm đen tối.
Từ cảnh những mục đồng chăn chiên đơn sơ bé nhỏ và những nhà chiêm tinh mãi tận phương Đông quây quần, có thể nhận ra máng cỏ là điểm quy tụ và gặp gỡ của nhiều người, nhiều phương, không phân biệt tôn giáo, địa vị, giai cấp, thành phần... Nói cách khác, máng cỏ là nơi không định vị trên những bản đồ có đường biên giới ngăn cách, kể cả không gian và thời gian.
Bên máng cỏ, mọi người là anh em một nhà, không tỵ hiềm, chẳng hơn thua, mà chỉ có một điểm quy chiếu duy nhất là tình yêu Thiên Chúa, và một hệ phả chiếu là tình người và lòng quảng đại.
Trước máng cỏ, chúng ta hiểu được sự tốt lành của Ngôi Lời và chiêm ngắm lòng thương xót của Ngài, để rồi lắng nghe thông điệp hòa bình và hy vọng vẳng về. Gần lắm, đơn sơ lắm, nhưng vang xa tận cùng trái đất, ngập tràn cậy trông. Máng cỏ cũng nhắc nhân thế, sau khi nhận ra “tình yêu đến độ ban con một Người”, biết nghĩ đến những phận người, những cuộc đời của anh em xung quanh...
![]() |
Không còn nghi ngờ gì nữa, máng cỏ là điểm giao hòa giữa trời và đất, là nơi rạng rỡ những nụ cười và xóa đi những dòng nước mắt.
Một trẻ thơ sinh ra giữa đồng chiên, trong sự ngoảnh mặt của dương gian, đã dạy cho chúng ta biết bao nhiêu điều.
Nghĩ là như vậy, cảm được như vậy, nhưng tiếc là, ít ai trong chúng ta mạnh mẽ trỗi dậy như các mục đồng xưa, kiên nhẫn kiếm tìm như ba nhà đạo sĩ trong ngày cũ, để đến gõ cửa tha nhân, vui cùng niềm vui trần thế, đau cùng nỗi đau nhân loại với họ.
Chúng ta đã mải mê dùng máng cỏ thành nơi phô diễn sự hoành tráng.
Chúng ta vô tình biến những nơi lý ra phải lan tỏa ước vọng, thành điểm tủi hờn, mặc cảm…
Thử dạo một vòng quanh thành phố, dễ dàng đập vào mắt vô số các “máng cỏ” đèn điện chớp lòa, lung linh huyền ảo một cách phù du, giả tạo… Rất hiếm thấy những bàn tay chìa ra, những điểm tháo nút thắt, những tín hiệu đồng cảm, những lời nhắc nhớ về những “Hài nhi Giêsu thời đại” đang ẩn nép trong một góc phố, một xó hẻm nào đó, hay còn lạnh lẽo thiếu áo, thiếu thực phẩm trong vùng lũ miền Trung vốn phải gánh chịu nhiều nỗi đau thiên tai…
Chúng ta đã vô tình…
Chúng ta đã dễ dãi để mình trở thành những người chủ quán trọ lạnh lùng khoát tay.
Giáng sinh lại về, xin cho mỗi chúng ta mở rộng lòng mình như máng cỏ Belem, để biết đón nhận và trao đi, khó của nhưng giàu lòng, hiện diện và lan tỏa…
Công giáo và Dân tộc
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.