Thứ Tư, 25 Tháng Năm, 2022 17:49

Manh mối trong hang động Lào hóa giải bí ẩn về tiến hóa

 

Phát hiện mới ở hang động Lào được kỳ vọng có thể cung cấp manh mối quan trọng, từ đó dẫn đến hóa giải bí ẩn lớn nhất trong lịch sử tiến hóa của loài người.

 

Sau khi trèo lên một dốc đá thuộc dãy Trường Sơn bên địa phận Lào, nhà cổ sinh vật học Laura Shackelford của Đại học Illinois Urbana-Champaign (Mỹ) thật sự bị choáng ngợp. Bà đứng trước một cái hốc chật chội được người địa phương gọi là Hang Rắn Hổ Mang. Nhà nghiên cứu người Mỹ đang tìm kiếm những mẩu xương theo lời kể của một cậu bé H’mông sống ở ngôi làng gần đó. Bà bật đèn pin và chiếu ánh sáng lên các vách hang. Khi ngẩng lên, Shackelford bất ngờ vì thấy toàn là xương.

Bên trong một hang động của người Denisovan

 

Người Denisova

Trong nhiều năm, bà Shackelford và đồng sự lặn lội bên trong các hệ thống hang động như mê cung ở Lào, tìm kiếm các di chỉ hài cốt của người cổ đại. Và Hang Rắn Hổ Mang thật sự khác biệt. Trước đó, đồng nghiệp của bà đã tìm thấy một phần răng hàm có niên đại hơn 130.000 năm. Trong báo cáo được đăng trên Tạp chí National Geographic, răng hàm nhiều khả năng thuộc về một bé gái được cho là người Denisova (Homo denisovensis). Nếu được xác nhận và bình duyệt, phát hiện mới đánh dấu việc tìm thấy hóa thạch ở điểm xa nhất về hướng nam từng thuộc về chủng người bí ẩn này.

Người Denisova tách ra từ chủng người Neanderthal (Homo neanderthalensis) cách đây khoảng 400.000 năm. Vào thời điểm đó, người Neanderthal thống trị châu Âu, còn người Denisova di chuyển theo hướng đông và vào châu Á. Trong khi các nhà khoa học khai quật rất nhiều hài cốt của người Neanderthal, hóa thạch của người Denisova đến nay vẫn vô cùng hiếm hoi. Toàn bộ các mẩu xương và răng được xác nhận thuộc về chủng người này có thể dồn vào một túi nhựa cỡ miếng bánh mì sandwich mà vẫn còn rộng rãi chỗ. Và tất cả đều xuất phát từ 2 nơi, Siberia và Tây Tạng.

Địa điểm tại Lào nơi bà Shackelford có phát hiện quan trọng

Tuy nhiên, từ lâu, giới khoa học nghi ngờ người Denisova phải đi xa hơn nữa về hướng nam. Người Denisova cũng gặp tổ tiên loài người (Homo sapiens), họ sinh sản và để lại dấu ấn di truyền bên trong đa số người gốc Á hiện đại. Phát hiện mới nhất về mẫu vật của loài người bí ẩn, vừa được đăng tải trên chuyên san Nature Communications, tiết lộ sự phân bố rộng rãi và đa dạng mà người Denisova từng đạt được trong hành trình chinh phục châu Á.

Các nhà khoa học phát hiện loài người này có thể sinh sống ở những dãy núi cao và lạnh giá, trên cao nguyên xa xôi và cả những vùng đất thấp của Đông Nam Á. “Điều này khiến tôi nghĩ về sự giống nhau giữa người Denisova và người hiện đại. Chúng ta vô cùng linh hoạt, đó là đặc điểm nổi bật của người hiện đại”, bà Shackelford cho biết.

Hộp đen của sự sống

Trong gần một thập niên, các di chỉ duy nhất được biết từng thuộc về người Denisova là một vài chiếc răng, một mẩu xương nhỏ, một mảnh hộp sọ được tìm thấy bên trong hang động ở miền nam Siberia. Đến năm 2019, một tuyên bố chấn động được loan tải trong cộng đồng khoa học thế giới: Một xương hàm của người Denisova được tìm thấy bên trong hang Baishiya ở rìa cao nguyên Tây Tạng.

Các mẫu răng của người cổ đại

 

Đến tháng 5 năm nay, các nhà nghiên cứu tiếp tục thông báo tìm được hóa thạch mới nhất của loài người này trên dãy Trường Sơn nằm dọc theo biên giới Lào và Việt Nam. Trong một thiên niên kỷ, những con sông đã len lỏi và đục khoét dãy núi đá vôi (tàn tích của một thềm lục địa cổ đại), biến nơi này trở thành một hệ thống hang động chằng chịt với vô số bí ẩn chờ được khám phá.

Phần răng hàm vừa được tìm thấy không chỉ là một chiếc răng bình thường, mà nó có thể bổ sung nhiều manh mối cho nỗ lực nghiên cứu người Denisova của cộng đồng khoa học thế giới. “Răng cũng giống như hộp đen nhỏ của sự sống ở mỗi cá nhân”, đồng tác giả nghiên cứu, chuyên gia Clément Zanolli của Đại học Bordeaux (Pháp) giải thích. Dựa trên hình dạng, cấu trúc bên trong, hóa chất và mô hình của chúng, răng có thể bảo tồn nhiều dạng thông tin quý giá liên quan đến tuổi tác, chế độ ăn và thậm chí khí hậu, thời tiết của môi trường mà cá nhân đó sinh sống.

 

Kết quả nghiên cứu cho thấy chiếc răng ở Lào thuộc về một bé gái tuổi từ 3,5 đến 8,5, tử vong trước khi răng vĩnh viễn được tạo hình hoàn chỉnh. Dựa trên niên đại của những phần còn lại của xác động vật xung quanh, răng hàm nhiều khả năng xuất hiện từ 131.000 đến 164.000 năm trước. Trong thời gian tới, đội ngũ chuyên gia hy vọng sẽ tiếp tục khám phá thêm nhiều manh mối liên quan đến loài người bí ẩn, thông qua việc khai quật những địa điểm tiềm năng bên trong các hang động tại khu vực.

 

BẠCH LINH

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm