Thứ Ba, 09 Tháng Năm, 2023 19:34

Mang theo văn hóa khi trải nghiệm du lịch

 

Khi thực hiện một “tua” du lịch dù ngắn ngày và ngay ở nội địa, cá nhân và nhóm du lịch đã mang đến thôn làng, đô thị ngoài nơi mình cư trú một văn hóa có khác biệt với bản địa từ ngôn ngữ, trang phục, tập quán đến chuyện ẩm thực. Trong một tỉnh, vùng, quốc gia vốn chia sẻ các giá trị chung, các khác biệt ấy không lớn, sự hòa nhập tương đối dễ dàng, nhưng khi “bay” ra ngoài lãnh thổ vốn gắn bó bao đời, đến quốc gia lãnh thổ khác có khi xa xôi, những khác biệt lớn xuất hiện từng mức độ. Khác biệt về chính trị, sắc tộc, tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ… mặc định mang theo như hành trang của mỗi lữ khách, trong chiếc ba lô vô hình.

 

Một dạo người viết thực hiện “tua” đi Singapore, về, bên cạnh bao nhiêu hình ảnh ghi từ xứ sở nhỏ nhắn xinh đẹp có môi trường xanh tuyệt, còn nặng lòng chuyện ở một tiệm ăn buffet xứ người khi cô hướng dẫn viên bật đèn xanh “chỗ này ăn tùy thích, ăn cho họ lỗ”… Thế là nhiều người ăn, lấy thức ăn, chọn thức uống cứ như trong một cuộc thi xem ai tiêu hao nhiều nhất thực phẩm, đồ uống, kết quả có thể không khó kiểm tả nếu nhìn vào mắt nhân viên phục vụ. Rồi cảnh chen chúc trên máy bay, thay đổi chỗ, hành lý chất tùm lum không khác trên xe đồ thời bao cấp, và trước đó, những cú mua vét ở cửa hàng miễn thuế ở sân bay. Một “tua” thất bại vì trong hành lý không ít người không mang theo văn hóa khi đến xứ người. Thậm chí trong chuyến đi này, nghe nói có vị khách đã bị cảnh sát sở tại câu lưu, không về chung theo đoàn, vì những hành vi phạm luật.

Có những lữ khách chuẩn bị cho hành trình chu đáo không chỉ tiền, hộ chiếu, la bàn, máy tính, máy ảnh..., mà còn công phu đọc sách, học tiếng, làm quen văn hóa tập quán nơi đến ở thư viện và trên mạng, thành ra cú va chạm văn hóa, trải nghiệm xứ người diễn ra thú vị, nhẹ nhàng không đến nỗi gây sự cố, hay sốc văn hóa. Như đến Singapore, sẽ tốt biết bao khi khách biết trước luật lệ quốc gia này nghiêm như thế nào với việc xả rác bậy, dù chỉ một tàn thuốc lá, hay vặt cây xanh, những lỗi ở Việt Nam chế tài không mạnh và hầu như vô tư diễn ra không đem tới hậu quả gì.

Khi một lữ khách thị thực vào quốc gia khác du lịch, họ đã bước vào văn hóa khác, lịch sử khác và cả những khác biệt ở luật pháp, đương nhiên trước đó là ngôn ngữ. Đồng thời, họ mang hình ảnh, văn hóa của xứ ở mình tương tác với bè bạn nơi xa, nhất cử nhất động đều khác nếu so với chuyện khi còn ở thôn làng bản quán.

Một “tua” du lịch đẹp để lại biết bao dư vị lâu dài trong tâm thức khi trải nghiệm nhiều thứ chưa từng, từ núi sông đến các bề sâu văn hóa nơi vốn xa lạ, điều đó chỉ có thể có được khi lữ khách chuẩn bị hành trang lên đường, thêm một chiếc ba lô vô hình bên cạnh ba lô vật chất mang theo là hành trang văn hóa.

 

CÔNG NGUYÊN

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm