Từ ngàn xưa, người ta ví thân phận người con gái như 12 bến nước, trong nhờ đục chịu. Nước trong khi người phụ nữ được chồng yêu quý, gia đình chồng, nhất là mẹ chồng đối xử tốt. Một thời, hình ảnh mẹ chồng hà khắc với con dâu và con dâu phải phục từng chồng cũng như gia đình chồng... từng được thể hiện qua một số tác phẩm văn học của Tự Lực Văn Ðoàn. Song cái thời “xuất giá tòng phu” ấy đã qua. Những người con dâu thế hệ 8X, 9X hôm nay dường như ngược lại: được mẹ chồng phụ một tay làm việc nhà, trong đó có việc chăm sóc con trai và cháu nội của bà.
![]() |
Hình ảnh người mẹ chồng thời nay phụ con dâu chăm cháu và làm việc nhà giúp con... không còn xa lạ
|
Hiện nay, không hiếm những cô dâu sống chung nhà chồng nhưng rất thanh thản chuyện cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Chị Nguyễn Thanh Nhàn, 34 tuổi (quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết, từ lúc về nhà chồng, chị chỉ lo cùng chồng kiếm tiền, nuôi dạy con cái. Là nhân viên một công ty phần mềm máy tính, buổi sáng chị cùng chồng ra khỏi nhà, đưa con đi nhà trẻ rồi tất bật công việc. Chiều về rước con, ở nhà đã có “cơm nóng canh ngọt” do người chị chồng nấu. Chị Nhàn chỉ cho quần áo dơ của hai vợ chồng mình và các con vào máy giặt, xong là phơi rồi ủi… Chị bảo: “Vợ chồng con cái tôi có phòng riêng. Ngày cuối tuần, tôi và chồng lau dọn phòng chúng tôi và hai đứa con. Nhà chung, nhà bếp… thì chị chồng và mẹ chồng tôi lau dọn. Nhiều lúc, mẹ chồng còn dọn phòng cháu nội dùm tôi luôn. Mỗi tháng, tôi đưa tiền chợ phần chúng tôi, phụ thêm tiền điện nước, vậy thôi. Làm dâu như tôi không có gì căng thẳng!”. Quả như chị Nhàn nói thì chuyện làm dâu của chị thật thoải mái. Hai lần sinh con, sau kỳ nghỉ hộ sản, khi các con chưa đủ tuổi gởi nhà trẻ, chị chồng và mẹ chồng của chị đã chăm sóc giúp. Mẹ chồng không chỉ quan tâm đến các cháu nội, mà còn quý con dâu như con đẻ, vào những dịp lễ dành cho phái nữ hoặc Ngày Tình nhân, theo chị kể thì “mẹ còn bảo chồng tôi đưa tôi đi chơi để hâm nóng tình yêu, bà sẵn sàng giữ con cho chúng tôi. Tôi ở nhà chồng thoải mái như ở nhà mình!...”.
![]() |
Những nàng dâu hôm nay cũng khác, họ là những phụ nữ không chỉ lấy chồng, sinh con và lệ thuộc kinh tế vào chồng hay gia đình chồng, mà có việc làm ngoài xã hội, tự chủ về kinh tế, thậm chí có người còn lo được cho chồng con từ thu nhập của mình. Bà Nguyễn Thị Bích Toàn, 60 tuổi (Q.5, TPHCM) kể về con dâu và những việc mình phụ giúp cô: “Con dâu tôi tờ mờ sáng đã ra chợ đầu mối lấy hàng rồi mang về chợ nhỏ gần nhà bán kiếm đồng lời phụ chồng nó là tài xế xe công nghệ. Vì vậy, tôi phải phụ con lo cho cháu nội ăn sáng, rồi thay quần áo để ba chúng đưa tới trường. Buổi trưa, tôi nấu cơm, hâm thức ăn mặn làm từ chiều hôm trước và nấu thêm nồi canh để con trai về ăn và mang phần cơm ra chợ cho vợ. Đến chiều muộn, con dâu tôi mới về. Tôi phụ con lo bữa cơm chiều, làm thức ăn mặn cho ngày hôm sau... Cứ thế, chúng tôi sống vui vẻ, không hề tỵ nạnh nhau việc nhà”. Theo bà Toàn thì thời đại bây giờ khác xưa, con dâu cũng bận bịu đi kiếm tiền, phụ chồng nuôi con, lo ăn uống, điện nước trong nhà, nuôi dạy con cái. Vì thế, “bắt con dâu hầu cơm nước nhà chồng như ngày xưa có phải phi lý và phi nhân tính không? Vừa phụ chồng kiếm tiền, vừa phải hầu hạ mẹ chồng, thật khó coi! Tại sao phải như vậy khi tôi còn khỏe, còn phụ con trai và con dâu để cả hai an tâm làm việc lo cho con cái và cả bản thân tôi?!...”.
![]() |
Chính vì những cô dâu ngày nay cùng chồng nâng đỡ mái nhà gia đình nên phần lớn mẹ chồng đều “phụ đỡ” con dâu nhiều nhất có thể. Trường hợp bà Trần Thị Hồng, 68 tuổi (Q.1, TPHCM) thì có con dâu là giáo viên tiếng Anh, dạy từ sáng đến tối mịt mới về. Con trai bà là công chức, đồng lương khiêm tốn. Do vậy, xem như con dâu bà là trụ cột gia đình về kinh tế. Mỗi ngày, bà sang nhà con trai giặt giũ quần áo bằng máy giặt, lau dọn nhà cửa, nấu cơm nước để chiều về con trai, con dâu và cháu nội có bữa cơm đầm ấm. Bà tâm sự: “Tôi có lợi tức từ ngân hàng và có nhà riêng, có hai con ở nước ngoài. Nói chung, tôi vẫn có thể chọn một cuộc sống sáng đi tập dưỡng sinh cùng hàng xóm, trưa về nấu cơm tự ăn rồi xem tivi, hoặc cà phê, du lịch cùng bạn bè... Thế nhưng, như vậy thì vợ chồng con trai phải mất thêm khoản tiền thuê người làm việc nhà và chăm sóc con cái chúng. Tại sao phải như vậy khi tôi còn khỏe, còn có thể giúp gia đình con trai sống tốt và hạnh phúc hơn?!”. Nếu không có bàn tay của bà, hẳn con dâu và con trai bà vô cùng tất bật. Nếu đòi hỏi thêm con dâu phải “hầu mẹ chồng” nữa thì… không biết gia đình con trai bà sẽ … đi về đâu. Bà Hồng chia sẻ thêm khi nghe chúng tôi hỏi sao bà không để các cháu cho người giúp việc: “Người giúp việc hiện nay rất khó tìm, nhất là người tận tụy và đáng tin cậy. Nếu mình không quan tâm chăm lo nhà cửa cho các con, không phụ con chăm cháu thì con cháu mình thiệt thòi. Phụ con dâu một tay, sức khỏe cô ấy tốt, tinh thần ổn định thì mới đủ tâm trí để dạy học, kiếm tiền cùng chồng lo cho gia đình, con cái chứ!”. Bà cũng nói tiếp rằng, nếu phải chi thêm tiền thuê người giúp việc, hẳn phải nhín ra một khoản, như vậy có thể phần dành những nhu cầu của cháu nội phải eo hẹp lại, cuộc sống gia đình con trai bà có thể bớt phần sung túc. Và người mẹ U70 này kết luận: “Tôi thương con trai, cảm thông với con dâu, yêu quý cháu nội nên sẵn sàng hy sinh công sức và thời gian để các con cháu tôi có cuộc sống sung túc, ấm no. Không ai ép buộc tôi, tất cả là sự tự nguyện để mọi người được hạnh phúc. Nhìn con cháu hạnh phúc, chính bản thân mình ngập tràn niềm vui rồi!”.
Vâng, hôm nay, những bà mẹ chồng không còn là những hình ảnh như người xưa diễn tả. Ở thời 4.0 này, họ tự nguyện, vui vẻ chăm sóc con trai, cháu nội và cả con dâu. Còn những cô con dâu thời này cũng là những phụ nữ hiện đại, biết rõ thế nào là độc lập kinh tế bằng cách làm ra đồng tiền, phụ chồng nuôi con và chia sẻ gánh nặng trụ cột gia đình, bổn phận làm con với cha mẹ hai bên cùng người hôn phối của mình.<
NGUYỄN NGỌC HÀ
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.