Thứ Năm, 08 Tháng Hai, 2018 15:22

Mang phong vị Tết quê hương vào miền Nam

Nhắc đến đào Nhật Tân, ai cũng nghĩ chỉ có Hà Nội mới có loại đào này. Nhưng với khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp nên những người đi kinh tế mới từ xứ sở đào nổi tiếng vào đất Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng để lập nghiệp, đã không quên mang theo hương vị ngày Tết của những người con xa quê về nơi mưu sinh.

Ông Chu Văn Lợi ở trị trấn Nam Ban với vườn đào khủng (ảnh: Thiên Ân)

Từ nhiều năm trước, những người gốc Hà Nội đã vào mảnh đất Lâm Hà cư ngụ, bởi ở đây khí hậu và thổ nhưỡng rất giống với Thủ đô. Nhiều người ví von mảnh đất này là Hà Nội thu nhỏ trên Cao nguyên Lâm Đồng. Khai hoang lập ấp, họ đã đặt tên cho thôn, xóm, xã là những địa danh giống với quê hương Hà Nội như Mê Linh, Cổ Nhuế, Đông Anh, Bắc Từ Liêm... 

Để giữ lại đặc trưng của người miền Bắc mỗi dịp Tết, trong lúc di cư, nhiều người không quên đem theo những cành đào quý vào trồng để giữ lấy phong vị đất tổ trên vùng đất mới. Với họ, những cành đào không đơn thuần là một loại cây được ưu ái đặc biệt chơi cảnh ngày Tết, mà còn là linh hồn của quê hương Nhật Tân, là cội nguồn của tổ tiên, dòng họ truyền đời nối kiếp gìn giữ qua nhiều thế hệ. Vì vậy nó trở nên thiêng liêng, không thể thiếu đối với những người xa quê.

Vườn đào Nhật Tân của bà con ở trị trấn Nam Ban huyện Lâm Hà hứa hẹn mùa bội thu (ảnh: Thiên Ân)

Còn khoảng một tuần nữa mới tới Tết Mậu Tuất 2018, nhưng nhiều gốc đào của bà con ở thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà đã lác đác trổ bông. Nhiều nhà vườn đang phải tất bật chăm sóc, tỉa cành, tưới nước cho hoa đào nở đúng dịp Tết. Những ngày này ở thị trấn Nam Ban tấp nập du khách đến tham quan, chụp hình và đặt mua đào đem về chưng Tết. Nhà có thâm niên trồng đào Nhật Tân đầu tiên ở mảnh đất Nam Ban phải kể đến là gia đình ông Chu Văn Lợi (60 tuổi, trú tại khu phố Đông Anh, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà). Khu vườn khoảng 1.000 cây đào cành và 50 gốc đào cổ của gia đình ông Lợi chật kín khách đến đặt mua hàng. Hiện tại, mỗi cành đào tại vườn của ông Lợi được bán với giá khoảng 200.000 đồng. 50 gốc đào cổ thụ với đa dạng thế đứng, kiểu cách thì chỉ cho thuê với giá từ 2,5 - 15 triệu đồng, thời gian thuê từ 28 - 29 tháng Chạp đến rằm tháng Giêng hoặc khi hoa tàn

Người dân trồng đào Nhật Tân đang tỉa lá cho đào nở đúng dịp Tết (ảnh: Thiên Ân)

.Nghề trồng đào Tết ở huyện Lâm Hà từ lâu đã trở thành một nghề cho thu nhập khá cao và ổn định với nhiều hộ gia đình. Theo thống kê, toàn huyện Lâm Hà hiện có hơn chục hộ trồng đào Tết, với mỗi hộ từ vài trăm gốc, thậm chí có những hộ trồng cả ngàn gốc. Năm nay, ngoài các giống truyền thống có nguồn gốc từ làng đào Nhật Tân - Hà Nội như Hồng đào, Bích đào còn có thêm các giống Bạch đào và đào Mông Tự, đây là những giống thị trường rất ưa chuộng.

Với kinh nghiệm của một vùng đất có truyền thống trồng đào từ làng đào Nhật Tân - Hà Nội chuyển vào, nghề trồng đào tại Nam Ban, huyện Lâm Hà không chỉ góp phần tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân mà còn lưu giữ một nét đẹp, có giá trị độc đáo của một nghề truyền thống có từ lâu đời, nhằm phục vụ người tiêu dùng mỗi dịp Xuân về. 

THIÊN ÂN

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm