Thứ Sáu, 13 Tháng Giêng, 2023 01:11

Mèo và các nền văn minh cổ đại

 

Từ Ai Cập đến Trung Quốc, mèo là bạn đồng hành quan trọng trong cuộc sống của nhiều người thời cổ đại.

Loài mèo từ lâu đã xuất hiện bên cạnh con người. Thế nhưng, đến nay, giới khoa học vẫn chưa thể xác định chính xác niên đại của quá trình thuần hóa loài mèo. Một báo cáo cho thấy thời điểm mèo được thuần hóa có thể bắt đầu cách đây 12.000 năm, trong khi một nghiên cứu gần đây hơn đề cập hai giống mèo khác nhau nhưng góp phần tạo nên giống mèo nhà như ngày nay. Thứ nhất là giống mèo nhiều khả năng xuất hiện khoảng 8.000 năm trước ở vùng gọi là Lưỡi liềm Màu mỡ (thuộc Lưỡng Hà, Levant và Ai Cập). Giống còn lại bắt đầu từ Ai Cập và lan sang các nước Địa Trung Hải cách đây khoảng 3.500 năm.

Trong một trường hợp đặc biệt, các nhà khảo cổ học đã đào được nấm mồ chôn người với một con mèo ở CH Síp khoảng 9.500 năm trước. Thế nhưng không thể nào xác định được con mèo đã được thuần hóa hoặc vẫn là mèo hoang dã vào thời điểm chôn cất.

Một điều chắc chắn là mèo xuất hiện trong nhiều nền văn minh cổ đại khác nhau, thường đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người khi ấy. Trong một số trường hợp, mèo thậm chí còn đảm nhận vai trò biểu tượng của tôn giáo và văn hóa.

Ai Cập cổ đại

Tại Ai Cập, mèo đóng vai trò quan trọng về thờ phượng và tâm linh. Một số người Ai Cập cổ đại còn dâng mèo ướp xác và tượng hình mèo lên nữ thần Bastet. Nhiều xác ướp mèo xuất phát từ các xưởng chuyên ướp xác mèo, dù chưa rõ nguồn xác mèo được lấy từ đâu.

Loài mèo nhìn chung trải qua đời sống thoải mái trong xã hội Ai cập cổ đại. Giống như hiện nay, mèo khi xưa cũng được chủ nuôi để đuổi chuột. Ngoài ra, người Ai Cập cổ đại còn cho rằng mèo mang đến vận may, và vì thế rất hào phóng khi chăm sóc mèo, cho chúng đeo đồ trang sức và ăn uống ngon lành.

Rome cổ đại

Ở Rome, mèo không phải lúc nào cũng là sự lựa chọn đầu tiên trong trường hợp cần nuôi thú cưng, ít nhất là trong giai đoạn đầu của đế quốc La Mã. Trên thực tế, nhiều người quyết định nuôi chồn hoặc thậm chí rắn để xua chuột khỏi nhà. Tuy nhiên, theo báo cáo đăng trên chuyên san The Classical Journal, nhiều người bắt đầu chuyển sang nuôi mèo từ thế kỷ thứ hai đến thứ năm. Lý do là mèo nhìn trông sạch sẽ hơn chồn và không nguy hiểm như rắn.

Có lẽ mèo không phải lúc nào cũng được trân trọng hơn những loài thú nuôi khác, chẳng hạn người La Mã cổ lại thích nuôi chó hơn, nhưng mèo vẫn chiếm lĩnh một phần quan trọng của lịch sử thành Rome thời cổ đại. Ngày nay, nhiều mèo hoang vẫn bám trụ xung quanh Largo di Torre Argentina ở Rome, một phần của tàn tích nơi Hoàng đế Julius Caesar bị ám sát năm 44 trước công nguyên.

Ấn Độ cổ đại

Hình tượng loài mèo xuất hiện trong một số sử thi quan trọng nhất của Ấn giáo, bao gồm sử thi Ramayana và Mahābhārata. Thậm chí câu chuyện “Chú mèo đi hia” của tác giả Charles Perrault vào thế kỷ 17 có lẽ bắt nguồn từ bộ sưu tập truyện ngụ ngôn có niên đại cách đây hơn 2 thiên niên kỷ. Trong giai đoạn theo sau thế kỷ thứ 5 Trước Công nguyên, có thêm nhiều câu chuyện đề cập về mèo trong các gia đình Ấn Độ cổ đại.

Trung Quốc cổ đại

Một số chứng cứ lâu đời nhất cho thấy người Trung Quốc nuôi mèo được ghi nhận cách đây 5.300 năm. Các tác giả của một báo cáo phân tích manh mối khảo cổ và đồng vị cho thấy mèo từng có mặt ở vùng nông nghiệp Quanhucun thuộc Lễ Lăng, tỉnh Hồ Nam ở miền tây bắc nước này. Xác mèo được tìm thấy ở đây không có dấu hiệu ăn uống như mèo hoang dã. Nói cách khác, mèo thời đó nhiều khả năng trong giai đoạn đầu của quá trình thuần hóa, theo báo cáo.

Thế nhưng, các nhà nghiên cứu khác cho biết chứng cứ trên không đủ để kết luận rằng mèo được thuần hóa ở Trung Quốc. Một số nguồn lại cho rằng mèo nhà ở Trung Quốc đến từ Ai Cập hoặc châu Âu, có lẽ cách đây khoảng 2.000 năm. Chưa rõ mèo có được coi trọng về khía cạnh tâm linh vào thời Trung Quốc cổ đại hay không.

LING LANG

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm